Tại sao Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí số 1 cho Ấn Độ?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Giá thành thấp, khả năng hoạt động lâu bền tại những khu vực khắc nghiệt và sự tương đồng về kết cấu là những nền tảng tạo nên sự thành công của vũ khí Nga tại Ấn Độ.

Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới Moscow từ ngày 20/10, trang tin Rediff của Ấn Độ đã có bài phân tích về vai trò cung cấp vũ khí của Nga đối với New Delhi. Sau đây là nội dung bài viết:

Tính từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước tới nay, Ấn Độ đã mua của Nga số vũ khí trang bị trị giá lên tới 40 tỷ USD. Theo những đánh giá gần đây của trung tâm phân tích mua bán vũ khí của Nga, Ấn Độ chiếm xấp xỉ 55% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga trong giai đoạn 2010-2013 với tổng giá trị ước tính khoảng trên 15 tỷ USD. Kim ngạch quốc phòng giữa hai nước hàng năm duy trì ở mức 1,5 tỷ USD.

Ngôi vị nhà cung cấp vũ khí số 1

Trung tướng đã về hưu của Ấn Độ Vijay Kapoor phát biểu rằng “Trong vài thập kỷ tới đây, có thể không nước nào đủ khả năng truất ngôi vị của Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ, ngay cả khi có sự phối hợp giữa các nhà sản xuất của Mỹ, Pháp, Israel mà cá nhân từng quốc gia này đã tăng cường xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ trong những năm gần đây”.

Ba nguyên tắc cơ bản làm nên sự thành công nối tiếp của vũ khí Nga tại thị trường Ấn Độ là giá thành hạ, khả năng tác chiến lâu bền trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sự tương đồng về kết cấu cho phép Ấn Độ làm chủ vũ khí Nga.

Tiêm kích Su-30MKI
Tiêm kích Su-30MKI

Chiếm phần lớn trong hơn 32 phi đội chiến đấu cơ của Không quân Ấn Độ (IAF) là các thế hệ tiêm kích của Nga gồm tiêm kích đa năng Su-30MKI. Tới năm 2017, tổng số máy bay loại này sẽ lên tới con số 272, biến nó trở thành loại chiến đấu cơ đông đảo nhất trong IAF. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng sở hữu số lượng lớn nhất thế giới của các loại trực thăng vận tải chiến thuật Mi-17/Mi-8 với hơn 200 chiếc hiện đang hoạt động.

Hạm đội tàu ngầm và tàu chiến của Hải quân Ấn Độ cũng đa phần có nguồn gốc và thiết kế từ Nga. Tới năm 2017-2018, không quân hải quân Ấn Độ sẽ sở hữu tổng cộng 45 chiếc Mig-29K để hoạt động trên hai tàu sân bay của mình.

Hơn 95% lực lượng tăng thiết giáp của Lục quân Ấn Độ sử dụng phương tiện của Nga với hơn 2.500 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, T-72 và hơn 2.000 xe chiến đấu bộ binh có nguồn gốc từ thời Liên Xô.

Tên lửa hành trình Brahmos
Tên lửa hành trình Brahmos

Ngoài ra, hai bên đã hợp tác phát triển thành công tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos, phù hợp trang bị trên cả tàu nổi và sẽ sớm được trang bị cho tàu ngầm. Ấn Độ và Nga gần đây cũng thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa Brahmos trang bị trên máy bay Su-30MKI và tiếp tục đàm phán cho khả năng xuất khẩu loại tên lửa này.

Moscow và New Delhi còn có kế hoạch phát triển một loại máy bay vận tải đa năng bị trì hoãn từ lâu, trong đó thống nhất 100 chiếc sẽ dành cho Nga, 45 chiếc cho IAF và 60 chiếc để xuất khẩu.

Thêm vào đó, trong những năm gần đây, Ấn Độ đã được phép tiếp cận hệ thống vệ tinh hoa dẫn đường toàn cầu GLONASS, là giải pháp thay thế cho hệ thống GPS mà Mỹ kiểm soát.

Chuyển giao công nghệ quân sự chiến lược

Lo ngại về sự cạnh tranh đến từ các tập đoàn vũ khí của Israel, Mỹ và châu Âu, các nhà phân tích cấp cao của Nga gần đây đã tuyên bố rằng Moscow có thể sẽ trao cho Ấn Độ những công nghệ quân sự chiến lược tối quan trọng của mình nhằm giữ chân khách hàng lớn nhất của họ.

Chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (Nga) Konstantin Makienko từng nhận định: “Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường vũ khí Ấn Độ sẽ thôi thúc Nga mở rộng hợp tác với New Delhi trong những lĩnh vực mới, nơi mà Nga không có đối thủ về những vũ khí và công nghệ chiến lược”.

Makienko cũng đề xuất rằng “Hai nước có thể đa dạng hóa quan hệ quốc phòng sang những công nghệ tàu ngầm hạt nhân, bất chấp những rào cản quốc tế đối với Ấn Độ. Việc Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ hạt nhân khiến những điều khoản cấm trên trở nên vô nghĩa, và Nga rất quan tâm đến việc tăng cường tiềm năng quốc phòng của Delhi mà không có giới hạn nào”.

