Báo Nga: Việt Nam có thể tự đóng thêm vài chiến hạm Gepard

Tờ Business Online (Nga) trích nguồn tin từ nhà máy đóng tàu A. M Gorky cho biết, Hải quân Việt Nam có thể sẽ tự đóng theo giấy phép một vài chiến hạm Gepard 3.9 trong tương lai.

 	Tàu hộ tống tàng hình Gepard 3.9

Tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9

Trong lễ khởi đóng tiếp 2 tàu hộ tống chống ngầm Gepard 3.9 hôm 24/9 vừa qua tại nhà máy đóng tàu A. M Gorky, giới truyền thông Nga đã đưa ra lý giải rằng, lý do chính làm Việt Nam thực sự quan tâm và muốn đóng thêm các tàu chiến Gepard là do các đặc điểm hiệu suất hoạt động tuyệt vời của 2 con tàu đầu tiên HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ. Ngoài ra, việc đóng và bảo hành chuyên nghiệp của nhà máy A. M Gorky cho 2 tàu Gepard đầu tiên đã thực sự "bật đèn xanh" cho các dự án hợp tác mới.

Business Online nhấn mạnh rằng, về lâu dài, Việt Nam đang mong muốn sẽ độc lập xây dựng những chiến hạm hộ tống Gepard 3.9 ở trong nước, mà theo dự đoán nhà máy đóng tàu Ba Son ở TP.HCM sẽ đảm nhận trọng trách này.

Trong lễ khởi đóng cặp tàu hộ tống Gepard 3.9 tiếp theo vào hôm 24/9 vừa qua, Phó Giám đốc Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk Sergei Rudenko chỉ ra rằng, Việt Nam là một đối tác đầy hứa hẹn: "Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cho phép họ (Việt Nam) có thể đóng ít nhất là vài cặp tàu khác (ngoài cặp Gepard chống ngầm vừa khởi đóng). Tất cả cơ sở đều đã được họ chuẩn bị sẵn", ông Rudenko nói.

Trả lời Business Online, Giám đốc điều hành Zelenodolsk, ông Vitaly Volkov nói rằng: "Chúng tôi có tầm nhìn tốt, có khả năng cung cấp nhiều, và những đề xuất này đáp ứng mong muốn của Bộ Quốc phòng Việt Nam". Tuy nhiên ông không đi vào chi tiết.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc nhà máy Zelenodolsk, ông Renat Mistahov thì nói với vẻ đầy lạc quan rằng, hai bên đã thảo luận làm sao để có thể tiếp tục đáp ứng mong muốn có thêm các tàu khác từ phía Việt Nam.

Như vậy, những nguồn tin cấp cao từ nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đều cho thấy, có khả năng lớn Việt Nam sẽ tự đóng thêm một vài chiếc Gepard 3.9 khác ở trong nước theo giấy phép và dây chuyền công nghệ được Nga chuyển giao, một điều lệ tương tự như thương vụ mua 2 tàu tên lửa cao tốc Project 1241.8 Molniya và tự đóng theo giấy phép 6 chiếc khác ở nhà máy đóng tàu Ba Son.

Theo các thông tin ban đầu, hai tàu hộ tống Gepard 3.9 mới của Hải quân Việt Nam sẽ có các đặc điểm như sau: Lượng choán nước đầy tải 2.200 tấn, chiều dài tổng thể 102,4 m; chiều rộng 14,4 m; chiều cao 7,25 m; mớn nước khoảng 5,6 m; tốc độ di chuyển tối đa khoảng 29 hải lý/giờ; tầm hoạt động 4.000 hải lý khi di chuyển với tốc độ 10 hải lý/giờ; khả năng hoạt động độc lập liên tục 20 ngày trên biển và được vận hành bởi kíp thủy thủ 84 người. Tàu được trang bị pháo hạm hiện đại, tên lửa phòng không, vũ khí chống tàu ngầm, các thiết bị điện tử hiện đại, cũng như mìn và vũ khí phòng thủ. Ngoài ra, tàu còn được tích hợp các hệ thống truyền thông bên ngoài và bên trong khoang tàu, cũng như hệ thống phát thanh truyền hình và hệ thống quan sát.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại