Trong 2 thập kỷ qua, tên lửa hành trình chủ yếu được triển khai bởi các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt là Mỹ. Sau đó, nó được sử dụng rộng rãi trong quân đội của các quốc gia khác trên toàn thế giới, một phần là nhờ vào quá trình toàn cầu hóa làm "khuếch tán" công nghệ một cách nhanh chóng.
Tên lửa hành trình siêu thanh đang được các nước châu Á quan tâm.
Quân đội các nước châu Á cũng nằm trong số này. Các loại tên lửa hành trình tiên tiến chủ yếu có khả năng tấn công các mục tiêu một cách chính xác trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, từ một khoảng cách rất xa, có thể vượt qua hầu hết các hệ thống phòng không nhưng lại hạn chế tối đa những nguy cơ đối với lực lượng đồng minh.
Quân đội các nước châu Á và tên lửa hành trình
Mặc dù hầu hết các quốc gia châu Á đều được trang bị các loại tên lửa hành trình đối hạm (AShM), nhưng Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc và cả Đài Loan (Trung Quốc) đã và đang phát triển, triển khai các loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM). Một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này. Nhật Bản cũng đã cho thấy sự quan tâm của họ với một hệ thống có khả năng tấn công phủ đầu và tên lửa hành trình có thể phù hợp với điều kiện đó.
Đối với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc..., chi phí cao trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa cộng với các hiệp ước cấm phát triển tên lửa đạn đạo đã khiến cho tên lửa hành trình trở thành một sự lựa chọn hấp dẫn trong việc tạo thế tấn công chống lại tên lửa đạn đạo và pháo của những đối thủ tiềm tàng.
Bất cứ loại công nghệ quân sự nào cũng luôn có sự linh hoạt giữa phòng thủ và tấn công. Triển khai tên lửa hành trình sẽ tạo ra thế phòng thủ: Các biện pháp đáp trả chủ động bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm và AWACS (hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không) cũng như tăng cường khả năng phòng thủ bị động bằng việc thiết lập các trang thiết bị chủ yếu như máy bay chiến đấu hay các thiết bị chỉ huy và kiểm soát. Tuy nhiên, yêu cầu tác chiến mới đòi hỏi sự cần thiết phải trang bị các tên lửa hành trình tốc độ cao.
Nghiên cứu và phát triển các hệ thống siêu âm, siêu thanh
Các quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả vùng lãnh thổ Đài Loan đã có các chương trình không quân sự thì dân sự nhằm phát triển các hệ thống siêu âm và siêu thanh. Nhìn chung, hệ thống siêu âm hoạt động trong phạm vi từ Mach 2- 4 (gấp 2 - 4 lần tốc độ âm thanh) và siêu thanh là hơn Mach 5; hầu hết LACM đã được triển khai bay với tốc độ siêu âm khoảng 800 km/giờ.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học và Đại học Quốc gia về Công nghệ Quốc phòng của Trung Quốc gần đây đang phát triển động cơ đẩy phản lực tĩnh siêu âm và các động cơ nổ xung lực hay hệ thống TBCC (chu kỳ kết nối dựa vào turbin quay) nhằm mục tiêu cuối cùng là chế tạo tên lửa siêu âm và máy bay. Hơn nữa, Trung Quốc được cho là đã chế tạo thành công động cơ phản lực tĩnh siêu âm thử nghiệm.
Cơ quan Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng đang phát triển động cơ đẩy bằng không khí tốc độ cao cho một máy bay siêu âm. JAXA đang hợp tác với các viện nghiên cứu có trụ sở tại Australia, Đức, Italy và Mỹ phát triển hệ thống động cơ phản lực tĩnh siêu âm cho các thiết bị nhằm tiếp cận không gian. Năm 2012, Nhật Bản được cho là đã thử nghiệm thành công một mẫu động cơ tên lửa chu kỳ kết nối khoảng Mach 8.
Tên lửa siêu thanh Brahmos của Ấn Độ.
Ấn Độ gần đây đã triển khai tên lửa siêu âm LACM Brahmos bay với tốc độ khoảng Mach 2,5-2,8 và có kế hoạch hợp tác với Nga phát triển tên lửa siêu thanh Brahmos 2. Đồng thời, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển của Ấn Độ đang chế tạo một hệ thống siêu thanh mà có thể đạt tốc độ Mach 6-7. Tương tự, để tiếp cận không gian, Cơ quan hàng không dân sự Ấn Độ đang phát triển động cơ phản lực tĩnh siêu âm năng lượng hydro.
Tên lửa LACM Hsiung Feng III (HF-3) LACM của Đài Loan được đẩy bởi động cơ phản lực tĩnh siêu âm bay với tốc độ tối đa Mach 2 với tầm bắn khoảng 150 - 200 km.
Một quốc gia nữa mới tham gia vào "câu lạc bộ" tên lửa hành trình đó là Hàn Quốc. Nước này đã phát triển một LACM siêu âm Haeseong-2 từ ASCM Haeseong-1 (hay còn gọi là Ngôi sao Biển hoặc SSM-700K). Tháng 9/2011, tờ Thời báo Hàn Quốc báo cáo rằng tên lửa này dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm 2013 và có tầm bắn hơn 500 km.
Cuộc cách mạng hỏa lực
Tên lửa hành trình siêu âm sẽ ngày càng trở thành một lựa chọn hấp dẫn do các yếu tố sau: Thứ nhất, chúng có lợi thế về thời gian bay từ hệ thống phóng đến mục tiêu. Một LACM siêu âm bay về phía mục tiêu ở khoảng cách 1.000km có lợi thế thời gian hơn 60 phút so với các tên lửa dưới tốc độ siêu âm.
Thứ hai, động năng của tên lửa siêu âm không chỉ làm tăng sức công phá của đầu đạn mà còn giảm tải trọng đầu đạn hạt nhân, nâng cao tầm bắn của tên lửa. Hơn nữa, chúng cũng rất hiệu quả trong việc tiêu diệt các mục tiêu được bảo vệ chặt chẽ, điều này là rất quan trọng bởi vì các mục tiêu chủ chốt thường được bố trí hệ thống phòng thủ dày đặc.
Thứ ba, LACM siêu âm sử dụng cùng với tên lửa đạn đạo sẽ gây khó khăn cho bất kỳ hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến và hệ thống phòng không nào.
Mặt khác, tên lửa siêu thanh là một công nghệ mới nổi. Việc sử dụng hiệu quả công nghệ này sẽ dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, quy trình ra quyết định, khái niệm tác chiến và hệ thống C4ISR (hệ thống chỉ huy, kiểm soát, máy tính, tình báo, trinh sát, giám sát và thông tin liên lạc). Đối với hầu hết quân đội các nước châu Á, những thay đổi này sẽ là một cuộc cách mạng.
Quân đội châu Á vẫn đang trong quá trình làm quen với LACM cận âm - Tên lửa siêu âm và siêu thanh trong tương lai sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường. Do đó, tên lửa tốc độ cao là một sự tiến hóa. Trong một thập kỷ tới, các nhà chỉ huy quân sự ở châu Á có thể có một tên lửa hành trình tấn công mục tiêu ở cự ly 1.500 km chỉ trong vòng 30 phút!