Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa Nga lo Ukraine bán công nghệ

Anh Trần |

(Soha.vn) - Tên lửa R-36M2, "quái vật" huyền thoại của thời Chiến tranh lạnh, là đòn báo thù kinh hoàng nhất cho bất cứ kẻ nào muốn hướng bom đạn vào lãnh thổ Liên Xô.

Ngày 7/4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã xuất hiện một số thông tin truyền thông về các cuộc đàm phán giữa công ty Ukraine "Yuzhmash” (ở Dnepropetrovsk) với đại diện một số nước để bán công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) R-36M2 Voyevoda.

Động thái này của Ukraine khiến Nga vô cùng lo ngại, Moscow đã lên tiếng yêu cầu Kiev phải tuân thủ luật quốc tế về cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, không bán công nghệ tên lửa đạn đạo cho những nước thứ ba.

"Chúng tôi cho rằng bất chấp tình hình chính trị nội bộ khó khăn ở Ukraine, việc không có một chính quyền hợp pháp có chủ quyền, các nhà lãnh đạo hiện nay của Ukraine sẽ có trách nhiệm tương ứng, hoàn toàn tuân thủ các trách nhiệm theo quy định của Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) và Quy tắc ứng xử La Haye (PCC), đồng thời kiềm chế trước những bước đi có thể hủy hoại cơ chế cấm phổ biến Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD)", RIA Novosti dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Vậy loại tên lửa đạn đạo R-36M2 có sức mạnh khủng khiếp tới mức nào mà khiến Nga lo ngại như vậy?

Sự ra đời của "Ác quỷ"

Tên lửa xuyên lục địa R-36M2 Voyevoda

Tên lửa liên lục địa R-36M2 Voyevoda

Sau khi trở thành vị Tổng thống thứ 40 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Ronald Reagan ban hành công khai các chính sách cứng rắn nhằm đối đầu với Liên Xô, trong đó ưu tiên phát triển một tiềm lực quân sự mạnh mẽ.

Cuộc chạy đua vũ trang tổng lực Đông-Tây được đẩy lên cao trào vào tháng 3/1983, Reagan giới thiệu Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI ) hay còn gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao”, một dự án quốc phòng sẽ sử dụng các hệ thống có căn cứ trên không gian và mặt đất để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân liên lục địa chiến lược và không loại trừ sẽ được phát triển thêm khả năng tấn công từ ngoài vũ trụ.

Liên Xô ngay lập tức phải có phản ứng với kế hoạch này, thế cân bằng chiến lược đang có nguy cơ lệch về phía đối thủ. Ngày 9/8/1983, Hội đồng bộ trưởng Liên Xô ra quyết định phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới, to lớn nhất, mạnh mẽ nhất, có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện tại - tương lai và hủy diệt đối phương. Đây sẽ là đòn báo thù kinh hoàng nhất cho bất cứ kẻ nào muốn hướng bom đạn vào lãnh thổ Liên Xô. Và rồi, một trong những "quái vật" huyền thoại của thời Chiến tranh Lạnh đã ra đời, đó là ICBM R-36M2 Voyevoda/SS-18 Satan.

Uy lực tương đương 1.500 quả bom nguyên tử

R-36M2 (ký hiệu của Tổng cục Pháo binh-Tên lửa quân đội Liên Xô/Nga (GRAU): 15A18M, ký hiệu trong Hiệp ước START: RS-20V), thực ra là một bản nâng cấp từ dòng tên lửa vốn đã rất ”khét tiếng” R-36M và xa hơn nữa là từ thiết kế nguyên bản R36 mà bắt đầu được triển khai từ năm cuối những năm 60. Đó là những thiết kế đã làm nên tên tuổi cho OKB 586 và vị tổng công trình sư đầu tiên Mikhail Kuzmich Yangel .

Như vậy, tuy không phải là một hệ thống tên lửa hoàn toàn mới nhưng R-36M2 đã được cải tiến rất sâu và hoàn thiện hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm. Cần biết rằng so với R36, R-36M đã tăng 3 lần về độ chính xác, 4 lần về khả năng sẵn sàng chiến đấu, 1,4 lần về năng lượng, 15-30 về khả năng sống sót, tối ưu hóa khối lượng thiết bị phóng lên 2,4 lần, thời gian khai thác tăng lên 1,4 lần.

So với R-36MU (15A18), cũng là một bản nâng cấp từ R-36M, R-36M2 vượt 1,3 lần về năng chính xác, giảm 2 lần thời gian sẵn sàng chiến đấu, tăng thời gian trực chiến lên 3 lần, tăng sức tên lửa mạnh lên 12%, năng lực của đầu đạn cũng được tăng lên. R-36M2 đã bước lên đẳng cấp của tên lửa thế hệ 4. Những biến thể R-36M đều được NATO gọi chung là SS-18 Satan một phần vì màu sơn đen một phần để ám chỉ sức hủy diệt kinh hoàng của chúng, tựa như con ác quỷ đáng sợ nhất theo Kinh Thánh. R-36M2, tất nhiên là con quỷ Satan mạnh nhất và cuối cùng còn “sống” cho đến ngày nay. Còn về “nick name” Nga: Voyevoda của loại ICBM siêu nặng này, đây là một từ bắt nguồn từ tiếng Slavic cổ, có nghĩa như người thống lĩnh hay chiến binh cầm đầu một đạo quân.

ICBM uy lực nhất thế giới được phóng từ một địa điểm bí mật. Có thể quan sát thấy bộ phận phóng lạnh được tác ra, động cơ thực sự của tên lửa khai hỏa.

Tên lửa R-36M2 trong một cuộc thử nghiệm

ICBM R-36M2 có chiều dài 34.3m, đường kính 3m, tổng trọng lượng 211 tấn trong đó khoảng 188 tấn nhiên liệu lỏng dinitrogen tetroxide (N2O4) và heptyl (UDMH). Đây chính là tên lửa chiến đấu lớn nhất trong lịch sử.

Thừa hưởng đặc điểm của họ R-36M, tên lửa được thiết kế với hai tầng đẩy chính. Tầng đầu tiên gồm bốn động cơ RD-0273 cung cấp lực đẩy tuyệt đối 504,9 tấn. Việc điều chỉnh quỹ đạo bay ở giai đoạn này được thực nhiện bằng cách thay đổi hướng của loa phụt động cơ. Các loa phụt này được chế tạo đặc biệt để có thể chỉnh lệch đi 7 độ về mọi phía so với trục thẳng đứng của nó. Đó là những động cơ vector 3 chiều khổng lồ.

Sự cải tiến trong hệ thống động lực của tên lửa R-36M2 bắt đầu được thể hiện rõ ở tầng thứ hai. Ở tầng này sử dụng động cơ chính duy nhất RD-0255/0256 sức đẩy 83,5 tấn, được cải tiến thu gọn và gắn liền với thùng nhiên liệu, thiết kế này trước đây chỉ có trong những tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm. Điều này cho phép tạo ra một thể tích rỗng lớn hơn để có thể tăng lượng nhiên liệu mang theo hoặc phát triển thêm các hợp phần mới cho tên lửa. Ngoài ra còn có 4 động cơ phụ dung để điều chỉnh chính xác quỹ đạo RD-0257.

Sự khác biệt lớn nhất của R-36M2 là nó có thêm “tầng đẩy thứ 3” gắn trên các đầu đạn hạt nhân. Động cơ RD-869 được phát triển riêng cho “tầng” này, nó sẽ giúp tăng vận tốc tấn công vốn đã khủng khiếp của các đầu đạn lên cao hơn nữa, đồng thời đảm bảo độ linh hoạt và chính xác của chúng khi tiếp cận mục tiêu. Chịu trách nhiệm cho hệ thống động lực là Trung tâm thiết kế động lực Energomash ở Khimki gần Moscow và cục thiết kế Khimavtomatiki có trụ sở tại Voronezh.

Khối lượng phần chiến đấu được thiết kế tới 8,8 tấn, vì vậy ICBM có thể mang theo một hoặc nhiều đầu đạn cực mạnh. Với một đầu đạn, đó sẽ là loại 15F178 - đầu đạn uy lực nhất trong kho vũ khí Xô Viết có đương lượng nổ 20-25 MT, sức mạnh này có thể so sánh với 1.500 quả bom nguyên tử Little Boy (loại bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản). Tầm bắn tối đa của tên lửa đạt khoảng 16.000 km.

Ở các cấu hình khác, R-36M2 có thể mang 10 đầu đạn không điều khiển 15F173, mỗi đầu đạn có đương lượng nổ 0.8 MT hoặc 10 đầu đạn hỗn hợp, gồm 6 đầu đạn không điều khiển và 4 đầu đạn trang bị bộ dẫn đường. Bộ dẫn có đầu đạn được phát triển bởi cục thiết kế Arsenal, St Petersburg. 10 đầu đạn sẽ được xếp thành hai tầng trong phần chiến đấu của tên lửa. Thực ra, Voyevoda có thể mang 20, thậm chí là 36 đầu đạn như vậy nhưng những hiệp ước START đã ngăn việc đó lại. Bù lại, người Nga tăng số lượng đầu đạn giả trong mỗi tên lửa. Mang 10 đầu đạn khiến bán kính chiến đấu của tên lửa ngắn đi, còn khoảng 11.000 km…

Công việc xác định, tinh chỉnh cho quỹ đạo của tên lửa cũng như các đầu đạn có thể hoàn toàn độc lập nhờ bộ dẫn đường quán tính và hệ thống máy tính tinh vi. Thiết kế này đảm bảo cho sự miễn nhiễm với các biện pháp áp chế điện tử thường dùng để phá hoại liên lạc giữa tên lửa với trung tâm mặt đất hay các bộ phận tình báo, hướng dẫn từ xa, điều quan trọng là R-36M2 đủ lớn để tích hợp một hệ thống dẫn đường tinh vi độc lập. Kết quả tên lửa có sai số CEP từ 250-500m.

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại