Tên lửa hành trình của Mỹ mất 'ngôi vương'

Bảo An |

(Soha.vn) - Theo một báo cáo mới công bố của Không quân Mỹ, Mỹ đang mất dần độc quyền về máy bay không người lái, công nghệ tàng hình và thiết bị chiến tranh điện tử hiện đại. Điều tệ hơn là cường quốc quân sự số 1 thế giới cũng bắt đầu mất ưu thế về một loại vũ khí cực mạnh là tên lửa hành trình tầm xa tấn công mặt đất.

Tên lửa hành trình về cơ bản là máy bay không người lái được trang bị động cơ phản lực, có khả năng tránh radar của kẻ thù bằng cách bay sát mặt đất hay thậm chí bay theo quỹ đạo phức tạp để đánh lạc hướng các hệ thống phòng không của kẻ thù, trước khi phát nổ khi bay tới mục tiêu xác định.

Tomahawk là tên lửa hành trình tấn công mặt đất của quân đội Mỹ. Suốt 30 năm qua, loại tên lửa này là một trong những loại vũ khí hiệu quả nhất của quân đội Mỹ về khả năng "qua mặt" các hệ thống phòng không của kẻ thủ.

Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Phiên bản mới nhất của tên lửa hành trình Tomahawk sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS, camera ghi hình, liên lạc vệ tinh. Những thiết bị mới này cho phép người chỉ huy có thể thay đổi hướng của tên lửa trong khi bay cũng như cho phép tên lửa có thể săn tìm mục tiêu chưa được xác định tại thời điểm tên lửa được phóng đi. Hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu để tích hợp tên lửa hành trình Tomahawk với các máy bay không người lái loại nhỏ.

Tuy nhiên, sự thành công của tên lửa hành trình Tomahawk với hàng nghìn quả được phóng đi, đã khiến các quốc gia trên thế giới phải ghen tị.

“Sự thành công của tên lửa hành trình Tomahawk đã khiến nhiều quốc gia quan tâm và phát triển loại tên lửa này”, báo cáo của Không quân Mỹ cho biết. “Ít nhất 9 quốc gia trên thế giới sẽ sản xuất tên lửa hành trình trong một thập kỷ tới và một số nhà sản xuất sẽ xuất khẩu tên lửa hành trình.”

Trong vòng 15 năm trở lại đây, chỉ có Mỹ, Nga, Anh và một số quốc gia khác sở hữu tên lửa hành trình. Nhưng hiện nay, một loạt các nước trên thế giới bao gồm, Pháp, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Đài Loan, Pakistan, Nam Phi và Iran, cũng đang phát triển tên lửa hành trình tàng hình thế hệ mới. Nếu các tên lửa hoạt động theo đúng thiết kế, chúng có thể xuyên thủng những hệ thống phòng không hiện đại nhất. Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với Mỹ.

Tên lửa hành trình BrahMos  do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển.
Tên lửa hành trình BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển.

“Các hệ thống phòng không của Mỹ có thể bị đe dọa nghiêm trọng bởi các tên lửa hành trình tàng hình bay ở tầm thấp và có thể tấn công đồng thời một mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau”, báo cáo của Không quân Mỹ cảnh báo.

Theo báo báo của Không quân Mỹ, các loại tên lửa hành trình thế hệ mới được bổ sung các tính năng tàng hình khiến chúng khó bị phát hiện bởi radar và máy dò tia hồng ngoại của đối phương. Tên lửa hành trình hiện đại cũng được lập trình để bám sát và tấn công mục tiêu một cách hiệu quả nhất. Ví dụ, nhiều tiên lửa có thể tấn công một mục tiêu từ nhiều hướng cùng lúc, vượt qua hệ thống phòng không tại các điểm yếu nhất.

Kết luận, tên lửa hành trình thực sự là các máy bay không người lái “tự sát”, được trang bị những tính năng hiện đại nhất mà chúng ta thấy ở máy bay chiến đấu hiện đại, bao gồm: động cơ phản lực, công nghệ tàng hình, radar, liên lạc vệ tinh, cảm biến hình ảnh,.. Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ luôn bỏ xa các nước khác trên thế giới về phát triển tên lửa hành trình, nhưng hiện tại họ đang mất dần vị thế đó.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại