Các phi công thuộc lực lượng không quân, hải quân và lính thủy đánh bộ của quân đội Mỹ phần lớn đều thừa nhận rằng F-22 là máy bay tiêm kích siêu hạng, nhưng xét về khả năng chiến đấu toàn diện thì F-35 vẫn vượt trội hơn, dù vẫn còn rất nhiều lỗi trong quá trình hoàn thiện. Ưu điểm này của F-35 có được chính là nhờ công nghệ hiện đại.
F-35 là chiến đấu cơ tàng hình mới nhất của quân đội Mỹ và được đưa vào sử dụng muộn hơn rất nhiều năm so với chiến đấu cơ cùng thế hệ thứ năm F-22. Những phi công am hiểu về công nghệ hàng không của Mỹ nhận định rằng F-35 sử dụng công nghệ thế hệ mới hơn nhiều so với F-22 được phát triển trên nền tảng công nghệ từ những năm 1980 và 1990, dù F-22 đã được nâng cấp một số công nghệ mới từ khi hoạt động vào năm 2005.
Xét về thiết kế và thành phần cấu tạo, chiến đấu cơ F-35 là một thế hệ hoàn toàn mới so với F-22. Nhờ áp dụng công nghệ mới, F-35 cũng có chi phí sản xuất thấp hơn, công nghệ hiệu quả hơn, dễ bảo dưỡng và được thiết kế như một máy bay chiến đấu-ném bom.
Ngoài khả năng chiến đấu không đối không, F-35 là một phương hiện hỗ trợ hiệu quả và tin cậy cho quân đội dưới mặt đất nhờ được trang bị bom thông minh được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS. Trong khi đó, F-22 chỉ phát huy được thế mạnh chiến đấu trên không, cho dù loại máy bay bay được thiết kế với khả năng tấn công và hỗ trợ mặt đất. Thêm nữa, F-22 cũng chưa từng có kinh nghiệm chiến đấu.
Công nghệ bom thông minh cũng đồng nghĩa cần ít máy bay chiến đấu hơn tham gia các sứ mệnh chiến đấu. Vì thế, quân đội Mỹ không cần điều F-22 tới những khu vực mà nhiều máy bay khác có thể làm nhiệm vụ tương tự với chi phí rẻ hơn nhiều. Đây cũng là lý do tại sao các phi công Mỹ thích F-35 hơn F-22.
F-35 còn hấp dẫn đối với phi công Mỹ vì loại máy bay này có 3 phiên bản khách nhau dành cho những nhiệm vụ cụ thể. F-35B với khả năng cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng được thiết kế dành cho Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. F-35B nặng 27 tấn có thể mang theo 6 tấn vũ khí và hoạt động trong bán kính 800 km.
Không quân Mỹ sẽ nhận chiếc F-35A nặng 31 tấn đầu tiên vào năm 2016 hoặc 2017. Đây là phiên bản rẻ nhất của F-35 với giá 154 triệu USD/chiếc. Trong khi đó, phiên bản F-35C dành cho Hải quân Mỹ có giá lên tới 200 triệu USD/chiếc. Phiên bản này có khả năng hạ cánh trên tàu sân bay và các thiết bị của nó có thể chống lại sự ăn mòn của nước biển.
Tất nhiên, các phi công Mỹ cũng thừa nhận F-35 có những điểm hạn chế nhất định. Họ tin rằng nhà sản xuất đã hứa hẹn hơi quá về tính năng của F-35. Có rất nhiều nghi ngờ liệu khả năng tàng hình thật sự của F-35 có được như 'quảng cáo' hay không. Bên cạnh đó, những giới hạn nhất định về thiết kế (nhằm phục vụ khả năng tàng hình) có thể sẽ hạn chế khả năng tác chiến của F-35.
Chương trình F-35 đã bị trì hoãn nhiều lần, thậm chí suýt chút nữa bị hủy hỏ. Các đơn đặt hàng đã bị cắt giảm và nhà sản xuất phải hứng chịu rất nhiều áp lực để có thể đưa loại máy bay tàng hình mới này vào hoạt động. Hiện vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh số lượng F-35 sẽ được sản xuất. Phần lớn (khoảng 60%) những chiếc F-35 được sản xuất sẽ được bán cho các đối tác nước ngoài.
Có vẻ khác với các phi công Mỹ, F-22 được nhiều chuyên gia quân sự đánh giá là vượt trội hơn bất cứ loại máy bay chiến đấu nào đang phục vụ trong quân đội Mỹ. Đó là lý do tại sao một số quốc gia tỏ ra hứng thú với nó như Úc, Nhật Bản và Israel. Thế nhưng, Quốc hội Mỹ có quy định cấm xuất khẩu F-22, một phần do lo sợ bí mật công nghệ và kỹ thuật có thể rơi vào tay kẻ địch.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa tốc độ, hệ thống điện tử tiên tiến và công nghệ tàng hình đã tạo nên một lợi thế mang tính quyết định cho F-22. Chính vì điều này, trong quá trình huấn luyện, F-22 thường phải giả định chiến đấu chống lại 6 chiếc F-15 để đảm bảo các phi công điều khiển phải đối mặt với nhiều thử thách hơn.
Theo giới chuyên môn, F-35 có thể vượt trội hơn Rafale, F-15E hay Eurofighter nhưng không thể vượt qua F-22. Không quân Mỹ luôn hy vọng rằng F-22 và F-35 sẽ trở thành một cặp bài trùng, sự kết hợp giữa chúng sẽ khiến đối phương khó phát hiện và chống lại.
Chương trình phát triển F-22 được bắt đầu vào cuối những năm 1980. F-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1997 và đi vào hoạt động trong quân đội Mỹ từ năm 2005. Dự kiến, F-22 sẽ còn tiếp tục phục vụ trong ít nhất 30 năm nữa. Hiện tại, Nga đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 là T-50 và Trung Quốc phát triển J-20 nhưng các chuyên gia quân sự Mỹ nhận định rằng khả năng của chúng, và đặc biệt là chi phí sản xuất, không thể nào sánh bằng F-22.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 30 năm này, nhiều phi công Mỹ tin rằng lợi thế tàng hình của máy bay sẽ mất đi do sự phát triển của công nghệ mới. Trung Quốc, Nga và các nước châu Âu sẽ tiếp tục phát triển các thiết kế máy bay chiến đấu mới và sự xuất hiện của máy bay chiến đấu không người lái sẽ thay đổi đáng kể cục diện quân sự thế giới.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!