Tiềm lực công nghệ tên lửa đạn đạo của Ukraine mạnh đến đâu?

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Việc Ukraine phổ biến công nghệ vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) cho một số quốc gia có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với thế giới.

Ukraine đang lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sau những biến động chính trị diễn ra vào tháng 02/2014. Trong cảnh túng quẫn, Ukraine đang có kế hoạch bán công nghệ tên lửa đạn đạo ra nước ngoài để mong cứu vãn nền kinh tế đang kiệt quệ của mình. Vậy tiềm lực công nghệ tên lửa đạn đạo của Ukraine mạnh đến đâu, liệu những công nghệ mà họ có thể bán đi sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến tình hình thế giới?

Ukraine trước đây là một phần của Liên bang Xô Viết, Kiev là thành phần rất quan trọng nắm giữ đến 30% nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô. Khi tuyên bố độc lập, Ukraine nắm giữ đơn vị tên lửa chiến lược số 43 được trang bị 220 tên lửa đạn đạo liên lục địa trong đó có 130 ICBM R-36 (SS-18 Satan tầm bắn 16.000km), 46 ICBM RT-23 (SS-24 tầm bắn 10.000km), 25 máy bay ném bom chiến lược cánh quạt Tu-95MS, 19 máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160, 1.080 tên lửa hành trình tầm xa cùng 1.900 đầu đạn hạt nhân.

Ukraine là nơi sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng sợ nhất thế giới R-36 tầm bắn 16.000km.

Ukraine là nơi sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng sợ nhất thế giới R-36 với tầm bắn 16.000km.

Mặc dù số tên lửa này cùng vũ khí hạt nhân sau đó đã bị phá hủy theo chính sách phi hạt nhân của Kiev, song họ còn nắm giữ một thứ khác quan trọng hơn, đó chính là công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Hiệp hội khoa học sản xuất Yuzhnoye (PA Yuzhmash ngày nay) là cơ sở nghiên cứu và sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất của Liên Xô trước kia. Yuzhnoye thuộc quyền quản lý của Ukraine, là một trong những cơ sở hiếm hoi trên thế giới đủ khả năng thiết kế và sản xuất những tên lửa đạn đạo liên lục địa đẳng cấp sau khi Liên Xô tan rã.

Yuzhnoye là nơi sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên của Liên Xô R-5M. Đây cũng là nơi sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung R-12 Dvina, tên lửa đạn đạo liên lục địa R-16 và MR-UR-100 Sotka (SS-17 Spanker). Đặc biệt, Yuzhnoye còn là nơi sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng sợ nhất thế giới R-36 (SS-18 Satan) với tầm bắn lên đến 16.000km, đây cũng chính là tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay.

Khi còn thuộc Liên Xô, nhà máy có khả năng sản xuất lên đến 120 tên lửa đạn đạo liên lục địa mỗi năm. Cuối những năm 1980 trước khi Liên Xô sụp đổ, nhà máy này cũng được lựa chọn để sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa di động RT-2UTTKh Topol-M (SS-27 Sickle B).

Topol-M tên lửa đạn đạo liên lục địa di động không có đối thủ của Nga trước đây cũng do Ukraine sản xuất.

Topol-M tên lửa đạn đạo liên lục địa di động không có đối thủ của Liên Xô trước đây cũng do Ukraine sản xuất.

Sau khi Liên Xô tan rã, Yuzhnoye là cơ sở sản xuất chính và thực hiện công tác bảo trì, kéo dài tuổi thọ cho các tên lửa đạn đạo liên lục địa R-36 của Nga. Nền công nghiệp tên lửa nói riêng và công nghiệp quốc phòng của Ukraine nói chung đã phải chịu nhiều tổn thất lớn trong cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ.

Cuộc khủng hoảng đã dẫn đến sự suy giảm về năng lực thiết kế và gây ra tình trạng xuống cấp của các cơ sở sản xuất, bên cạnh đó còn có hiện tượng “chảy máu chất xám” khi nhiều kỹ sư và cán bộ kỹ thuật bậc cao về công nghệ tên lửa chuyển sang làm việc cho nước ngoài.

Mặc dù Ukraine đã cố gắng tham gia vào một số dự án hợp tác với phương Tây nhưng không thu được nhiều thành công. Nga vẫn là đối tác chính và cũng là nguồn lực duy nhất để tài trợ cho một số doanh nghiệp chuyên về công nghệ tên lửa của nước này .

Ukraine là một thành phần quan trọng đối với ngành công nghiệp tên lửa và không gian vũ trụ của Liên Xô, kết quả là họ được thừa hưởng một số lĩnh vực thuộc hàng đứng đầu thế giới như công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tuy vậy, mặc dù tiềm năng của công nghiệp tên lửa Ukraine là rất lớn nhưng họ lại thiếu những cơ sở cần thiết để phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa cho riêng mình.

Dự án tên lửa đạn đạo chiến thuật đa năng Sapsan đang phát triển của Ukraine.
Dự án tên lửa đạn đạo chiến thuật đa năng Sapsan đang phát triển của Ukraine.

Ngành công nghiệp tên lửa của Ukraine ví như một anh chàng vô tình được thừa hưởng một đống tài sản khổng lồ từ cha mẹ mà chưa biết phải làm gì. Trên thực tế, nó đã trải qua một thời gian gần như ngưng hoạt động trong những năm đầu sau khi giành độc lập, tuy vậy tiềm năng sản xuất tên lửa đạn đạo của Kiev vẫn còn rất lớn.

Tháng 06/1997, Thư ký hội đồng an ninh quốc gia Ukraine Volodymyr Horbulyn khẳng định rằng, Ukraine nắm quyền sản xuất và triển khai các tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (khoảng 500 km) nếu an ninh quốc gia bị đe dọa.

Từ năm 2005, các quan chức cùng một số cơ sở công nghiệp quốc phòng đã nỗ lực thiết kế và sản xuất một tên lửa hành trình và một tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể xuất khẩu nhằm mục đích thu ngoại tệ, phục vụ cho việc phát triển công nghệ tên lửa của riêng mình.

Bên cạnh việc nắm giữ nhiều công nghệ quan trọng liên quan đến tên lửa đạn đạo liên lục địa, Ukraine còn sở hữu công nghệ sản xuất các tên lửa đẩy sử dụng cho nhiệm vụ phóng vệ tinh nhân tạo như tên lửa đẩy Tsyklon và Zenit. Ukraine cũng đang tiến hành một dự án hợp tác cùng với Nga nhằm chuyển đổi một số tên lửa R-36M sang mục đích phóng vệ tinh.

Tuy vậy, khả năng tài trợ cho các dự án về công nghệ tên lửa của Ukraine là rất thấp nên họ phải phụ thuộc vào hợp tác với nước ngoài. Trước khi xảy ra biến cố chính trị, Ukraine đang theo đuổi các dự án về công nghệ tên lửa như sau: Dự án Sea Launch hợp tác cùng với Nga-Mỹ, Dự án Kosmotras hợp tác cùng với Nga để chuyển đổi tên lửa R-36 sang nhiệm vụ phóng vệ tinh, Dự án không gian Alcantara Tsyklon hợp tác cùng với Brazil, Dự án tên lửa đạn đạo chiến thuật đa năng Sapsan cung cấp cho quân đội Ukraine và xuất khẩu.

Nga hiện vẫn là đối tác quan trọng nhất của ngành công nghiệp tên lửa Ukraine bởi Kiev là một phần của ngành công nghiệp tên lửa Liên Xô trước đây, họ không phải là một nền công nghiệp khép kín nhưng lại không thể tự cung cấp nên chủ yếu phải dựa vào hợp tác với Nga.

Với Nga, họ cũng bắt buộc phải hợp tác với Ukraine trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, nhiều loại tên lửa chiến lược của Nga như R-36 được sản xuất tại những nhà máy nằm trên đất Ukraine, Nga cần đến Ukraine trong việc duy trì hoạt động và nâng cấp một số vũ khí chiến lược của nước này. Tuy nhiên, gần đây, Nga đã bắt đầu có những động thái để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Ukraine trong lĩnh vực công nghệ tên lửa.

Ukraine cũng đã từng ngỏ ý sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản và Mỹ về công nghệ tên lửa dân sự cũng như cung cấp các thành phần cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo NMD của Mỹ.

Với tiềm lực rất lớn về công nghệ tên lửa đạn đạo của mình, việc Ukraine tỏ ý sẵn sàng xuất khẩu công nghệ cho khác nước khác hiển nhiên sẽ gây ra nhiều mối quan ngại. Đại sứ Mỹ tại Ukraine Carlos Pascual đã phải tuyên bố: “Ukraine sở hữu một số công nghệ khởi động không gian tốt nhất thế giới, Ukraine cần phải hiểu rằng việc phổ biến công nghệ vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) cho một số quốc gia có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với thế giới”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại