Syria – Bãi thử vũ khí của Nga

Hải Vy |

Theo nhà phân tích Leonid Bershidsky, một trong những mục tiêu hiện nay của Nga tại Syria là thử nghiệm thực chiến và phô diễn sức mạnh các loại khí tài mới của họ.

"Khát" cơ hội thể hiện

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết 4 tên lửa hành trình Nga đã rơi xuống Iran trước khi đến được các mục tiêu IS ở Syria.

Theo ông Carter, việc sử dụng các loại đạn dược không đủ tiêu chuẩn đã cho thấy “cách hành động thiếu chuyên nghiệp” của Nga.

Còn đối với người Nga, đó có lẽ là một phần lý do tại sao họ lại đến Syria.

Theo nhà phân tích Leonid Bershidsky của tờ Bloomberg, một trong số những mục tiêu hiện nay của Kremlin là thử nghiệm thực chiến và phô diễn sức mạnh các loại khí tài mới của họ.

Quân đội Mỹ đã có vài lần tham chiến tại nước ngoài từ năm 1991, trong khi đó, quân đội Nga chủ yếu tác chiến trong nước hoặc trong phạm vi khối Liên Xô cũ.

Những cuộc xung đột này khiến một quân đội hiện đại như Nga có ít cơ hội phô diễn khả năng của mình.

Họ cũng không có dịp trình diễn các loại vũ khí mới để “chào hàng” các khách nước ngoài tiềm năng hay thử nghiệm thực chiến những khí tài này cho chính mình.

Bãi thử vũ khí

Nhà phân tích Bershidsky nhận định, có vẻ khôi hài khi dấn thân vào một cuộc chiến chỉ để có dịp huấn luyện, thử nghiệm nhưng đối với nước Nga, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Putin, điều này lại trở nên dễ hiểu.

Mức chi tiêu quốc phòng của Nga trong năm nay đã tăng lên, chiếm 4,5% GDP, so với mức 1,5% GDP năm 2010. Nga hiện nằm trong số 10 quốc gia quân sự hóa hàng đầu thế giới.

Nước này cũng là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, với 27% thị phần toàn cầu.

Năm ngoái, Nga đã xuất khẩu một lượng vũ khí trị giá 15,7 tỷ USD, chiếm 5% sản lượng xuất khẩu các sản phẩm phi hàng hóa và 2,6% sản lượng xuất khẩu chung.

Các tên lửa 3M-14 Kalibr phóng từ biển Caspian vào Syria có thể không được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu trước đó, bởi hiệp ước quốc tế chỉ cho phép Nga xuất khẩu phiên bản có tầm bắn ngắn hơn, khoảng 300km, như loại Nga bán cho Ấn Độ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, 26 tên lửa bắn vào các mục tiêu tại Syria lại có tầm bắn dài, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 1.500km hoặc hơn.


Tên lửa của Nga lần đầu tiên có cơ hội thực chiến trong chiến dịch tại Syria

Tên lửa của Nga lần đầu tiên có cơ hội thực chiến trong chiến dịch tại Syria

Mặc dù Nga phủ nhận và Iran từ chối xác nhận nhưng nếu đúng là 4 tên lửa 3M-14 rơi xuống Iran thì điều đó cũng không có gì bất thường đối với một loại vũ khí được thực chiến lần đầu tiên.

Tương tự, ngay cả khi đã xuất khẩu các máy bay chiến đấu Su-30 sang hàng chục quốc gia nhưng Nga vẫn chưa từng triển khai chúng trong thực chiến. Vì vậy, chiến dịch tại Syria chính là một cơ hội để thử nghiệm 4 chiến đấu cơ loại này.

Các máy bay ném bom tiên tiến Su-34 từng được sử dụng một cách hạn chế trong chiến dịch Gruzia nhưng phải tới Syria, chúng mới lần đầu tiên được thử nghiệm rộng rãi trong một cuộc chiến thực sự. Nga hiện đã điều 6 máy bay loại này tới Syria.

Một lợi ích của “các bài tập thực tế” là Nga có thể làm hình ảnh, tạo ra những video ấn tượng để tuyên truyền.

Trong bối cảnh hiện nay, Nga đang đạt được những lợi ích này mà không gặp phải quá nhiều rủi ro.

Theo thống kê của phương Tây, Nga đã triển khai tại Syria 2.000 binh sĩ và hàng chục máy bay. Trong khi đó, với chiến dịch năm 2008 tại Gruzia, Kremlin phải điều động tới 9.000 binh sĩ tinh nhuệ và hàng trăm xe tăng.

Với quy mô hiện nay, chiến dịch ở Syria không hơn gì nhiều một cuộc tập trận.


Máy bay ném bom Su-34 tác chiến tại Syria

Máy bay ném bom Su-34 tác chiến tại Syria

Tất nhiên, trong trường hợp lực lượng của chính quyền Assad có nguy cơ thất bại, Nga sẽ đứng trước 2 lựa chọn:

Điều bộ binh tới Syria và trấn an Tổng thống Assad rằng Nga có thể làm nhiều hơn nữa vì đồng minh của mình hoặc xác định đã đến lúc để đàm phán chuyển giao quyền lực.

Theo nhà phân tích Bershidsky, sau những gì đã thể hiện tại Ukraine, Nga có nhiều khả năng sẽ chọn phương án đầu tiên.

Các Tướng lĩnh và quan chức ngành công nghiệp quốc phòng nước này sẽ thúc đẩy chính phủ theo lựa chọn trên bởi: Còn rất nhiều loại vũ khí cần thử nghiệm và các binh sĩ cần có cơ hội thực chiến.

Tuy nhiên, rủi ro từ cuộc xung đột kéo dài, thương vong và những ảnh hưởng tiêu cực về mặt ngoại giao sẽ cao hơn đáng kể so với hiện nay.

Trong khi đó, Bershidsky nhận định, phương án thứ 2 có vẻ "lành" hơn. Nga sẽ giúp Syria kết thúc chiến tranh, có thể coi là thắng lợi cả “trong” lẫn “ngoài”.

Hiện chưa rõ quyết định của chính phủ Nga sẽ như thế nào nhưng nhà phân tích Bershidsky dự đoán, nhiều khả năng là trước cuối năm nay, Nga sẽ phải đưa ra lựa chọn tiếp tục đi đến cùng hay kết thúc cuộc chơi tại Syria.

Không quân Nga tham chiến diệt IS - Những hình ảnh ấn tượng

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại