Xe tăng là loại phương tiện chiến đấu quan trọng trong quân đội hầu hết các nước, có thể tham chiến cả trong tiến công và phòng thủ.
Sở dĩ như vậy là vì xe tăng có những thế mạnh mà các phương tiện khác không có. Các thế mạnh đó tập trung thành 3 nhóm. Đó là hỏa lực mạnh, sức cơ động việt dã cao và khả năng phòng hộ (tự bảo vệ trước vũ khí của đối phương) lớn.
Các đặc trưng cơ bản của 3 thế mạnh trên thể hiện như sau:
- Sức mạnh hoả lực: thể hiện qua số lượng, chất lượng, cỡ nòng của pháo trên xe, bao gồm nhiều thông số như tốc độ bắn nhanh, độ chính xác, tầm bắn xa nhất, tầm bắn gần nhất, sức công phá của đạn...
- Sức cơ động: Là tính năng rất quan trọng quyết định hiệu quả chiến đấu của xe tăng, bao gồm các thông số như tốc độ tối đa, tốc độ chiến đấu trên các địa hình, khả năng vượt vật cản, khả năng vượt dốc, khả năng vượt sông, tầm hoạt động xa nhất, tính việt dã...
- Khả năng phòng hộ: đây là thông số về tính chất tự bảo vệ của xe gồm các yếu tố về số lượng, chất lượng, độ dày, vật liệu, hình dáng và vị trí bố trí của các lớp vật liệu vỏ thép để bảo vệ xe...
Các xe tăng hiện đại ngoài nhiều lớp vỏ thép và các vật liệu tổng hợp còn các phương tiện bảo vệ khác như giáp phản ứng nổ, thiết bị bảo vệ chủ động...
Ngoài ra còn có các phương tiện chống phóng xạ cho trường hợp chiến tranh hạt nhân và hệ thống tuần hoàn, lọc khí chống vũ khí hoá học, sinh học.
Thông thường, các xe tăng được chế tạo nhằm đảm bảo một cách tương đối hài hòa các thế mạnh trên. Tuy nhiên, tùy theo quan điểm sử dụng xe tăng của từng quốc gia, từng giai đoạn người ta có thể ưu tiên phát triển một vài thế mạnh trong 3 thế mạnh đó.
Cũng chính từ sự khác biệt này mà hình thành nên những trường phái khác nhau trong nghiên cứu phát triển, chế tạo xe tăng.
Trên thế giới hiện nay hình thành 2 trường phái chính là: Trường phái xe tăng Liên Xô (mà Nga hiện nay là quốc gia kế tục) và Trường phái xe tăng Phương Tây (trong đó Mỹ giữ vai trò chủ đạo).
Xuất phát từ học thuyết quân sự Xô Viết: “Xây dựng LLVT nhằm mục đích chính là để bảo vệ Tổ quốc, chống lại mọi kẻ thù xâm lược” với chiến trường chủ yếu diễn ra trên chính lãnh thổ của mình (có giai đoạn là cả khối Vác-sa-va).
Do vậy, quan điểm chủ đạo trong Trường phái xe tăng Liên Xô là hết sức chú trọng phát huy sức mạnh hỏa lực, còn hai yếu tố kia có phần xem nhẹ hơn. Họ xác định, trong 3 thế mạnh trên thì duy nhất thế mạnh hỏa lực là chủ động tiêu diệt đối phương nên cần phải ưu tiên.
Để thực hiện điều đó thì một yếu tố mang tính chất quyết định là uy lực của vũ khí chính - khẩu pháo trên tăng, trong đó cỡ nòng pháo giữ vai trò chủ yếu.
Khi tăng cỡ nòng thì tầm bắn sẽ xa hơn, viên đạn sẽ có trọng lượng lớn hơn, sơ tốc lớn hơn và động năng cũng lớn hơn... nên hiệu lực sát thương, phá hủy mục tiêu cũng cao hơn.
Ngoài ra, cỡ nòng pháo lớn cũng tạo điều kiện tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo (đối với các xe tăng hiện đại hiện nay).
