Mua tên lửa HQ-9, Thổ Nhĩ Kỳ muốn "dựa hơi" Trung Quốc?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Đã có những đồn đoán cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang "nhờ cậy" vào Trung Quốc, rời xa phương Tây để theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hơn.

Tuần trước, báo chí phương Tây đưa một thông tin gây kinh ngạc: Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn hệ thống phòng không FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9) từ Tập đoàn xuất khẩu máy chính xác (CPMEIC), biến những công ty quốc phòng lừng danh của Mỹ, EU và cả Nga thành những người thua cuộc.

Trong bối cảnh trên, đã xuất hiện những đồn đoán cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang dựa vào CPMEIC và sâu xa hơn là nhờ cậy vào Trung Quốc, suy luận này cũng khiến không ít người bị sốc bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thành viên của NATO, tổ chức đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trên nhiều quốc gia châu Âu. Hồi đầu năm nay, Mỹ, Đức và Hà Lan cũng đã gửi tổng cộng 6 tổ hợp Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích triển khai chuẩn bị cho cuộc xung đột ở Syria.

Một vụ phóng tên lửa thuộc hệ thống HQ-9 Trung Quốc
Một vụ phóng tên lửa thuộc hệ thống HQ-9 Trung Quốc

Quyết định của Ankara rõ ràng là một việc làm gây mất mặt nước Mỹ, quốc gia từ lâu đã duy trì lệnh trừng phạt đối với CPMEIC vì dám tiến hành các hoạt động mua bán vũ khí và hợp tác quốc phòng với các nước như Pakistan, Syria, Triều Tiên và Iran. Tất cả người dân cũng như các tổ chức trên nước Mỹ bị cấm không được làm ăn với CPMEIC. Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty này bắt đầu từ năm 1993, khi hãng này chuyển giao công nghệ tên lửa cho Pakistan. Gần đây nhất hồi tháng 2 đầu năm, CPMEIC cùng với các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc đã một lần nữa bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vì đã bán một số trang thiết bị bị cấm trong bộ luật nước Mỹ cho Iran.

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã làm sâu sắc thêm những lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đang ngày càng trở nên xa cách đối với phương Tây để theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hơn. Bên cạnh đó, một số nhà phân tích của Mỹ cũng đã thể hiện sự lo ngại trước mối quan hệ đang ngày càng mở rộng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc

Tuy nhiên, theo Aaron Stein, một giám đốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế và đối ngoại có trụ sở tại Istanbul và là một học giả uy tín của viện nghiên cứu Royal United Services Institute (RUSI), phát biểu với tờ The Diplomat rằng, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan nhiều đến khao khát thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng nội địa hơn là những yếu tố mang tính chính trị.

Mục đích cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ là đạt được một thỏa thuận đồng sản xuất các hệ thống tên lửa với một trong 4 nhà cung cấp. Ankara đã theo đuổi những thỏa thuận tương tự với những hãng sản xuất vũ khí khác về các hệ thống tên lửa đối không của mình” - Stein giải thích qua một email.

Theo Stein, những công ty của Mỹ sẽ không dễ dàng đáp ứng yêu cầu về chuyển giao công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ. “Thật khó để hình dung ra việc Raytheon và Lockheed sẽ chuyển giao những thông tin và dữ liệu thiết kế quan trọng của một trong những hệ thống tên lửa tiên tiến nhất của họ cho Thổ Nhĩ Kỳ”.

Những yêu cầu này của Thổ Nhĩ Kỳ không phải tới thời chính quyền hiện nay mới có mà đã xuất hiện từ lâu. Sein nói thêm “Sự quan tâm đến vấn đề chuyển giao công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ không còn là vấn đề mới. Năm 1985, nước này đã thông qua bộ luật số 3238, nhắm tới việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước thông qua một chính sách dựa trên những cơ sở từ hoạt động mua sắm quốc phòng. Chính sách mua sắm quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay ủng hộ việc phát triển các trang thiết bị quốc phòng trong nước, và nếu nhiệm vụ này quá nặng nề đối với các công ty của họ, Ankara sẽ lựa chọn các hợp đồng cùng phát triển; nếu chủ trương này khả thi thì Ủy ban phụ trách công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhắm đến các thỏa thuận đồng sản xuất/đồng cấp phép. Và như thế, công ty của Trung Quốc sẽ phù hợp với tiêu chí thứ ba nói trên”.

Một điều cũng cần chú ý là các công ty quốc phòng của Trung Quốc luôn sẵn lòng chuyển giao công nghệ quân sự cho các bên thứ ba chứ không phải là các đồng nghiệp phương Tây. Ví dụ Bắc Kinh từ lâu đã giúp Pakistan mở rộng nền công nghiệp quốc phòng nội địa của quốc gia này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại