"Tên lửa Nga có thể biến tàu sân bay Mỹ thành 'nấm mồ' 15 tỷ đô"

Hải Vy |

Trong trường hợp xấu nhất, tên lửa siêu vượt âm mới nhất của Nga có thể biến tàu sân bay Ford tiên tiến nhất của Mỹ thành “nấm mồ” – Chuyên gia quân sự Sergei Ischenko nhận định.

Biến tàu sân bay Mỹ trở thành "nấm mồ" khổng lồ

Theo kế hoạch, cuối năm nay, Hải quân Mỹ sẽ tiếp nhận USS Gerald R. Ford - tàu chiến đắt đỏ nhất và tiên tiến nhất của nước này.

Trong tương lai, các tàu sân bay lớp Ford có thể thay thế toàn bộ 10 tàu sân bay lớp Nimitz, bắt đầu từ tàu USS Enterprise.

Sau khi phân tích chiếc tàu mới và các điểm yếu của nó, Sergei Ischenko – chuyên gia phân tích quân sự, đồng thời là một cây viết có tiếng của tờ Svobodnaya Pressa (một tờ báo độc lập ở Nga) cho rằng:

Thật không may cho Hải quân Mỹ, trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga, chiếc tàu sân bay lớn nhất và mới nhất của Mỹ sẽ dễ dàng trở thành một “nấm mồ” khổng lồ.

Theo Ischenko, đây không phải là nhận định của cá nhân ông mà là của chính các chuyên gia phân tích Mỹ.


Tàu sân bay USS Gerald R. Ford.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford.

Chiếc tàu sân bay khổng lồ mới của Hải quân Mỹ, với sức chứa tới 90 máy bay và các phương tiện bay khác (trong đó có UAV và tiêm kích thế hệ 5 F-35), nhận được một loạt đánh giá nhiệt tình về độ tự động hóa cao và mức chi phí kỷ lục 15 tỷ USD” – Ischenko viết.

Tuy nhiên, cùng với đó, theo Ischenko, một loạt chuyên gia quân sự đáng kính của Mỹ đã nhận định rằng có khả năng con tàu này sẽ trở thành nấm mồ khổng lồ, siêu đắt đỏ dành cho hàng nghìn thủy thủ trên tàu.

Chiếc tàu này, với kỳ vọng trở thành biểu tượng của sức mạnh Mỹ trên đại dương, có thể trở nên lỗi thời ngay cả trước khi được hoàn thiện.

Tháng trước, Harry J. Kazianis – chuyên gia phân tích quân sự và là cộng tác viên cao cấp của tạp chí National Interest (trụ sở tại Washington) đã nhận định như vậy trong bài viết của mình.

Kazianis viết:

Những quốc gia có nhiều phương tiện kỹ thuật, đặc biệt là các nước lớn như Nga và Trung Quốc – 2 quốc gia mà Lầu Năm Góc xem là thách thức lớn, chủ đạo đối với quân đội Mỹ - lại đang phát triển các tên lửa hành trình có thể tấn công từ xa và dồn dập từ nhiều phía”.

Những vũ khí này... nếu bắn chính xác (kết hợp ê-kíp vận hành được đào tạo chuyên nghiệp và thiết bị tìm kiếm mục tiêu trên các đại dương rộng lớn) có thể biến tàu sân bay hàng tỷ đô của Mỹ trở thành mồ chôn hàng nghìn thủy thủ Mỹ".

Harry Kazianis không phải là người duy nhất đưa ra nhận định như vậy” – Ischenko cho hay.

Cũng trong tháng trước, trên tạp chí Politico, cựu Đại tá Hải quân Mỹ Jerry Hendrix – chuyên gia phân tích quân sự cho Trung tâm an ninh Mỹ mới (tại Washington) đánh giá rằng:

Thời kỳ hoàng kim dành cho các tàu sân bay Mỹ đã chấm dứt khi Trung Quốc và Nga bắt đầu triển khai các hệ thống tên lửa bờ tầm xa vào hàng ngũ quân đội của họ.

Ischenko viết:

Hendix tin rằng trong trường hợp chiến tranh, các lực lượng phòng thủ trên không, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình chống tàu của Nga và Trung Quốc sẽ buộc các nhóm tàu sân bay Mỹ (CSG) phải ở vị trí cách bờ biển đối phương hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km.

Điều đó khiến cho các cuộc tấn công từ máy bay trên tàu nhằm vào các mục tiêu trên bộ trở nên không hiệu quả.

Ngoài ra, bất cứ động thái nào của CSG đều dễ dàng quan sát thấy từ không gian, cho phép các đối thủ của Mỹ triển khai phương án đối phó trước”.

"Mồi ngon" cho vũ khí Nga

Ischenko cho hay, "phép toán ở đây rất đơn giản: Năng lực tấn công chủ lực của Hải quân Mỹ hiện nay là lực lượng không quân trên hạm, với 30-40 chiếc F/A-18E/F Super Hornet.

Bán kính tác chiến của những máy bay này vào khoảng 800km. Để Super Hornet có thể tiến hành các cuộc không kích (thậm chí là đe dọa tiến hành) nhằm vào mục tiêu trên bờ của đối phương, chúng sẽ phải xuất kích cách xa mục tiêu 400 hải lý".

“Tuy nhiên. nếu CSG của Hải quân Mỹ tìm cách tiếp cận bờ biển Nga, nó không chắc sẽ đến được đích, bởi khi cách xa mục tiêu, nó sẽ bị máy bay ném bom siêu thanh tầm xa Tu-22M3, với tên lửa chống tàu Kh-22, tấn công.

Loại tên lửa này được thiết kế từ thời Liên Xô để chuyên chống tàu sân bay”.


Tên lửa chống tàu Kh-22 được lắp dưới cánh một chiếc Tu-22M.

Tên lửa chống tàu Kh-22 được lắp dưới cánh một chiếc Tu-22M.

Mỗi chiếc Tu-22M3 có thể mang tới 3 tên lửa như vậy. Hơn nữa, các tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân. Kh-22M/MA - Phiên bản mới nhất của Kh-22 - có tầm bắn 600km, tốc độ Mach 5 và có đầu đạn nặng 1.000kg"

“Trên thực tế, tầm hoạt động của máy bay là không giới hạn, do nó có thể tiếp dầu trên không” – Ischenko cho biết.

Giả định máy bay ném bom Tu-22 tấn công tàu sân bay Mỹ.

Nếu bằng phép lạ nào đó, CSG của Mỹ có thể tránh khỏi cuộc tấn công của tên lửa phóng từ trên không và tiến gần hơn tới bờ biển của chúng ta, những con tàu của họ sẽ đi vào tầm bắn của hệ thống tên lửa bờ di động K-300P Bastion".

Hệ thống Bastion trang bị tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh P-900 Oniks (Oniks được biết đến với tên gọi trên thị trường xuất khẩu là Yakhont, tầm bắn 600km; phiên bản xuất khẩu chỉ có tầm bắn 120-300km, tùy thuộc vào độ cao).


Hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion.

Hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion.

Ngay lúc này, hệ thống Bastion-P đang được triển khai gần Sevastopol, Anapa, bán đảo Kola, Novaya Zemlya và quần đảo Kuril.

Có lý do để tin rằng, trong tương la gần, những hệ thống ấy sẽ triển khai tác chiến gần Kaliningrad và tại Kamchatka.

Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch triển khai hệ thống Bastion-S đầu tiên (đặt trong silo), với 36 tên lửa hành trình chống tàu, tại Crimea vào năm 2020” - Ischenko viết.

Hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P tập trận bắn đạn thật.

Một trong số những tính năng chính của tên lửa Oniks là khả năng bay bám mặt biển, cho phép nó đánh bại các biện pháp đối kháng điện tử và tránh khỏi tầm bắn của đối phương.

Chưa hết, Ischenko cho biết, tên lửa này có thể sử dụng chiến thuật tấn công “bầy sói”, nếu một số tên lửa bị hư hại hoặc bị phá hủy thì vẫn có các tên lửa khác tiếp tục tìm kiếm và tấn công mục tiêu.

Tiếp đó là các tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm của Nga, chúng có thể cản đường CSG. Chẳng hạn, tàu ngầm K-560 Severodvinsk, chiếc đầu tiên thuộc lớp Yasen đề án 885, có thể mang tới 32 tên lửa Oniks.


Tàu ngầm K-560 Severodvinsk.

Tàu ngầm K-560 Severodvinsk.

Ischenko tiếp tục:

Sau đó, tất nhiên, còn có các tàu tên lửa cỡ nhỏ mà gần đây đã nổi tiếng khắp thế giới với tên lửa hành trình Kalibr (2 phiên bản chống tàu 3M54K và 3M54T).

Cuối cùng, “còn có các tàu ngầm Varshavyanka (lớp Kilo) cũng trang bị tên lửa Kalibr và hệ thống phòng thủ bờ biển 3K60 “Ball” với tên lửa Kh-35U có tầm bắn gần đây lên tới 300km”.

“Nhưng thậm chí tất cả những thứ này sẽ chẳng khác gì ‘đồ chơi trẻ em’ nếu Nga đủ khả năng bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa siêu vượt âm 3M22 Zircon”.

Một số tên lửa loại này đã được thử nghiệm và đưa vào trang bị.

Vài ngày trước, có thông tin rằng tuần dương hạm hạt nhân hạng nặng Admiral Nakhimov, hiện đang trong quá trình hiện đại hóa tại nhà máy đóng tàu Severodvinsk, sẽ được trang bị tên lửa này vào năm 2018”.


Hệ thống phòng thủ bờ biển GRAU 3K60 Ball.

Hệ thống phòng thủ bờ biển GRAU 3K60 "Ball".

Tầm bắn của tên lửa Zircon vẫn là bí mật, song một số chuyên gia cho rằng nó ít nhất sẽ như Oniks.

Tuy nhiên, tốc độ bay của vũ khí mới sẽ nhanh hơn vài lần, làm giảm đáng kể thời gian cần thiết để vượt qua các hệ thống phòng không trên hạm, từ đó, vô hiệu hóa các nỗ lực phòng thủ tàu sân bay và tàu hộ tống của Mỹ”.

Bên cạnh đó, do thông tin tái vũ trang tàu Admiral Nakhimov úp mở rằng tùy từng nhiệm vụ, các ống phóng trên tàu có thể bắn tên lửa Oniks, Zircon hoặc Kalibr nên có thể phỏng đoán khối lượng, kích cỡ và tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa sẽ được phổ cập tối đa”.

“Trong trường hợp này, điều đó có nghĩa tên lửa hành trình siêu vượt âm mới nhất của Nga cũng có thể được trang bị cho hệ thống tên lửa bờ Bastion, nhằm vô hiệu hóa khả năng các nhóm tàu sân bay Mỹ tiếp cận (bờ biển Nga) dù là trong thời gian ngắn”.


Tuần dương hạm hạng nặng Admiral Nakhimov.

Tuần dương hạm hạng nặng Admiral Nakhimov.

Tới đây, Ischenko đặt ra một câu hỏi khá thú vị:

Có thể giả định rằng tất cả những điều trên không phải bí mật gì đối với các chuyên gia Mỹ - những người đang “đào mồ chôn” chiếc tàu sân bay hàng tỷ đô USS Gerald R. Ford ngay trong nhà máy. Vậy giải pháp của họ là gì?

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, chuyên gia Kazianis cho rằng Mỹ cần khẩn trương phát triển các phương tiện không người lái tầm xa, có khả năng triển khai từ tàu sân bay.

Chúng cần có tầm hoạt động đủ xa để có thể khai hỏa mà không cần tiến vào tầm bắn của các hệ thống phòng thủ bờ biển Nga.

Tôi e rằng nếu chúng ta không trang bị cho cỗ máy chiến tranh đắt đỏ nhất của Mỹ những trang bị mà nó cần để tấn công từ xa, chiếc tàu sân bay này có thể sớm gia nhập với các chiến hạm trước đây, sớm hay muộn cũng trở thành bảo tàng nổi” – Kazianis lo ngại.

Tuy nhiên”, Ischenko viết, “mặc cho tác giả này phàn nàn, cho tới hiện tại, Lầu Năm Góc vẫn chưa có ý định chế tạo những UAV như vậy.

Thứ nữa, ai đảm bảo với Kazianis rằng Nga sẽ không cùng lúc tìm cách tăng tầm bắn của tên lửa chống tàu?”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại