Trang bị của bộ binh Pháp khiến Nga "phát thèm"

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Nga từng bày tỏ mong muốn mua một số hệ thống FELIN của Pháp để trang bị cho quân đội nước này.

Pháp là một trong số rất ít quốc gia triển khai thành công một hệ thống trang thiết bị toàn diện cho bộ binh dùng trong chiến tranh công nghệ cao. Chương trình tương tự của quân đội Mỹ là Land Warrior đã bị hủy giữa chừng vì phức tạp và đội chi phí.

1. Hệ thống trang thiết bị cá nhân của người lính FELIN

Hệ thống trang thiết bị cá nhân của người lính trong tương lai FELIN trên thực tế là một tập hợp hoàn chỉnh gồm hơn 150 thành phần khác nhau cho mọi loại trang thiết bị của một người lính bộ binh. Ví dụ như nó có đến 13 thiết bị đi kèm với mũ bảo vệ (kính nhìn đêm, tấm che mặt, camera…). Hoặc số thiết bị thông tin liên lạc là 11 món. Trung bình một người lính bộ binh sẽ mang theo khoảng 70 trong số những trang thiết bị trên.

Quân đội Pháp bắt đầu được trang bị FELIN từ năm 2010

Lính lê dương luyện tập tác chiến đô thị với FELIN

Một phần quan trọng của FELIN là các thiết bị quang học gắn trên súng trường Famas, cho phép bộ binh phát hiện mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết dựa vào bức xạ nhiệt. Hình ảnh từ mục tiêu cũng có thể được hiển thị trên máy tính cá nhân, hoặc truyền đến một màn hình gắn trên mũ bảo vệ, cho phép người lính có thể khai hỏa từ vị trí ẩn nấp của mình.

FELIN khi kết hợp với Famas, súng trường tự động tiêu chuẩn của quân đội Pháp

Famas có hộp tiếp đạn 25 viên, người lính có thể chọn chế độ bắn bán tự động, loạt 3 viên hay tự động. Famas được phát triển để thay thế cho các loại súng trường đột kích và súng tiểu liên trước đó của quân đội Pháp. Famas đã có tuổi đời khá lâu và có nhiều nhược điểm trong thiết kế, song cũng phải đến tháng 5 vừa qua thì quân đội Pháp mới chính thức bắt đầu chương trình phát triển loại súng trường tự động mới thay thế cho Famas.

Tương tự như Pháp, các quốc gia mạnh về tiềm lực quân sự cũng đang tiến hành số hóa trong trang bị cho binh sĩ khi tác chiến. Nga đang phát triển hệ thống Ratnik trong khi Đức, Anh, Tây Ban Nha và Thụy Điển cũng có chương trình tương tự để “cấu hình người lính của tương lai". Tuy vậy, hiện phức hợp FELIN của Pháp đang có nhiều ưu thế.

Trong một bài viết vào tháng 8/2009, Vedomosti (Nga) từng dẫn lời các quan chức quân đội Nga cho hay Bộ Quốc phòng Nga đã xem xét khả năng trang bị cho lực lượng lính thủy đánh bộ của nước này các hệ thống trang thiết bị cá nhân của người lính trong tương lai FELIN do hãng Sagem (Pháp) sản xuất.

Theo đó, hãng Sagem sẽ chuyển một vài hệ thống FELIN cho quân đội Nga để phục vụ công tác thử nghiệm. Kết quả của các cuộc thử nghiệm này sẽ quyết định, quân đội Nga có ký hợp đồng mua một số lượng lớn các tổ hợp trang bị vũ khí nói trên hay không. Bộ Quốc phòng Nga sau đó bác bỏ tin này.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga lại thông báo vẫn sẽ mua một số bộ trang bị người lính tương lai của nước ngoài.

Năm 2011, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận là có kế hoạch mua bộ trang bị cá nhân người lính của Pháp. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Vladimir Popovkin, cho biết: “Nga sẽ có một số bộ FELIN, chúng tôi đang đàm phán với đối tác của chúng về vấn đề này”.

2. Súng FN MAG

Bắt đầu từ năm 2011, quân đội Pháp chọn khẩu FN MAG của hãng FN (Bỉ) như là súng trung liên chính của mình. Sử dụng đạn 7.62mm chuẩn NATO, FN MAG có tầm bắn hiệu quả từ 800-1000m, nhịp bắn từ 650-1000 phát/phút, và được sử dụng cho các đơn vị bộ binh, đặt trên xe cơ giới, trực thăng…FN MAG cũng đang được quân đội Mỹ sử dụng với tên gọi M240.

So sánh trung liên FN MAG và PKM của Nga

FN MAG cũng được kết với tháp súng điều khiển từ xa Panhard Wasp trang bị trên xe bọc thép hạng nhẹ. Đặc biệt bộ thiết bị quang học của Panhard Wasp (được đặt bên dưới súng máy) cũng được lấy từ FELIN.

Tháp súng điều khiển từ xa Panhard Wasp

3. Tên lửa chống tăng MILAN

Một loại vũ khí bộ binh nổi tiếng khác của Pháp là tên lửa chống tăng MILAN. Được đưa vào sử dụng từ 1972, MILAN có cơ chế dẫn bằng bán tự động thông qua một sợi cáp nối giữa tên lửa và giàn phóng. Ngoài Pháp, nhiều nước khác cũng sử dụng hay mua thương quyền sản xuất tên lửa này như Đức, Anh, Italy, Ấn Độ…

Tên lửa chống tăng Milan

Tuy nhiên hiện nay MILAN đã lạc hậu, nó có tầm hoạt động ngắn, và cơ chế dẫn bắn đòi hỏi người điều khiển phải ngắm bắn mục tiêu trong toàn bộ thời gian. Hiện nay Pháp đang trong quá trình phát triển loại vũ khí thay thế. Có tên là MMP, nó có tầm bắn 4km và cơ chế dẫn đường hoàn toàn tự động, người bắn sau khi khai hỏa có thể di chuyển đi nơi khác.

Dự kiến MMP sẽ được đưa vào sử dụng từ 2017

4. Xe bọc thép VBCI

Về phương tiện di chuyển, VBCI là dòng xe bọc thép chở quân chính của quân đội Pháp. Loại xuất hiện trong clip dưới đây có thể chở theo 9 binh sĩ và được trang bị một đại liên 25mm.

Bộ binh Pháp, trang bị Famas, tên lửa vác vai AT-4 và xe bọc thép VBCI, giao tranh với quân phiến loạn Hồi giáo tại Mali, tháng 2/2013

VBCI khi được triển khai tại Afghanistan

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại