Tác chiến phi đối xứng ở Biển Đông, Việt Nam có yếu thế?

Lệ Ninh |

(Soha.vn) - Tác chiến phi đối xứng kết hợp vũ khí công nghệ cao còn lợi hại hơn trước rất nhiều, ngay cả trong môi trường không-hải chiến, nơi mọi thứ có vẻ như không thể che giấu.

Tác chiến phi đối xứng (chiến tranh du kích theo cách gọi của Việt Nam) là chiến thuật sử dụng một lực lượng quân sự nhỏ bí mật tiếp cận và bất ngờ tấn công vào một lực lượng quân sự lớn hơn có trang bị khí tài hiện đại hơn. Mục đích của lối đánh này là làm tiêu hao một bộ phận nhất định sinh lực của đối phương, sau đó nhanh chóng rút lui để bảo toàn lực lượng.

Tác chiến phi đối xứng tạo tâm lý hoang mang cho đối phương, khiến họ không biết lúc nào bị tấn công và điều gì sẽ chờ đợi họ phía trước.

Điểm mấu chốt của tác chiến phi đối xứng là bí mật và bất ngờ để cầm chân và phá hoại chiến lược của đối phương. Mặc dù tác chiến phi đối xứng không hoàn toàn làm thay đổi cán cân quân sự trên chiến trường nhưng đây là một chiến thuật rất quan trọng để chuẩn bị cho các trận đánh lớn.

Chiến tranh Việt Nam được xem là chiến trường tiêu biểu của tác chiến phi đối xứng. Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) luôn “sống trong sợ hãi” trước lối đánh du kích của quân giải phóng miền Nam. Sự thành công của tác chiến phi đối xứng trên mặt trận miền Nam đã khiến quân đội VNCH nhanh chóng bị đánh bại khi chạm trán với quân chủ lực của Việt Nam.

Tác chiến phi đối xứng có lạc hậu?

Tác chiến phi đối xứng có một lịch sử khá lâu dài nhưng có một số ý kiến cho rằng, hiện nay tác chiến phi đối xứng đã lỗi thời và không còn phù hợp với thời đại tác chiến công nghệ cao. Theo đó, với sự có mặt của các phương tiện chiến tranh hiện đại như radar, vệ tinh, UAV do thám, các loại vũ khí dẫn đường công nghệ cao đã làm cho tác chiến phi đối xứng “không còn đất sống”.

Hệ thống tên lửa chống hạm bố trí trong container hàng hóa Club-K đã mang lại một kỷ nguyên mới cho tác chiến phi đối xứng hiện đại.
Hệ thống tên lửa chống hạm bố trí trong container hàng hóa Club-K đã mang lại một kỷ nguyên mới cho tác chiến phi đối xứng hiện đại.

Tuy nhiên, bất kỳ hệ thống vũ khí hiện đại nào đều có những điểm yếu riêng của nó. Một hệ thống radar tối tân đều có những điểm mù riêng của nó. Các hệ thống trinh sát hình ảnh khó lòng phân biệt được thật-giả.

Trong khi đó, điểm mấu chốt của tác chiến phi đối xứng là “bí mật và bất ngờ”. Tác chiến phi đối xứng kết hợp với vũ khí công nghệ cao thậm chí còn lợi hại hơn trước rất nhiều, ngay cả trong môi trường không-hải chiến, nơi mà mọi thứ có vẻ như không thể che giấu.

Chẳng hạn như, những chiếc tiêm kích trang bị tên lửa chống hạm sẽ bay thấp dưới tầm radar rồi bất ngờ phóng tên lửa về phía mục tiêu, khiến đối phương không kịp trở tay; tàu tên lửa cao tốc dựa vào địa thế các hòn đảo nhô ra ngoài biển bất thình lình lao ra phóng tên lửa vào đội hình tàu chiến đối phương hay tàu ngầm bí mật tiếp cận để phóng ngư lôi hoặc tên lửa để tiêu diệt mục tiêu.

Các nước trên thế giới vẫn liên tục đầu tư nghiên cứu phát triển các hệ thống vũ khí mới cho tác chiến phi đối xứng hiện đại ứng dụng khả năng tàng hình, tốc độ cao để thích nghi với tình hình mới. Tiêu biểu trong số này là hệ thống tên lửa chống hạm chứa trong container Club-K của Nga.

Đây là hệ thống tên lửa chống hạm được ngụy trang trong các container hàng hóa thông thường. Club-K có thể triển khai trên các xe tải thông thường, tàu hỏa, tàu hàng thương mại rồi bất ngờ khai hỏa tiêu diệt mục tiêu.

Những vũ khí mà Việt Nam đang sở hữu đều phù hợp với tác chiến phi đối xứng hiện đại.
Những vũ khí mà Việt Nam đang sở hữu đều phù hợp với tác chiến phi đối xứng hiện đại.

Club-K đảm bảo được 2 yếu tố then chốt của tác chiến phi đối xứng là “bí mật và bất ngờ”. Việc phát hiện ra các container chứa Club-K là cực kỳ khó khăn, nếu sử dụng các biện pháp trinh sát bằng hình ảnh. Rất khó để nhận ra đâu là container chứa Club-K và đâu là container thông thường.

Ngay cả trong trường hợp sử dụng các khí tài trinh sát ảnh nhiệt, nếu container chứa Club-K không di chuyển thì cũng rất khó để phát hiện ra. Sự xuất hiện của Club-K đã khiến giới quân sự phương Tây lo lắng bởi tính bí mật của nó.

Mặt khác, tác chiến phi đối xứng hiện đại không đơn thuần chỉ là tập kích bất ngờ mà còn đảm bảo sự hài hòa giữa “chi phí và hiệu quả”. Vũ khí công nghệ cao đi kèm với chi phí cao nhưng không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả cao. Không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng để sử dụng nó một cách ồ ạt.

Ngay như nước Mỹ hùng mạnh đang phải điêu đứng vì những cuộc chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao suốt hơn một thập niên vừa qua trong khi hiệu quả tác chiến mang lại không như mong muốn. Mỹ mất gần 10 năm nhưng vẫn không bình định được Iraq và họ vẫn đang vật lộn tại Afghanistan.

Như vậy có thể thấy rằng, tác chiến phi đối xứng hoàn toàn không lỗi thời mà còn trở nên đáng sợ hơn khi kết hợp cùng vũ khí công nghệ cao trong một chiến thuật hợp lý. Tác chiến phi đối xứng vẫn là chiến thuật tác chiến vô cùng lợi hại.

Đây vẫn là chiến thuật hiệu quả cho những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế đối phó với những quốc gia có sức mạnh quân sự lớn hơn. Phát huy thế mạnh, biết khai thác điểm yếu của đối phương, sử dụng vũ khí hiện đại một cách hợp lý sẽ cho phép Việt Nam áp dụng tác chiến phi đối xứng để chống lại chiến thuật “không-hải chiến” mà đối phương áp đặt trên Biển Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại