Theo bài viết trên tạp chí quốc phòng IHS Jane’s (Anh) ngày 12/6, bản báo cáo thường niên năm 2011 của MiG viết rằng 4 chiếc máy bay MiG-29 đã được nâng cấp lên chuẩn MiG-29SM cho Syria. Bản báo cáo không lâu sau bị gỡ xuống, sau đó được đăng tải lại nhưng xóa phần đề cập tới Syria và nhấn mạnh tính chất nhạy cảm của thỏa thuận. Bản gốc của báo cáo cũng tiết lộ rằng tập đoàn MiG đã mở một văn phòng gần căn cứ không quân Mezze ở Damascus.
Số lượng tiêm kích MiG-29 mà Syria mua vẫn còn là một ẩn số, ước tính từ 22-84 chiếc. Một số nguồn tin cho biết có 1 hoặc 2 phi đội MiG-29 hoạt động tại căn cứ không quân Sayqal và có thêm một số các tiêm kích MiG-29 hoạt động tại căn cứ không quân Tiyas.
Do các tiêm kích MiG-29 của Syria sử dụng khung máy bay khác với MiG-29SM nên MiG đã phát triển một phiên bản đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của Syria như đã từng cung cấp cho Ấn Độ các tiêm kích hiện đại hóa MiG-29UPG.
Theo bản báo cáo năm 2011 của MiG, chi phí phát triển biến thể này cho Syria tiêu tốn 531.1 triệu rúp (15 triệu USD), gần bằng một nửa so với mức 925.7 triệu rúp dành cho gói nâng cấp MiG-29UPG.
Phiên bản chuẩn MiG-29SM cho thấy nhiều điểm cải tiến so với MiG-29, như được trang bị radar nâng cấp N019ME, có khả năng mang tải trọng lớn hơn (như 3 thùng nhiên liệu rời), cùng với đó là các nâng cấp nhỏ hơn như màn hình hiển thị trong buồng lái, hệ thống định vị và thông tin liên lạc.
Trong bối cảnh cuộc xung đột hiện tại, sự nâng cấp quan trọng nhất đồng thời gây tranh cãi là khả năng mang nhiều hơn các loại vũ khí không đối đất, bao gồm tên lửa Kh-29T/TE (AS-14 'Kedge'), Kh-31A/P (AS-17 'Krypton') và bom dẫn đường KAB-500KR. Một số loại vũ khí dẫn đường bằng laser cũng có thể được sử dụng.
Trong khi đã có hình ảnh cho thấy MiG-29 của Syria thực hiện những nhiệm vụ tấn công mặt đất với pháo và rocket không dẫn đường, hiện vẫn chưa rõ liệu chúng có sử dụng các loại đạn dẫn đường hay không.
Gói nâng cấp còn cho phép MiG-29 có thể mang tên lửa không đối không R-77 (AA-12 'Adder'), mang lại mối đe dọa lớn đối với các máy bay nước ngoài can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria. Các tiêm kích MiG-29 ở Syria từng được phát hiện mang theo các giá treo AKU-170E để phóng tên lửa R-77. Điều đó cũng đồng thời hé lộ rằng Syria sở hữu loại tên lửa này.
Một thương vụ khác của MiG, được ghi lại trong báo cáo của tập đoàn năm 2009, bao gồm việc sửa chữa một số lượng không xác định các máy bay MiG-23MLD cho Syria.
Syria được cho là đã tiếp nhận khoảng 30 chiếc MiG-23MLD từ Belarus vào năm 2008 để lấy phụ tùng, một số được đưa vào biên chế. Hình ảnh chiếc MiG-23MLD với biểu tượng của Syria đã được chụp lại tạ căn cứ không quân Krasnodar ở Nga trong vài năm gần đây, cho thấy những chiếc máy bay được sửa không phải là những chiếc mua từ Belarus mà là những chiếc MiG-23 ban đầu được Liên Xô cung cấp cho Syria và sau đó được nâng cấp lên chuẩn MLD.
MiG cũng giúp chuyển đổi cho Syria một hệ thống bảo dưỡng hiện đại hơn. Thông thường, máy bay chiến đấu Liên Xô sẽ được thay thế toàn bộ phụ tùng sau khi chúng vượt quá số giờ bay quy định. Hệ thống mới cho phép một số bộ phận tiếp tục được sử dụng nếu chúng được đánh giá là vẫn có ích dù đã vượt quá thời hạn bay, nhờ vậy giảm được số phụ tùng thay thế cần thiết để duy trì hoạt động cho chiếc máy bay.
Bên cạnh đó, MiG còn giúp Syria cải thiện chất lượng đào tạo phi công. Bản báo cáo năm 2010 của tập đoàn này đề cập rằng 4 thiết bị mô phỏng bay không rõ loại đã được chuyển giao cho Syria.
Lực lượng phiến quân ở Syria quay cảnh tiêm kích MiG-29 của quân chính phủ tấn công vào vị trí của họ
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA