Từ những năm 1960, các nhà thiết kế vũ khí Liên Xô đã nhận thấy rằng việc phát triển các tên lửa hành trình cận âm cho hiệu quả, tiết kiệm chi phí hơn so với tên lửa hành trình tốc độ siêu âm. Phòng thiết kế tên lửa Raduga đã phát triển một tên lửa hành trình tốc độ cận âm mới vào đầu những năm 1970.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên được thực hiện vào năm 1976, tên lửa được chỉ định Kh-55 (NATO định danh AS-15 Kent). Cùng thời điểm đó, việc Mỹ đưa vào sử dụng tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86 ALCM đã làm tạo thêm động lực cho các nhà thiết kế Liên Xô hoàn thành tên lửa Kh-55.
Kh-55 có chiều dài 8,09 mét, đường kính 0,51 mét, sải cánh 3,1 mét, trọng lượng phóng 1,7 tấn, tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân 200Kt hoặc đầu đạn thông thường nặng 410kg. Kh-55 được trang bị động cơ phản lực cánh quạt R95-300 được đánh giá là một kiệt tác công nghệ của Liên Xô trong việc chế tạo động cơ phản lực siêu nhỏ.
Động cơ được thiết kế bên dưới thân tên lửa, động cơ này có thể hoạt động ở cả độ cao lớn và độ cao thấp. Thân tên lửa có 2 cánh ổn định ngang sẽ được bung ra sau khi phóng, đuôi tên lửa có 2 cánh lái nhỏ cùng một cánh đuôi đứng.
Kh-55 được dẫn hướng kết hợp dẫn hướng quán tính, men theo địa hình sử dụng radar và hình ảnh về mục tiêu được lưu trữ trong bộ nhớ của tên lửa. Giải pháp dẫn hướng này cho phép tên lửa có độ chính xác tương đối cao, bán kính lệch mục tiêu CEP của Kh-55 khoảng 15 mét.
Biến thể tiêu chuẩn Kh-55 được đưa vào phục vụ trong Không quân Liên Xô từ năm 1984, tên lửa có tầm bắn lên đến 2.500km. Biến thể mở rộng tầm bắn được chỉ định Kh-55SM được phát triển vào năm 1987, tên lửa được bổ sung thêm 2 thùng nhiên liệu ở hai bên thân cho phép nâng tầm bắn lên đến 3.000km.
Biến thể chiến thuật Kh-65SE với tầm bắn 600km được giới thiệu vào năm 1992, biến thể xuất khẩu Kh-SD tầm bắn 300km được giới thiệu vào năm 1995. Biến thể Kh-555 được trang bị đầu đạn thông thường bán xuyên giáp nặng 400kg, cải thiện hệ thống dẫn hướng chính xác hơn, tầm bắn tăng lên đến 3.500km được đưa vào sử dụng từ năm 2000.
Tên lửa hành trình Kh-55 là vũ khí chủ lực của máy bay ném bom chiến lược Tu-95 Bear, Tu-142, Tu-22M3 và Tu-160. Mỗi chiếc Tu-95MS có thể mang theo đến 16 tên lửa Kh-55 trong đó có 10 tên lửa ở các giá treo 2 bên cánh và 6 trong hệ thống phóng ổ quay MKU-5-6. Máy bay Tu-160 có thể mang theo 12 tên lửa Kh-55 trong khoang.
Những chiếc máy bay ném bom chiến lược của Liên Xô được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-55 có thể thực hiện cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ đối phương từ cách xa hàng ngàn kilomet mà không cần phải mạo hiểm tiến vào không phận đối phương.
Tên lửa Kh-55 đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt giữa Mỹ-Xô trong suốt những năm chiến tranh lạnh. Mỹ luôn coi Kh-55 với đầu đạn hạt nhân là một mối đe dọa lớn với họ. Mặc dù Mỹ cũng có tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk có tầm bắn tương đương nhưng nó lại không được thiết kế để phóng từ trên không khiến năng lực tác chiến bị giới hạn.
Sau khi Mỹ-Xô ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm trung INF vào năm 1987, tên lửa Kh-55 được chuyển đổi mục đích sang thành tên lửa hành trình tấn công mặt đất sử dụng đầu đạn thông thường. Ngày nay Kh-55 và các biến thể của nó vẫn là trụ cột cho năng lực tấn công tầm xa của Không quân Nga.
Một số nguồn tin không chính thức cho biết, tên lửa Kh-55 được Ukraine nắm giữ sau khi Liên Xô tan rã đã được bí mật chuyển cho Trung Quốc để nước này phát triển thành tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10.