 	Tàu ngầm INS Arihant

Tàu ngầm INS Arihant

Việc Nga tham gia hỗ trợ Ấn Độ hiện thực hóa lò phản ứng công suất 80MW chạy bằng urani được làm giàu trên chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo nội địa INS Arihant của Ấn Độ là một bí mật được giữ kín trong cộng đồng lực lượng hạt nhân chiến lược.

Các nguồn tin chính thức gần đây cũng chỉ ra rằng Nga cũng sẽ hỗ trợ Tổ chức nghiên cứu phát triển quốc phòng DRDO Ấn Độ thiết kế 3-5 chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo tiếp theo tại trung tâm đóng tàu bí mật ở Visakhapatnam.

Chỉ Nga cho Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân

Ấn Độ đang rục rịch thuê một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ hai của Nga, tiếp sau chiếc INS Chakra (được thuê trong thời hạn 10 năm với giá 920 triệu USD). Ấn Độ đưa chiếc INS Chakra vào biên chế Hải quân hồi tháng 4 vừa qua.

Trước đó trong năm 1988, hải quân Ấn Độ đã thuê một chiếc tàu ngầm lớp Charlie-I thời Liên Xô để tích lũy những kinh nghiệm hoạt động với tàu ngầm hạt nhân, và họ thậm chí đã lên kế hoạch tiếp tục thuê 6 chiếc khác. Tuy nhiên sau đó, việc Liên Xô tan rã đã khiến New Delhi phải hủy bỏ ý định này.

Các hiệp ước quốc tế nghiêm cấm bán tàu ngầm hạt nhân nhưng cho phép thuê những chiếc tàu không được trang bị tên lửa có tầm bắn vượt quá 300km. Một phó đô đốc Hải quân Ấn Độ cho biết “Chỉ nga mới đủ khả năng cho Ấn Độ thuê những tàu ngầm hạt nhân. Không quốc gia nào khác dám làm điều này”.

Ba điều Ấn Độ chưa hài lòng với Nga

Mặc dù đã có những thành tựu đáng kể trên trong quan hệ quân sự song phương, tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại ba vấn đề lớn khiến Ấn Độ chưa hài lòng đối với Nga, trong đó chủ yếu liên quan đến chi phí thiết bị và thời gian trì hoãn kéo dài.

Ví dụ chi phí đại tu dự kiến ban đầu cho tàu sân bay Gorshkov (nay là Vikramaditya) chỉ vào khoảng 974 triệu USD, tuy nhiên chỉ trong vài năm con số này đã tăng vọt lên 2,3 tỷ USD. Thời hạn bàn giao cho Hải quân Ấn Độ đã bị kéo dài thêm 5 năm và phải lùi sang tháng 11 tới đây.

Tàu sân bay INS Vikramaditya
Tàu sân bay INS Vikramaditya

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động cao do tốn nhiên liệu, các thiết bị của Nga được trang bị công nghệ không tương xứng cùng với các hoạt động hỗ trợ sau bán hàng thiếu sức cạnh tranh, như việc cung cấp những bộ phận tách rời vẫn là một mối lo ngại đối với quân đội Ấn Độ. Yếu tố này đã thúc đẩy Bộ quốc phòng Ấn Độ phải chuyển hướng sang tìm các đối tác sản xuất vũ khí của Mỹ và châu Âu trong những gói thầu gần đây. Trong đó đáng kể có hợp đồng cung cấp 15 trực thăng vận tải hạng nặng và 25 trực thăng tấn công, 6 máy bay tiếp dầu và gói thầu màu mỡ cung cấp 126 tiêm kích đa năng hạng trung đã được trao cho các nhà sản xuất của Mỹ, châu Âu và Pháp.

Ngoài ra, IAF cũng lo ngại về việc chia sẻ công nghệ không tương xứng mà Nga giành cho Ấn Độ trong dự án cùng phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 (FGFA) trị giá 35 tỷ USD. Trong khuôn khổ chương trình FGFA, IAF có kế hoạch từ năm 2020 trở đi sẽ đưa vào biên chế 220 - 250 chiến đấu cơ tiên tiến nói trên của Nga, tuy nhiên, trong những tuần gần đây, mối lo ngại của Ấn Độ ngày càng chồng chất khi thực tế họ chỉ đảm nhiệm 15% công việc trong dự án này.

Không hài lòng đối với thực tế trên, Phó Tư lệnh Không quân Ấn Độ Gorshkov ngày 17/10 đã phát biểu tại New Delhi rằng “Hiện tại chương trình FGFA không hỗ trợ được gì nhiều đối với sự phát triển của Ấn Độ, chúng tôi đang báo cáo lên chính phủ về vấn đề này. Theo đó chúng tôi có lẽ cần chú trọng hơn vào việc phát triển năng lực nội địa của mình”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại