Trước đây, có một số quan điểm của các nhà phân tích cho rằng Su-35 mang một số mặt hạn chế nhất định nên dù có Su-35, Trung Quốc cũng chỉ có thể tạo được sự uy hiếp đối với Đài Loan, xa hơn một chút có thể tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng chưa đủ khả năng để thách thức Nhật Bản. ("Có Su-35, Trung Quốc cũng chưa thể làm chủ bầu trời Biển Đông").
Tuy nhiên, mới đây, tờ nguyệt san Bình luận quốc phòng Kanwa Canada lại đưa ra một quan điểm trái ngược. Theo đó, Su-35 có thể giúp Trung Quốc bá chủ không phận Đông Á.
Theo bài viết trên tờ nguyệt san Bình luận quốc phòng Kanwa Canada số tháng 6, không quân Trung Quốc về cơ bản đã hoàn tất quá trình đàm phán nhập khẩu Su-35 của Nga. Hành động này cho thấy ý đồ chiến lược hoàn toàn mới của Trung Quốc, đó là phá vỡ thế cân bằng chiến lược quân sự ở Đông Á, trong đó tương quan sức mạnh hải không quân càng nghiêng về phía Trung Quốc. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, không quân Trung Quốc mới có ưu thế về công nghệ so với Nhật Bản, Đài Loan, các nước Đông Nam Á và Ấn độ.
Trước khi nhập Su-35, mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, Trung Quốc chỉ có các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế hệ thứ 4, cùng thế hệ với máy bay chiến đấu chủ lực của không quân Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam. Su-30MKI của Ấn Độ thậm chí còn có tính năng cơ bản vượt trội so với chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 của Trung Quốc. Còn đội tự vệ không quân Nhật Bản thì có tất cả các trang bị vũ khí, chủng loại máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc, về công nghệ còn hơn hẳn Trung Quốc.
24 chiếc Su-35 một khi được bàn giao cho không quân Trung Quốc, khả năng tác chiến của không quân Trung Quốc sẽ vượt trội ít nhất nửa thế hệ so với Nhật Bản, Ấn Độ. Su-35 được thế giới công nhận là chiến đấu cơ thế hệ 4++ , trang bị động cơ công suất lớn với lực đẩy 14,5 tấn, giúp Su-35 có thể đạt tới vận tốc siêu âm. Ngoài ra, Su-35 còn sử dụng công nghệ đổi hướng lực đẩy, công nghệ này hiện chỉ có Su-30MKI của Ấn Độ được trang bị, không quân Nhật Bản không có.
Su-35 trình diễn trươc sự quan sát của các quan chức Trung Quốc tại sân bay Kubina ngày 5/6/2013
Hệ thống radar IRBIS-E trên Su-35 có phạm vi thăm dò 400km, gấp 4 lần so với Su-30MKK hiện trang bị trong không, quân Trung Quốc, có thể thăm dò được các mục tiêu trên không phận bán đảo Triều tiên từ bầu trời Thanh Đảo. Hệ thống radar IRBIS-E còn giúp Su-35 theo dõi đồng thời 30 mục tiêu, và tấn công cùng lúc 8 mục tiêu.
Dự báo, 24 chiếc Su-35 sẽ được bàn giao cho không quân Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018. Khi đó, Nhật Bản vẫn chưa được trạng bị F-35A, còn chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 FGFA đến tận năm 2020 mới được bàn giao cho không quân Ấn Độ; chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan dù có cải tiến thì vẫn hoàn toàn thua kém Su-35 về mặt công nghệ và khả năng tác chiến. Khi đó, chỉ có chiến đấu cơ tàng hình F-22A mới có thể cân bằng lại tương quan sức mạnh không quân ở Đông Á.
Nhập khẩu Su-35, không quân Trung Quốc còn có ý đồ khác là kết hợp với việc nhập khẩu động cơ 117s. Từ năm 2016, thế hệ máy bay tiêm kích J-20 sử dụng động cơ 117s của Trung Quốc với tính năng như chiến đấu cơ thế hệ thứ năm có thể sẽ chế tạo hoàn tất và tiến hành bay thử nghiệm, như thế, đến năm 2020 có thể trang bị cho không quân.
Khi đó, dù không quân Nhật Bản có F35A, Ấn Độ có FGFA, thì với Su-35 nhập khẩu và J-20 tự tạo, không quân Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn chiếm ưu thế trên bầu trời Đông Á.
Chung quy lại, dù Su-35 có giúp Trung Quốc thống trị bầu trời Đông Á hay không thì các nhà phân tích đều thống nhất rằng ít nhất nó cũng sẽ làm dấy lên một cuộc chạy đua nóng bỏng để hiện đại hóa không quân ở Đông Á trong thời gian sắp tới.