Tìm hiểu "xe tăng nhảy dù" của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Quang Minh |

(Soha.vn) - M-551 Sheridan là một mẫu xe tăng hạng nhẹ rất đặc sắc được quân đội Mỹ triển khai tại chiến trường Việt Nam.

Quá trình phát triển xe tăng M-551 Sheridan được bắt đầu từ năm 1959, nó là chương trình được biết đến với tên gọi Xe đột kích trinh sát/ đổ bộ đường không. Mẫu thử nghiệm đầu tiên được ra mắt năm 1962 và quá trình sản xuất hàng loạt diễn ra từ năm 1966.

Xe tăng M-551 Sheridan tại chiến trường Việt Nam

Xe tăng M-551 Sheridan tại chiến trường Việt Nam

M-551 được đặt theo tên để vinh danh vị anh hùng trong Nội chiến Mỹ, tướng Philip Sheridan. Tổng cộng có 1.700 chiếc xe tăng hạng nhẹ M-551 đã được sản xuất cho đến khi bị ngừng lại vào năm 1970. Xe tăng M-551 giữ vai trò thay thế xe tăng hạng nhẹ M-41 và pháo tự hành M-56 trong quân đội Mỹ. Tiếc rằng Sheridan đã dần bị loại biên từ năm 1978, mặc dù đến tận năm 1996, chiếc M-551 cuối cùng mới chính thức bị loại bỏ. Hiện tại, quân đội Mỹ không có chương trình nào thay thế cho loại xe tăng nhẹ này, có lẽ do xe tăng M1A2 Abrams là quá đủ đối với họ!?

Xe tăng Sheridan được thả xuống từ máy bay C-130

Xe tăng Sheridan được thả xuống từ máy bay C-130

Mỹ chế tạo M-551 để chiếc xe tăng nhẹ này có thể được thả bằng dù, kể cả được thả xuống ở độ cao thấp. Việc thả ở độ cao thấp sẽ sử dụng hệ thống có tên gọi LAPES, với một tấm “đế” hấp thụ chấn động trong quá trình chạm đất. Tính năng này sẽ hữu hiệu khi cần phải chuyển chiếc xe tăng tới vùng chiến sự trong hoàn cảnh không cho phép máy bay hạ cánh hoặc hỏa lực phòng không của đối phương quá mạnh và thực tế M-551 là chiếc xe tăng duy nhất có khả năng thả bằng dù của quân đội Mỹ.

Xe tăng hạng nhẹ M-551 có thân làm bằng hợp kim nhôm còn tháp pháo bằng thép, sự kết hợp như vậy nhằm giảm tổng trọng lượng. Giáp trước của M-551 chống được đạn xuyên giáp cỡ 20mm, các vị trí còn lại chỉ chịu được đạn 14,5mm. M-551 Sheridan cũng được tích hợp hệ thống bảo vệ NBC.

Về hỏa lực, M-551 Sheridan trang bị một pháo nòng ngắn cỡ 152mm có thể bắn tên lửa chống tăng có điều kiển MGM-51 Shillelagh, pháo chính 152mm của Sheridan có thể hạ các xe tăng cùng thời ở cự ly gần nhưng vì nòng quá ngắn nên nó sẽ bắn kém chính xác ở tầm xa, vì vậy, hiệu quả nhất vẫn là dùng khẩu pháo này đi yểm trợ hỏa lực cho bộ binh. Vũ khí phụ của xe gồm một súng máy 7,62mm đồng trục và đại liên 12,7mm trên nóc tháp pháo.

Sheridan bắn tên lửa Shillelagh

Tên lửa Shillelagh được bắn đi từ xe tăng Sheridan

Tên lửa chống tăng MGM-51 Shillelagh mặc dù là điểm ưu việt của M-551 (trên lý thuyết nó có thể tiêu diệt tất cả các loại xe tăng cùng thời kể cả ở khoảng cách xa) nhưng do quá phức tạp trong điều khiển và bảo trì nên Shillelagh chưa bao giờ được sử dụng trên chiến trường, ngoài việc bắn thử trên bãi tập cho kíp xe 4 người gồm trưởng xe, lái xe, pháo thủ và nạp đạn viên.

M-551 Sheridan sử dụng động cơ Detroit Diesel 6V53T công suất 300 mã lực, với trọng lượng nhẹ, xe có thể lội nước sau khi chuẩn bị và di chuyển trên mặt nước bởi chính hai dải xích của nó.

Trong chiến tranh Việt Nam, khoảng 200 xe tăng Sheridan đã được sử dụng bởi quân đội Mỹ, thực tế chiến trường đã chỉ ra nhiều nhược điểm của chiếc xe tăng này, đó là nó rất dễ bị tổn thương trước lựu đạn và mìn, pháo chính xuất hiện nhiều vết nứt sau khi bắn liên tục và sức giật của pháo cũng là quá lớn đối với một chiếc tăng hạng nhẹ. Hầu hết các đơn vị được trang bị M-551 đều yêu cầu được giải quyết những vấn đề phát sinh.

Xe tăng Sheridan của lính thủy đánh bộ Mỹ

Xe tăng Sheridan có thể được chuyên chở bằng tàu đổ bộ hạng nhẹ

Sau đó, phiên bản nâng cấp M-551A1 ra đời vào năm 1971 nhằm khắc phục một số nhược điểm bằng cách thay thế hệ thống treo, lắp máy đo xa laser...

Phiên bản Sheridan M-551A1 tại chiến trường vùng Vịnh
Phiên bản Sheridan M-551A1 tại chiến trường vùng Vịnh

Nhìn chung, M-551 là mẫu xe tăng hạng nhẹ khá “sáng tạo” của Mỹ, tuy nhiên do mắc nhiều khuyết điểm nên nó đã “chết yểu” và bị thay thế trong vai trò trinh sát bởi xe thiết giáp xung kích M-3 Bradley.

Xe tăng M-551 Sheridan

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại