Theo hãng tin Sputnik (Nga) ngày 18/9, đó là nhận định do tờ Focus (Đức) đưa ra.
Theo tờ báo này, mặc dù quân đội Đức sở hữu những chiếc xe tăng tốt nhất trên thế giới nhưng hệ thống tác chiến của chúng lại đang “lão hóa” và trở nên không hiệu quả.
Đạn xe tăng của Đức không sản sinh đủ động năng để có thể xuyên thủng lớp giáp trên các xe tăng T-90 và T-80 nâng cấp của Nga.
Hiện nay, Nga đang tiến hành chương trình hiện đại hóa xe tăng. Lớp giáp và hệ thống vũ khí của xe tăng T-90 đã được nâng cấp đáng kể so với phiên bản được đưa vào biên chế trong những năm 1990.
Năm 2017, quân đội Nga sẽ tiếp tục đưa vào trang bị mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới Armata.
Xe tăng Leopard-2A5. Ảnh: Sputnik
Cách đây vài năm, do cải tổ quân đội, Đức đã giảm số lượng xe tăng Leopard-2 trong biên chế xuống còn 225 chiếc.
Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng Ukraine làm dấy lên lo ngại từ phía phương Tây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã yêu cầu mua lại 100 xe tăng Leopard-2 cũ với giá 22 triệu euro.
Kết quả là, số xe tăng Leopard 2 của quân đội Đức đã tăng lên 325 chiếc.
Theo nhà phân tích quân sự Đức Hans Ruhle, nỗ lực xây dựng lực lượng xe tăng của Đức không hiệu quả, bởi hệ thống tác chiến trên Leopard-2 đã không còn đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
Loại đạn xuyên phá tăng M829 của Mỹ có chất uranium nghèo. Ảnh: Lục quân Mỹ
Để tăng mức độ hiệu quả tác chiến, theo Ruhle, Đức cần có đạn xe tăng chứa uranium nghèo. Song, điều này khó nhận được sự chấp thuận của chính phủ Đức.
Hiện phần lớn các xe tăng đang hoạt động của Đức là dòng A-6 và A-5 và khoảng 100 chiếc thuộc dòng A-4.
Xe tăng Leopard 2 được đưa vào sản xuất từ năm 1979 và đã được hiện đại hóa một số lần.
Theo Focus, vào năm 2017, Đức dự định sẽ hiện đại hóa đạn xe tăng dành riêng cho dòng cho A-7, phiên bản mới nhất của Leopard-2. Hiện tại, quân đội Đức mới có khoảng 20 chiếc loại này.