Chính vì lẽ đó, khi thiết kế người ta đã sử dụng cỡ pháo lớn nhất có thể để đặt lên xe. Đó là cơ sở lý luận của trường phái này.
Bên cạnh đó, trường phái này còn có cơ sở thực tiễn hết sức sống động - đó là thực tế các trận chiến đấu trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (CTVQVĐ) cũng như các cuộc đụng độ sau đó.
Trong CTVQVĐ, để chống lại những Tập đoàn quân xe tăng hùng hậu của phát-xít Đức (trong đó đa số là xe tăng Panzer III lắp pháo 50mm) người ta bắt buộc phải đưa lên xe tăng những loại vũ khí có cỡ nòng lớn hơn, uy lực mạnh hơn vũ khí của đối phương.
Đó chính là các dòng tăng T34-76 và IS. Với cỡ pháo 76mm, ở giai đoạn đầu của cuộc chiến thì ưu thế của T34-76 rất lớn, song khi quân Đức đưa xe tăng loạt Tiger vào tham chiến đã áp đảo trở lại loại xe này.
Ngay lập tức, phía Liên Xô lắp pháo 85 mm lên để cho ra đời T34-85 mới lấy lại được ưu thế.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi xe tăng M26 của Mỹ đã lắp pháo 90 mm (loại xe này ra đời cuối Thế chiến 2, đã đánh bại T34-85 tại Chiến tranh Triều Tiên) thì LX nghiên cứu phát triển dòng tăng T54 với pháo 100 mm...
Cuộc chạy đua vẫn tiếp tục và cho đến nay, ưu thế về cỡ pháo trên tăng vẫn thuộc về xe tăng của Liên Xô (và hiện nay là của Nga). Cỡ pháo lớn nhất trên xe tăng hiện nay là 125 mm lắp trên T64, T72, T80, T90 và cả Armata-T14 nữa.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS với pháo chính có cỡ nòng 125mm đang được Nga tích cực quảng bá.
Còn cỡ pháo lớn nhất của xe tăng Âu Mỹ hiện nay là 120 mm.
Tất nhiên, sự gia tăng cỡ nòng cũng có giới hạn của nó bởi nó kéo theo rất nhiều hệ lụy như: tăng kích thước của cơ cấu hãm lùi - đẩy lên làm tăng kích thước xe, tăng trọng lượng đạn, giảm cơ số đạn, tốc độ bắn chậm v.v...
Dường như, cỡ nòng 125 mm (phía Nga - Xô) và 120 mm (phía Âu - Mỹ) đã là cỡ nòng tối ưu để lắp trên tăng.
Với Mỹ và đồng minh trên cơ sở chiến lược toàn cầu, quân đội của họ được xây dựng nhằm đủ khả năng can thiệp vào mọi “điểm nóng” trên phạm vi toàn thế giới trong thời gian ngắn nhất.
Vì vậy, họ chú trọng ưu tiên phát triển hải quân và không quân - nhất là ưu tiên phát triển đội tàu sân bay đông đảo và hiện đại.
Bên cạnh đó họ cũng rất chú trọng nghiên cứu phát triển xe tăng vì đó là yếu tố không thể thiếu trong phương thức tác chiến “không- biển- bộ” của họ.
Có lẽ vì phải tính đến những cuộc viễn chinh xa xôi nên ngược lại với trường phái xe tăng Liên Xô, trường phái xe tăng Phương Tây chú trọng nhiều hơn đến sức cơ động (bao gồm cả tiện nghi cho kíp sử dụng) và khả năng phòng hộ.
Chính vì vậy các xe tăng của khối này thường có vỏ giáp dày, trọng lượng lớn, cơ số đạn nhiều... song khả năng cơ động vẫn cao nhờ động cơ công suất lớn.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEP Abrams với pháo chính cỡ nòng 120mm.
Ngoài ra, họ rất coi trọng việc ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào hỗ trợ cho các hoạt động của kíp xe được nhẹ nhàng, thuận tiện hơn.
Chẳng hạn, cùng một thế hệ với nhau, trong khi lái xe T-54 phải gò lưng kéo cần lái với lực kéo 35-40 Kg thì xe M48 đã được điều khiển bằng vô-lăng rất nhẹ nhàng (hình dáng vô lăng xe M48 trông gần giống vô-lăng các xe đua Công thức 1 hiện nay);
Một số xe đời sau còn có hộp số vi sai cho phép 1 băng xích tiến, 1 băng xích lùi để quay tại chỗ với bán kính chỉ bằng ½ chiều rộng thân xe.
Vì những lẽ trên, chỉ cần quan sát một cách sơ lược chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy:
- Xe tăng Liên Xô (Nga) thường có kích thước nhỏ gọn, chiều cao thấp, trọng lượng không lớn lắm song cỡ pháo thường lớn hơn xe tăng Âu Mỹ cùng thế hệ.
- Xe tăng Âu - Mỹ thường có kích thước lớn, hình dáng kềnh càng, trọng lượng cũng lớn, khả năng cơ động rất tốt song cỡ pháo thường nhỏ hơn xe tăng Liên Xô (Nga) cùng thế hệ một chút.
Ví dụ: Xe T54 chỉ cao 2,40m, rộng 3,27 m, nặng 36 tấn nhưng pháo có cỡ nòng 100 mm. Còn xe M48 của Mỹ cao 3,10 m, rộng 3,65 m, nặng 49,60 tấn nhưng pháo chỉ có 90 mm./.
Có tới 3 bạn đọc có câu trả lời gần như hoàn hảo, gồm:
Lê Chí Hiếu (13h29, ngày 16-10-2015):
Có 4 yếu tố cơ bản để dẫn đến nòng pháo chính của Xe tăng Nga thường lớn hơn các xe tăng nước khác:
1.Nhìn về lịch sử: Liên Xô trước đây luôn coi trọng hệ thống hỏa lực mạnh mẻ làm cốt yếu chiến lược.
Điều này ra đời khi Liên Xô phải đối đầu với một lực lượng xe tăng hùng hậu và hiện đại của Đức quốc xã trong thế chiến thứ 2>Nòng pháo trơn và kích thước lớn tạo một ưu thế tốt hơn về hỏa lực khi số lượng ít hơn.
Mặc dù càng tăng kích thước nòng khoảng vị trí cần bố trí trên xe phải lớn hơn, điều này đã được giải quyết ở các xe tăng chủ lực sau này của Nga với khoang kíp thủ cách ly về mặt vật lý với khoang vũ khí, giúp họ có khả năng sống sót cao hơn trên chiến trường.
2.Việc sử dụng xe tăng chủ lực mục tiêu chiến lược của Nga có một số điểm khác với các nước khác : Mong muốn đơn giản, giảm thiểu chi phí,ưu thế tuyệt đối và chuyên dụng đóng vai trò chủ lực trên chiến trường trên bộ.
Việc nòng trơn kích thước lớn cho phép bắn được nhiều loại đạn có độ xoáy xuyên giáp lớn cũng như tên lửa định hướng dẫn đường qua nòng chính, bắn đạn có guốc giảm nòng...
3.Việc sử dụng nòng trơn có chi phí nhỏ, thời hạn dài hơn và dễ bảo hành hơn.Tuy nhiên để đảm bảo không bị thua thiệt về các tính năng khác so với nòng khương tuyến về độ chính xác thì phải vượt trội về tính hỏa lực và dễ dàng đa dụng.Hiện Nay các nước đang sử dụng xe tăng Nga rất nhiều, trong số đó có nhiều nước có khả năng tự bảo hành và phát triển nâng cấp.
4.Nga muốn cho Mỹ và Nato thấy được trình độ nền công nghiệp quốc phòng , trình độ thiết kế vũ khí của mình vượt trội hơn hẳn.Điều này dễ dàng nhận thấy khi Thế giới được diện kiến T14-Amata của Nga, một trong những ưu điểm vượt trội là đã giải quyết hiệu quả vấn đề mạnh hỏa lực và còn mang sự hiện đại và khả năng bảo vệ của xe tăng mà trước nay vẫn được cho là một điểm yếu của xe tăng Nga.
Thi (14h27, ngày 16-10-2015):
Trước hết tôi nhận xét rằng, câu hỏi này vẫn chưa kín kẽ vì 2 lý do:
- 1. Xe tăng có thể phân thành tăng chủ lực (tăng hạng năng); hạng trung và hạng nhẹ. Mỗi loại sẽ có vũ khí chính khác nhau chứ không giống nhau.
- 2. Cứ coi là so tăng chủ lực đi, thì ở mỗi nước lại có trang bị khác nhau. Vấn đề ở giai đoạn nào, trang bị ở nước nào thì quả là quá rộng! TQ cũng có xe tăng chủ lực (Type 99...) sử dụng cỡ nòng như xe tăng Nga->như vậy thì "hàng" của Nga đâu có "to hơn".
Quay trở lại câu hỏi chính, theo tôi có các lý do này:
- Vấn đề lịch sử. Học thuyết chiến tranh LX trước đây (Nga ngày nay) luôn chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực với Phương Tây. Nước Nga vẫn còn dựa và kế thừa rất nhiều các sản phẩm ra đời và chịu ảnh hưởng của học thuyết này.
Cỡ nòng pháo chính tăng chủ lực LX trước kia và Nga hiện nay là 125mm ( T72BM, T90A, T90MS, Armata) luôn > cỡ nòng của tăng phương Tây là 120mm (Như tăng chủ lực Mỹ Abrams, Leopard Đức, Challenger của Anh...) nhằm mục đích duy trì ưu thế hỏa lực của Liên Xô (Nga) trong những trận đấu tăng trực tiếp với Phương Tây, bù lại những thua kém phương Tây về hệ thống điện tử, trinh sát điều khiển và giáp bảo vệ.
- Vấn đề ưu thế hỏa lực và chi phí. Pháo chính trên các xe tăng Nga chỉ là pháo nòng trơn (kém chính xác hơn pháo nòng xoắn trang bị trên các xe tăng phương Tây với cỡ nòng 105 mm (nòng xoắn), 120 mm (cả nòng trơn và xoắn) nhưng tất nhiên là chế tạo, bảo trì rẻ hơn).
Cho nên để đạt được ưu thế hỏa lực so với các xe tăng khác, Nga phải sử dụng pháo cỡ nòng lớn hơn và chắc rằng sẽ không dừng lại ở con số 125mm, mặc dù các điểm yếu ở trên đã dần được khắc phục.
- Vấn đề kinh tế và độc quyền. Vũ khí không phải là thứ hàng dễ làm mới và phải được thử nghiệm thực tế trong thời gian dài,ngay cả với Mỹ. Pháo chính 125mm rõ ràng Nga có nhiều kinh nghiệm vô giá. Mà mua xe tăng là phải mua thêm đạn dược.
Đến Ấn độ nhập xe tăng chủ lực của Nga và ... vẫn phải lụy Nga về đạn dược.... Con bài "độc" rõ ràng là ra "tiền" rồi!
Bổ sung phụ lục các xe tăng hạng nặng hiện nay:
(Tên xe / Nước sx / Trọng lượng (tấn) / Pháo chính / Vũ khí phụ / Giáp / Động cơ / Tốc độ tối đa)
Oplot-M / Ukraine / 51 tấn / pháo chính cỡ nòng 125mm nòng trơn / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / giáp mới tốt hơn kết hợp giáp cảm ứng nổ Nozh-2 / 1200 mã lực / 70km/h;
T-90 / Nga / 46,5 tấn / pháo chính cỡ nòng 125mm nòng trơn / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / giáp hàn composite kết hợp giáp cảm ứng nổ Kontakt-5, hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1 / 1000 mã lực / 71km/h;
Leclerc / Pháp / 54,6 tấn / pháo chính cỡ nòng 120mm / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / Giáp hỗn hợp kết hợp thép, gốm và giáp Kevlar / 1500 mã lực / 71km/h;
TK-X Type-10 / Nhật / 44 tấn / pháo chính cỡ nòng 120mm / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / giáp nano tinh thể thép kết hợp gốm và giáp composite / 1200 mã lực / 70km/h;
K2 Black Panther / Hàn Quốc / 55 tấn / pháo chính cỡ nòng 120mm / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / Giáp modun hỗn hợp, giáp cảm ứng nổ / 1500 mã lực / 70km/h;
Arjun Mk II / Ấn Độ / 59-64 tấn / pháo chính cỡ nòng 120mm / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / Giáp modun hỗn hợp, giáp cảm ứng nổ / 1500 mã lực / 70km/h;
Merkava-4 / Israel / 65 tấn / pháo chính cỡ nòng 120mm / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / Giáp hỗn hợp, hệ thống phòng vệ chủ động Trophy / 1500 mã lực / 60km/h;
Type-99 / Trung Quốc / 54 tấn / pháo chính cỡ nòng 125mm nòng trơn / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / Giáp modun kết hợp giáp cảm ứng nổ / 1500 mã lực / 80km/h;
Leopard-2A7 / Đức / 67,5 tấn / pháo chính cỡ nòng 120mm / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / Giáp modun hỗn hợp / 1500 mã lực / 72km/h;
M1A2 Abrams / Mỹ / 62,5 tấn / Pháo chính cỡ nòng 120mm/105mm / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / Giáp phức hợp Chobham, giáp Uranium nghèo, Kelva / 1500 mã lực / 67km/h;
Armata (chưa trang bị đại trà) / Nga / ~50 tấn / Pháo chính cỡ nòng 125mm nòng trơn / Súng máy 7,62mm, đại liên 12,7mm / Giáp hỗn hợp, hệ thông phòng vệ chủ động Afghanit / 1500 mã lực / 80km/h.
Đoàn Thanh Trung (10h59, ngày 18-10-2015 · Quảng Ngãi)
Các xe tăng chủ lực của các nước trên thế giới đều chủ yếu sử dụng pháo nòng trơn 120mm đến 125mm với kỳ vọng tăng cường hoả lực mạnh mẽ, cải tiến nhân rộng độ sâm nhập cho đạn.
Sử dụng pháo nòng trơn sẽ gia tăng động năng cho đạn qua đó cải thiện độ xuyên giáp. Quả đạn bắn ra từ pháo nòng trơn sẽ không "thật căng", quĩ đạo đường đạn sẽ "không thật ổn định" do đó thiếu chính xác hơn so với quả đạn bắn ra từ pháo nòng khương tuyến.
Nhưng đổi lại, chế tạo pháo nòng trơn sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với nòng pháo khương tuyến và pháo nòng trơn luôn có tuổi thọ cao hơn.
Có hai cách để gia tăng động năng cho đạn qua đó tăng khả năng xuyên giáp, đó là nối dài nòng pháo hoặc tăng kích cỡ cho pháo.
Cần lưu ý rằng để tăng kích cỡ nòng pháo từ 120mm lên 140mm thì theo lý thuyết thể tích buồng đạn trong tháp xe phải giảm đi gần một nửa. Đây chính là nhan đề lớn nhất trong khâu thiết kế.
Cỡ nòng pháo chính của một số dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện có trên TG:
Leclerc Pháp cỡ nòng 120mm
Oplot-M Ukraine cỡ nòng 125mm nòng trơn
TK-X Type-10 Nhật cỡ nòng 120mm
K2 Black Panther Hàn Quốc 55 tấn PC cỡ nòng 120mm
Arjun Mk II Ấn độ cỡ nòng 120mm
Merkava-4 Israel cỡ nòng 120mm
Type-99 Trung Quốc cỡ nòng 125mm
Leopard -2A7 Đức cỡ nòng 120mm
M1A2 Abrams Mỹ cỡ nòng 120mm/105mm
- Học thuyết chiến tranh LX trước đây (Nga ngày nay) luôn chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực với Phương Tây. Nước Nga vẫn còn dựa và kế thừa rất nhiều các sản phẩm ra đời và chịu ảnh hưởng của học thuyết này.
Cỡ nòng pháo chính tăng chủ lực LX trước kia và Nga hiện nay là 125mm ( T72BM, T90A, T90MS, Armata) luôn > cỡ nòng của tăng phương Tây là 120mm (Như tăng chủ lực Mỹ Abrams, Leopard Đức, Challenger của Anh...) nhằm mục đích duy trì ưu thế hỏa lực của Liên Xô (Nga) trong những trận đấu tăng trực tiếp với Phương Tây, bù lại những thua kém phương Tây về hệ thống điện tử, trinh sát điều khiển và giáp bảo vệ.
- Vấn đề ưu thế hỏa lực và chi phí. Pháo chính trên các xe tăng Nga chỉ là pháo nòng trơn (kém chính xác hơn pháo nòng xoắn trang bị trên các xe tăng phương Tây với cỡ nòng 105 mm (nòng xoắn), 120 mm (cả nòng trơn và xoắn) nhưng tất nhiên là chế tạo, bảo trì rẻ hơn) cho nên để đạt được ưu thế hỏa lực so với các xe tăng khác, Nga phải sử dụng pháo cỡ nòng lớn hơn và chắc rằng sẽ không dừng lại ở con số 125mm, mặc dù các điểm yếu ở trên đã dần được khắc phục.
- Vấn đề kinh tế và độc quyền. Vũ khí không phải là thứ hàng dễ làm mới và phải được thử nghiệm thực tế trong thời gian dài,ngay cả với Mỹ. Pháo chính 125mm rõ ràng Nga có nhiều kinh nghiệm vô giá.
Các loại xe tank Liên Xô - Nga hiện nay đều dùng pháo nòng trơn 125mm bắt đầu từ chiếc T64A .quá trình phát triễn mẫu này bắt đầu từ năm 1951 đến 1956 sau thời gian thiết kế cho ra nguyên mẫu ban đầu Obyekt430 với pháo cỡ nòng 100mm.
Nó tiếp tục được cải tiến với pháo 120mm và tiếp đó là mẫu Obyekt432 với pháo nòng trên 115mm ,ngay khi được chế tạo 1mẫu obyekt 434(tankT64A) lại được âm thầm thiết kế với mục đính tạo ra 1 loại xe tank có hoả lực vượt trội so với các loại tank cùng thời vì vậy nó được lắp đặt pháo 125mm D81T một cải tiến cũ 115mm trên T62.
Phiên bản nòng trơn này cho phép bắn nhiều loại vũ khí khắc nhau bao gồm cả tên lửa chống tank qua nòng. Với hệ thống vũ khí vượt trội như vậy nên nó được lắp đặt trên nhiều loại tank của Nga như T62a,T80,T84 T90 và có thể trên cả T14 armanta nên được xem là tiêu chuẩn pháo trên xe tank quân đội Nga.
Sau khi cân nhắc kỹ các đáp án trên, qua thảo luận Nhóm chuyên gia chưa thống nhất được đáp án nào xuất sắc nhất nên đã bỏ phiếu kín. Kết quả thật bất ngờ như sau: Bạn Lê Chí Hiếu được 2/5 phiếu, bạn Thi được 2/5 phiếu và bạn Đoàn Thanh Trung được 1/5 phiếu.
Như vậy, có 2 bạn Lê Chí Hiếu và bạn Thi cùng được 2 phiếu. Để công bằng, Nhóm chuyên gia Quân sự quyết định trưng cầu ý kiến bầu chọn của các bạn về ai trong số 2 bạn trên xứng đáng hơn.
Kết quả phiếu bầu hợp lệ của bạn đọc tính đến hết 13h30 ngày 20/10/2015 như sau: Bạn Lê Chí Hiếu được 4 phiếu, và bạn Thi được 6 phiếu. Xin chúc mừng bạn Thi đã được trao giải.
Như vậy, rất may chúng tôi chưa phải dùng đến giải pháp cuối cùng là bốc thăm may rủi. Qua đây cũng xin cảm ơn các bạn đọc Lifecare và biaanh đã bổ sung thêm một số thông tin bổ ích.
Trân trọng.