Nga "khôn ngoan" khi không đưa Mig-31 đối mặt với F-22 tại Syria

Gia Huy |

Gần đây, trên các trang mạng, diễn đàn quân sự quốc tế xuất hiện nhiều thông tin về việc Syria đã sở hữu ít nhất 6 máy bay Mig-31 hoặc Nga đã triển khai dòng tiêm kích này tại đây.

Tuy nhiên, hầu hết các nguồn tin trên đều không đưa ra các chứng cứ xác thực hoặc giải thích tại sao Mig-31 - dòng tiêm kích đánh chặn chuyên săn máy bay ném bom, máy bay trinh sát tầm xa, lại cần đến Syria, nơi vốn không có “mục tiêu ngon ăn” của dòng máy bay này?

Thực tế, cả Không quân Syria và lực lượng quân sự Nga đang tham chiến ở quốc gia Cận Đông này đã có phương tiện gồm máy bay, vũ khí hàng không đủ để chống lại phong trào Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà không phải cần đến Mig-31.

Thiết kế dành cho chiến tranh tổng lực

Đầu tiên, chúng ta phải xác định rõ Mig-31 là dòng máy bay đánh chặn tầm xa đơn nhiệm được thiết kế chuyên biệt cho các quốc gia có lãnh thổ rộng lớn như Liên bang Xô - Viết (nay là Nga).

Yếu tố này được thể hiện rõ ở đặc điểm kỹ thuật của nó là tốc độ cao tới Mach 2.83 (khi bay ở độ cao lớn), nhanh hơn nhiều so với bất kỳ dòng máy bay tiêm kích nào hiện có trên thế giới.

Radar mảng pha quét cơ khí cực mạnh Zaslon S-800 với tầm quét tới hàng trăm km giúp tối ưu hóa sức mạnh về tốc độ và vũ khí mà MiG-31 được trang bị.

Dòng radar này cho phép Mig-31 phát hiện các mục tiêu cỡ máy bay ném bom, trinh sát cỡ lớn ở khoảng cách 200km. Theo dõi cùng lúc 24 mục tiêu và dẫn bắn vào 6 mục tiêu.

Mig-31 là một điển hình của hình thái chiến tranh tổng lực, được phân cấp nhiệm vụ và phân tuyến rõ ràng.

Trong tác chiến, nhiệm vụ chính của Mig-31 chính là săn tìm các phương tiện bay cỡ lớn, tầm xa của đối phương như: Máy bay ném bom chiến lược, máy bay trinh sát, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy (AWACS) hay tên lửa hành trình…

Điều này được lý giải ở các loại tên lửa tầm xa (ngoài tầm nhìn) dẫn bắn bằng radar như R-37 (diệt mục tiêu ở cự ly tới 200km) hoặc siêu xa như R-172 (diệt mục tiêu ở cự ly tới 300-400km)… luôn "cặp kè" với MiG-31 như hình với bóng.


MiG-31 luôn mang theo tên lửa không đối không tầm xa.

MiG-31 luôn mang theo tên lửa không đối không tầm xa.

Vũ khí dùng trong không chiến quần vòng là pháo 23mm và tên lửa tầm nhiệt R-73. Thiết kế cánh dạng tam giác của Mig-31 rất phù hợp với khả năng tấn công ở tốc độ cao, nhưng máy bay lại kém linh động ở tốc độ thấp.

Trong chiến đấu, bằng tốc độ vượt trội và radar công suất lớn, Mig-31 sẽ nhanh chóng phát hiện và truy đuổi các nhóm máy bay ném bom, trinh sát của đối phương; bắn tên lửa và nhanh chóng thoát ly. Nhiệm vụ săn tìm và tiêu diệt máy bay chiến thuật chỉ là thứ yếu.

Dải nhiệm vụ này là dành cho các dòng máy bay tiêm kích tiền duyên họ nhà Su-27 và tiêm kích đánh chặn điểm Mig-29.

Nếu ở thời chiến, khi vòng đời của sản phẩm chỉ có thể tính bằng trận đánh, hiệu quả tác chiến của Mig-31 có thể coi là phủ hợp.

Nhưng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khả năng xảy ra chiến tranh tổng lực không còn, việc duy trì dòng máy bay tiêm kích đơn nhiệm trở nên nặng nề và dần được thay thế bằng các dòng tiêm kích đa nhiệm.

Su-30SM là một ví dụ cho điều này khi gia đình máy bay Su-27 ban đầu được thiết kế cho nhiệm vụ tiêm kích tiền tuyến đơn nhiệm, giành ưu thế trên không đã “tiến hóa” thành Su-30SM đa nhiệm (có thiên nhiệm vụ tiêm kích phòng không).


Biên đội máy bay MiG-31 của Không quân Nga thực hiện huấn luyện trên không.

Biên đội máy bay MiG-31 của Không quân Nga thực hiện huấn luyện trên không.

Giết gà có cần dùng dao mổ trâu?

Với các yếu tố kỹ thuật đã nêu ở trên, có thể thấy rõ Syria không phải là đất diễn của Mig-31.

Bản thân MiG-31 không cần thiết tham gia nhiệm vụ chế áp phòng không hoặc tiến công mặt đất dù trên thực tế, qua nâng cấp, như biến thể MiG-31BM đã trở nên đa năng hơn.

Hiện nay, các máy bay cường kích Su-24 và Su-25 đang tàm tốt nhiệm vụ được giao, diệt nhiều mục tiêu mặt đất của IS.

Tại Syria, Mig-31 chỉ có thể dùng sở đoản của mình để phát hiện và ngăn chặn “máy bay lạ” xâm nhập không phận quốc gia Cận Đông này hoặc hộ tống các đơn vị máy bay cường kích tấn công các vị trí của IS.

"Đối thủ” của Mig-31 sẽ chỉ là các dòng tiêm kích F-15, F-16 và thậm chí là F-22. Vì thế, ở trường hợp này, Mig-31 không phải là lựa chọn khôn ngoan của Nga.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Mig-31 không thể làm tốt hơn, với chi phí rẻ hơn như dòng máy bay Su-30SM mà Nga đang sử dụng tại Syria.

Với thiết kế đa nhiệm, dải thực hiện nhiệm vụ rộng, các máy bay chiến đấu Su-30SM chính đã lấp đầy “khoảng trống chiến thuật” ở Syria.

Su-30 bình thường có thể thực hiện nhiệm vụ tiêm kích phòng không cấp chiến dịch, chiến thuật. Khi cần, nó cũng có thể mang vũ khí chính xác như tên lửa, bom có hoặc không có điều khiển, rocket để tấn công mặt đất.

Điều quan trọng hơn nữa là chi phí hoạt động của Su-30SM chắc chắn thấp hơn nhiều so với dòng máy bay chuyên dụng như Mig-31. Nếu triển khai MiG-31 tại Syria, Không quân Nga sẽ phải rất vất vả để phục vụ chúng.

Mặt khác, tại Syria, cái Nga cần là để thử nghiệm và quảng cáo công nghệ vũ khí mới, nên Mig-31, dòng máy bay chuyên dụng thế hệ cũ, lại càng không thể “cạnh tranh” được với Su-30SM.

Sau màn trình diễn chói sáng của Su-30SM khi đối mặt và khiến các phi công bay trên máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ - NATO hay Israel phải kiềng nể, dường như mục đích quảng cáo đã đạt và vượt mong đợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại