Sina: Không quân TQ trang bị J-20, Ấn Độ chỉ có nước chào thua!

Hải Vy |

Trang mạng Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh) hùng hồn tuyên bố về sức mạnh của Không quân Trung Quốc khi trang bị tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20.

Không thể bị đánh bại

Trong bài viết của mình, Sina nhận định:

Sau khi J-20 – tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Trung Quốc, được đưa vào phục vụ tại các đơn vị tiền tuyến, Không quân Trung Quốc (PLAAF) sẽ không thể bị Không quân Ấn Độ (IAF) đánh bại trong bất cứ cuộc giao tranh trên không nào giữa 2 phía trong tương lai.

Sina cho biết, để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai, Ấn Độ ban đầu đã đặt mua 126 máy bay chiến đấu Dassault Rafale từ Pháp, thông qua chương trình máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng trung.

Tuy nhiên, sau đó, New Delhi đã tìm cách chuyển sang một hợp đồng mới với Pháp, trong đó chỉ đặt mua 36 chiếc Rafale.

Hiện tại, 1/3 số máy bay chiến đấu đang hoạt động của Không quân Ấn Độ vẫn là các máy bay đánh chặn và trinh sát siêu thanh MiG-25 do Liên Xô chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

IAF có kế hoạch cho "nghỉ hưu" tất cả các tiêm kích MiG-21 trước cuối năm nay. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm máy bay chiến đấu thay thế chúng không có nhiều tiến triển.

Ấn Độ đã đặt mua tổng cộng 272 chiếc Su-30MKI từ Nga. Trong số này, 220 chiếc đã được chuyển giao.


Tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ

Tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ

IAF cũng nỗ lực nâng cấp các máy bay chiến đấu MiG-29SMT và Mirage 2000-5MK2 để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.

Song, theo Sina, có vẻ IAF vẫn chưa đủ sức chiến đấu với PLAAF, khi lực lượng này có tới 200 chiến đấu cơ Su-27SK/J-11, 100 chiếc Su-30MKK, 300 chiếc J-10A và các loại máy bay chiến đấu tiên tiến khác như J-16 và J-10B/C.

Không quân Ấn Độ cũng không có tiêm kích thế hệ 5 để cạnh tranh với J-20 và J-31 đang phát triển của Trung Quốc.

Sina nhận định, ngay cả trong trường hợp đối đầu với đối thủ cũ là Pakistan, Ấn Độ cũng sẽ gặp khó khăn.

Hiện Không quân Pakistan có tới 80 chiếc F-16 đang hoạt động và đã bắt đầu sản xuất các máy bay chiến đấu đa nhiệm J-17 Thunder, hay còn gọi là FC-1, do Tổ hợp hàng không Pakistan và Tập đoàn Thành Đô (Trung Quốc) hợp tác phát triển.

Theo Sina, có vẻ Ấn Độ chỉ còn lại một lựa chọn duy nhất là hợp tác với Nga để phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA.

Song, giá của mỗi máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 này ước tính tới 100 triệu USD. Mức giá này quá cao đối với chính phủ Ấn Độ do những khó khăn về kinh tế trong những năm gần đây.

Không thể xem thường?

Trước đó, trong một bài viết đăng tải vào tháng 6/2014, tạp chí The National Interest (Mỹ) cũng cảnh báo J-20 là một trong những vũ khí Trung Quốc có thể mang lại mối đe dọa lớn cho Ấn Độ.

Theo bài viết, J-20 là dự án phát triển máy bay chiến đấu tham vọng nhất của Trung Quốc từ trước tới nay.

Vai trò quan trọng nhất của J-20 là một chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không. Tầm hoạt động xa đồng nghĩa chiến đấu cơ này có thể kiểm soát không phận Ấn Độ nếu cần thiết.

Một vai trò khác của J-20 là tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Ấn Độ.

Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Trung Quốc mang theo tên lửa tấn công mặt đất có thể cùng với Quân đoàn pháo binh số 2 tấn công các hệ thống tên lửa đất đối không, căn cứ không quân, trạm radar và trung tâm chỉ huy của quân đội Ấn Độ.

J-20 còn có thể sử dụng các căn cứ không quân của Trung Quốc tại Tây Tạng để tiến hành các chiến dịch chống lại Ấn Độ.

Theo tờ Times of India, Không quân Trung Quốc đang đồn trú các chiến đấu cơ Su-27UBK và Su-30MKK tại 5 căn cứ không quân tại Tây Tạng và những căn cứ này cũng phù hợp để J-20 hoạt động.

Ấn Độ được khuyến cáo là nên cẩn trọng với J-20 bởi đây là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 nên rất khó bị phát hiện.

Các máy bay chiến đấu J-20 có thể sử dụng tính năng tàng hình để vượt qua hệ thống phòng không của Ấn Độ và tấn công các mục tiêu trên không lẫn trên mặt đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại