Tên lửa đạn đạo liên lục địa bí ẩn nhất của Trung Quốc

Minh Đức |

(Soha.vn) - Một báo cáo chưa được xác nhận của Missilethreat.com cho biết, Trung Quốc đã đánh cắp được công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa di động R-12M Topol-M của Nga.

Mặc dù DF-31A đã được bình chọn là 1 trong 10 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đáng sợ nhất thế giới, song chừng đó vẫn chưa đủ so với tham vọng to lớn của Bắc Kinh. Tầm bắn của DF-31A lên đến 10.000km nhưng phạm vi này vẫn chưa đủ để có thể tấn công hầu hết lãnh thổ nước Mỹ.

Bắc Kinh muốn sở hữu một ICBM có thể tấn công hầu hết lãnh thổ nước Mỹ. Sự phát triển của DF-41 được biết tới qua một số hình ảnh trên các diễn đàn quân sự nước này vào năm 2007.

Mặc dù mới xuất hiện gần đây nhưng chương trình phát triển DF-41 đã được lên kế hoạch từ năm 1986. Trung Quốc dự định phát triển song song 2 loại ICBM là DF-31 và DF-41 với tầm bắn lần lượt 8.000 và 12.000km nhưng lúc đó, họ chưa đủ khả năng để duy trì cùng lúc hai chương trình phát triển tên lửa lớn.

Hình ảnh về DF-41 bất ngờ xuất hiện trên diễn dàn quân sự Trung Quốc vào năm 2010.

Hình ảnh về DF-41 bất ngờ xuất hiện trên diễn dàn quân sự Trung Quốc vào năm 2007.

Mặt khác, Trung Quốc đã có sự thay đổi về chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Đầu những năm 1990, chương trình DF-41 bị hủy bỏ, Bắc Kinh chỉ tập trung vào phát triển ICBM DF-31.

Nhưng khi DF-31 đi vào hoạt động, nó lại đặt ra một thiếu sót đối với năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Tầm bắn của DF-31 khoảng 8.000km, chỉ có thể tấn công một phần nhỏ lãnh thổ nước Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc vẫn chưa có ICBM nào có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân như của Nga, Mỹ. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định khôi phục lại chương trình DF-41.

Nghi án đánh cắp công nghệ ICBM R-12M Topol-M của Nga

Đến đầu những năm 2000, khi đã có những công nghệ cần thiết, Trung Quốc bí mật nối lại chương trình DF-41 đầy tham vọng.

DF-41 là ICBM đầu tiên của Trung Quốc có khả năng đe dọa phần lớn nước Mỹ.
DF-41 là ICBM đầu tiên của Trung Quốc có khả năng đe dọa phần lớn nước Mỹ.

Một báo cáo chưa được xác nhận của Missilethreat.com cho biết, Trung Quốc đã đánh cắp được công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa di động R-12M Topol-M của Nga. Cũng có nguồn tin cho rằng, Trung Quốc mua được công nghệ tên lửa R-12M nhưng điều này hoàn toàn không có cơ sở bởi công nghệ tên lửa liên lục địa là sản phẩm không thể xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, Trung Quốc mạnh dạn phát triển DF-41. Khi thông tin về sự phát triển của DF-41 bị rò rỉ trên các trang mạng quốc phòng Trung Quốc, không khó khăn để nhận thấy sự tương đồng trong thiết kế giữa DF-41 và Topol-M của Nga. Giả thuyết Bắc Kinh đã đánh cắp công nghệ tên lửa Topol càng được củng cố hơn.

Trước đó đã có thông tin cho rằng Belarus giúp đỡ Trung Quốc phát triển loại xe mang phóng chuyên dụng dựa trên xe mang phóng MAZ-7310 của tên lửa Topol để làm phương tiện mang phóng cho DF-41.

DF-41 (CSS-X-10) là một tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn, tên lửa có chiều dài 21 mét, rộng 2,25 mét, trọng lượng phóng 80 tấn, tầm bắn được cho là từ 12.000-15.000km. Nếu thật sự đạt được tầm bắn này, DF-41 sẽ trở thành tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa thứ 2 thế giới sau tên lửa R-36 của Nga.

Sự xuất hiện của DF-41 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới quân sự quốc tế, đặc biệt là giới quân sự Mỹ bởi tên lửa này có khả năng tấn công hầu hết nước Mỹ. Tuy nhiên, tầm bắn xa chưa phải là vấn đề khiến DF-41 được quan tâm nhiều nhất.

DF-41 đã kéo Trung-Mỹ vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.
DF-41 đã kéo Trung-Mỹ vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

DF-41 có tải trọng đầu đạn khoảng 2.500kg, có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV) với đương lượng nổ khoảng 150Kt mỗi đầu đạn. Những tên lửa đạn đạo liên lục địa với công nghệ MIRV luôn là một thách thức lớn đối với hệ thống đánh chặn.

Nếu Trung Quốc thực sự thành công với DF-41, họ sẽ có trong tay vũ khí đủ tinh vi để uy hiếp nước Mỹ. DF-41 được cho là đã tiến hành thử nghiệm đầu tiên vào tháng 07/2012. Lúc đó Đài tiếng nói nước Nga đã bình luận rằng: “DF-41 đã kéo Trung-Mỹ vào một cuộc chạy đua vũ trang mới”.

Trong năm 2013, Mỹ đã triển khai thêm một trạm radar phòng thủ tên lửa ở Nhật Bản không ngoài mục đích đối phó với DF-41, cũng như chương trình tên lửa của Trung Quốc.

Mặc dù DF-41 vẫn đang trong giai đoạn phát triển, đặc tính kỹ chiến thuật vẫn còn là một bí ẩn, nhưng nó đã khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới về đánh chặn và xuyên thủng lá chắn tên lửa giữa Mỹ-Trung.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại