Những cuộc chiến với lực lượng mặt đất khổng lồ đã đi vào dĩ vãng. Chiến tranh hiện đại là chiến trường ở trên không, trên biển. Nơi đó cuộc chiến được định đoạt bằng sức mạnh của tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình và các loại vũ khí dẫn đường thông minh khác.
Hải quân Mỹ đã xây dựng học thuyết quân sự “Air-Sea Battle” (không-hải chiến) nhằm từng bước kiểm soát cuộc chơi trong tình hình mới. Trọng tâm của “Air-Sea Battle” đang nhắm vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ chương trình tái cân bằng châu Á của Washington.
Một số cường quốc trong khu vực cũng bắt đầu xây dựng lực lượng phục vụ cho học thuyết quân sự mới, được dự đoán là sẽ làm thay đổi cuộc chơi tại châu Á-Thái Bình Dương này. Trung Quốc được xem là quốc gia xông xáo nhất trong việc học theo Mỹ thiết lập không-hải chiến trên biển Đông nhằm biến vùng biển này thành cái ao làng từ đó thách thức Hải quân Mỹ.
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt cho các phương tiện chiến tranh hải quân và không quân. Về hải quân, họ đã đầu tư một loạt các thế hệ tàu khu trục có khả năng tác chiến xa bờ với hỏa lực rất mạnh. Đơn cử như tàu khu trục phòng không Type-052C, tàu khu trục nhỏ Type-054 và gần đây nhất là tàu “Aegis made in China” Type-052D.
Về tàu ngầm Trung Quốc đã xây dựng một hạm đội tàu ngầm phi hạt nhân với số lượng khoảng 60-70 chiếc cùng với khoảng 10 chiếc tàu ngầm hạt nhân. Mặc dù khả năng của tàu ngầm hạt nhân chiến lược còn hạn chế nhưng chúng cũng đang dần được hoàn thiện.
Về không quân, Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng máy bay chiến đấu hiện đại với số lượng hàng đầu khu vực châu Á như: Tiêm kích J-10, J-11(bản sao của Su-27) Su-30MKK/MK2. Đặc biệt là họ đã sao chép Su-30MK2 của Nga thành J-16 được thiết kế chuyên dụng cho đánh biển.
Tương lai J-16 sẽ là nòng cốt của lực lượng không quân hải quân Trung Quốc. Bên cạnh việc phát triển phi đội máy bay chiến đấu, họ còn đầu tư mạnh cho các loại máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không AEW&C. Đại tá Du Wenlong một chuyên gia quân sự Trung Quốc đã từng ngang ngược tuyên bố rằng máy bay AEW&C KJ-500 cùng với J-16 sẽ là “át chủ bài” của họ trong việc thiết lập không-hải chiến trên biển Đông.
Sự chuẩn bị của Việt Nam?
Như vậy đã rõ, các nước lớn trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập thế trận “không-hải chiến” trên biển Đông nhằm đạt được tham vọng bá quyền của mình. Vậy Việt Nam đã có những chuẩn bị như thế nào cho chiến thuật mới này?
Không-hải chiến diễn ra trên không, trên biển nên chỉ có máy bay và tàu chiến mới có thể đối phó lại với chiến thuật tác chiến mới này. Ý thức được vai trò quan trọng của không-hải chiến, những năm gần đây, quân đội Việt Nam cụ thể là Không quân-Hải quân đã được ưu tiên trang bị các loại khí tài hiện đại nhằm đối phó với những thách thức mới.
Năm 2003 Việt Nam đã ký hợp đồng mua 4 chiếc tiêm kích đa nhiệm Su-30MK, đến năm 2009 lại tiếp tục mua thêm 8 chiếc tiêm kích Su-30MK2V, đến năm 2010 lại đặt thêm 12 chiếc nữa, năm 2013 mua thêm 12 chiếc. Tổng cộng Việt Nam sẽ có khoảng 36 chiếc tiêm kích đa nhiệm Su-30MK2V.
Một chi tiết cần được lưu tâm Su-30MK2V là một tiêm kích được thiết kế chuyên dùng cho nhiệm vụ đánh biển. Như vậy Su-30MK2V chính là “át chủ bài” cho chiến lược đối phó với không-hải chiến của Việt Nam trên biển Đông.
Theo tiết lộ của tạp chí Khán Hòa (Kanwa), Su-30MK2V của Việt Nam chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ không đối không-đối hải mà ít chú trọng đến khả năng không đối đất. Những vũ khí trang bị cho Su-30MK2V cũng thiên về nhiệm vụ này. Việt Nam đã nhập khẩu tên lửa chống hạm Kh-31A, tên lửa chống bức xạ Kh-31P, tên lửa hành trình Kh-29TE, tên lửa không đối không tầm trung R-27, tên lửa không tầm ngắn R-73.
Những vũ khí này sẽ cho phép Su-30MK2V phá thế trận không-hải chiến mà đối phương thiết lập trên biển Đông. Dựa vào địa thế nhô ra ngoài biển Đông kết hợp với tốc độ cao, Su-30MK2V có thể thực hiện chiến thuật đột kích tốc độ cao vào đội hình chiến đấu của đối phương, tiêu diệt một vài máy bay hay tàu chiến của đối phương gây rối loạn đội hình và buộc chúng phải từ bỏ nhiệm vụ. Chiến thuật này đã từng được Không quân Việt Nam triển khai rất hiệu quả trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Khi đó những chiếc MiG-21 nhanh nhẹn đã được sử dụng vào chiến thuật đột kích tốc độ cao vào đội hình chiến đấu của Không quân Mỹ buộc chúng phải từ bỏ nhiệm vụ hoặc phải thả bom trước khi đến khu vực mục tiêu.
Sắp tới Việt Nam nên đầu tư mua sắm loại tên lửa không đối không tầm siêu xa Novator K-100 được mệnh danh là “sát thủ AWACS”. Loại tên lửa này có tầm bắn tới 300km, nó được thiết kế để tiêu diệt bộ máy chỉ huy và cảnh báo sớm của đối phương.
Nếu được trang bị loại tên lửa sát thủ này, Su-30MK2V của Việt Nam có thể vô hiệu hóa máy bay AWACS của đối phương. Do bất lợi về địa lý, đối phương buộc phải huy động một phi đội lớn bao gồm các tiêm kích, máy bay tiếp dầu, máy bay hộ tống. Để phi đội này có thể vận hành trơn tru cần có một máy bay AWACS đi kèm để chỉ huy tổng thể. Khi bộ máy chỉ huy không còn thế trận không-hải chiến của đối phương coi như phá sản.
Bên cạnh sự đầu tư về không quân, Hải quân Việt Nam cũng được chú trọng trang bị các khí tài hiện đại. Việt Nam đã mua các tàu tên lửa tốc độ cao Molniya, tàu hộ tống Gepard-3.9 từ Nga, tàu hộ tống tàng hình Sigma từ Hà Lan. Đây đều là những tàu chiến có tốc độ cao, Việt Nam sẽ dựa vào lợi thế địa lý để thực hiện chiến thuật đột kích tốc độ cao vào đội hình tàu chiến của đối phương.
Từ năm 2014 Hải quân Việt Nam sẽ có thêm tàu ngầm Kilo. Tàu ngầm Kilo sẽ là một sự bổ sung hiệu quả cho chiến thuật đột kích bí mật dưới nước, tiêu diệt tàu chiến đối phương, phá hoại thế trận không-hải chiến.
Máy bay Su-30MK2V, tàu hộ tống Gepard-3.9, Sigma, tàu tên lửa cao tốc Molniya, tàu ngầm Kilo sẽ phối hợp với nhau trong một thế trận liên hoàn. 3 mũi giáp công này sẽ khiến đối phương phải loay hoay chống đỡ bởi không biết khi nào sẽ bị tấn công.
Khả năng kinh tế của chúng ta còn hạn chế, vũ khí trang bị hiện đại số lượng còn khiêm tốn, do đó để đối phó với chiến lược không-hải chiến đồ sộ của đối phương thì lối đánh đột kích được xem là giải pháp khả thi để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của đất nước.