Siêu tàu đổ bộ tấn công mạnh ngang tàu sân bay của Hải quân Mỹ

Dương Phạm |

(Soha.vn) - Hải quân Mỹ hiện có 3 lớp tàu đổ bộ cỡ lớn, khi kết hợp với F-35B sẽ tạo ra sức mạnh tấn công tương đương với tàu sân bay hạng trung của các quốc gia khác.

1. Tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng lớp Tarawa

LHA-2 Saiphan lớp Tarawa

LHA-2 Saipan lớp Tarawa

Tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng LHA (Landing Helicopter Assault) lớp Tarawa của Hải quân Mỹ là bước phát triển kế tiếp của tàu đổ bộ tấn công lớp Iwo Jima, được đóng trong khoảng thời gian từ 15/11/1971 đến 3/5/1980. Theo kế hoạch thì Hải quân Mỹ sẽ đóng tất cả 9 chiếc loại này nhưng thực tế chỉ hoàn thành được 5 chiếc gồm có USS Tarawa (LHA-1), USS Saipan (LHA-2), USS Belleau Wood (LHA-3), USS Nassau (LHA-4) và USS Peleliu (LHA-5). Trong số trên chỉ còn duy nhất chiếc LHA-5 Peleliu là còn hoạt động.

Tàu đổ bộ tấn công lớp Tarawa có thông số cơ bản: lượng giãn nước đầy tải 44.056 tấn; dài 254m; rộng 40,2m; mớn nước 7,9m. Hệ thống động lực gồm 2 động cơ hơi nước Combustion Engineering kết nối với 2 turbin Westinghouse, cung cấp công suất 70.000 mã lực (52.000 kW) tới 2 chân vịt, cho phép tàu chạy với tốc độ lớn nhất 24 hải lý/h (44 km/h), tầm hoạt động tối đa 10.000 hải lý (19.000 km) khi chạy ở tốc độ 20 hải lý/h (37 km/h).

Vũ khí trang bị của Tarawa thời kỳ đầu gồm: 1 hệ thống tên lửa phòng không Mk-25 Sea Sparrow và 2 pháo 127mm Mk-45. Đến năm 1998, cả 5 chiếc tàu thuộc lớp đã được vũ trang lại bằng cách tháo bỏ toàn bộ hệ thống vũ khí cũ để thay bằng 1 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Mk-49 RAM, 2 hệ thống CIWS Phalanx, 6 pháo tự động 25mm Mk-242 và 8 súng máy hạng nặng 12,7mm.

LHA-5 Peleliu chiếc cuối cùng thuộc lớp Tarawa còn hoạt động

LHA-5 Peleliu chiếc cuối cùng thuộc lớp Tarawa còn hoạt động

Với kích thước đồ sộ của mình, Tarawa có khả năng mang theo 19 trực thăng Sikorsky CH-53 Sea Stallions hoặc 26 trực thăng Boeing Vertol CH-46 Sea Knight hoặc có thể mang kết hợp 2 loại trên. Tàu được trang bị 2 thang máy nâng hạ máy bay, boong tàu cho phép 9 chiếc Sea Stallions hoặc 12 chiếc Sea Knights có thể hoạt động cùng lúc. Với một số sửa đổi nhỏ về sau, Tarawa còn có thể mang theo 6 máy bay phản lực cất hạ cánh thẳng đứng McDonnell Douglas AV-8B Harrier.

Được thiết kế với vai trò như một căn cứ nổi của Lính thủy đánh bộ, tàu có sức chứa tối đa 1.703 lính thủy đánh bộ, mang theo được 4 xuồng đổ bộ LCU 1610 hoặc mang kết hợp 2 LCU với 2 LCM-8 hoặc 17 LCM-6 hoặc 45 chiếc LVT (tùy nhiệm vụ). Khoang đổ bộ của tàu có thể điều chỉnh mức ngập nước để phù hợp với từng loại xuồng đổ bộ mang theo.

Một chiếc LCU đang chuẩn bị cập bến khoang đổ bộ của LHA-3 Belleau Wood

Tarawa là lớp tàu đổ bộ tấn công rất cao tuổi của Mỹ, hiện tại chiếc trẻ nhất LHA-5 cũng đã trải qua 34 năm hoạt động. Với việc Hải quân Mỹ đưa vào biên chế lớp tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới America, có lẽ những ngày tháng tung hoành trên đại dương của Tarawa đã sắp kết thúc.

2. Tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Wasp

LHD-5 Bataan lớp Wasp

LHD-5 Bataan lớp Wasp

Tàu đốc đổ bộ chở trực thăng LHD (Landing Helicopter Dock) lớp Wasp được sử dụng bởi Hải quân Mỹ. Thiết kế của Wasp dựa trên cơ sở tàu đổ bộ tấn công thế hệ trước Tarawa với nhiều cải tiến để tăng khả năng hoạt động của máy bay cũng như năng lực chuyên chở. Tàu đổ bộ lớp Wasp có khả năng vận chuyển toàn bộ sức mạnh của một đơn vị Lính thủy đánh bộ viễn chinh Hoa Kỳ tới vùng chiến sự thông qua trung gian là các xuồng đổ bộ thông thường hoặc máy bay trực thăng.

Tất cả các tàu lớp Wasp đều được đóng bởi Ingalls Shipbuilding tại Pascagoula, Mississippi. Chiếc đầu tiên của lớp, LHD-1 Wasp chính thức đi vào hoạt động từ 29/7/1989. Đã có tất cả 8 chiếc LHD lớp Wasp được đóng, đánh số thứ tự từ LHD-1 đến LHD-8 và đến nay tất cả đều vẫn còn đang hoạt động.

LHD-1 Wasp (trái) và LHA-2 Saipan (phải) tại cảng Norfolk 1993

LHD-1 Wasp (trái) và LHA-2 Saipan (phải) tại cảng Norfolk 1993

Khác biệt lớn nhất của lớp Wasp với Tarawa là boong tàu được thiết kế lại cho phép tiếp nhận máy bay phản lực cất hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier và xuồng đổ bộ đệm khí LCAC (Landing Craft Air Cushion). Thay đổi vật lý chính giữa 2 thiết kế là boong tàu của Wasp thấp hơn, bố trí lại vị trí tháp chỉ huy và sàn đáp máy bay, tháo bỏ pháo 127mm Mk-45 cùng với kéo dài thêm 7,3m thân tàu để cho phép mang theo LCAC.

Khoang đổ bộ của LHD có sức chứa tối đa 3 xuồng đổ bộ đệm khí LCAC, 12 LCM hoặc 40 thiết giáp lưỡng cư AAV (21 chiếc khác trên boong đổ bộ). Sàn đáp máy bay có 9 điểm cất hạ cánh cho trực thăng cỡ lớn như Sikorsky CH-53 Sea Stallion và Boeing Vertol CH-46 Sea Knight.

MV-22 trên tàu đổ bộ lớp Wasp

MV-22 trên tàu đổ bộ lớp Wasp

Wasp có thể chuyên chở toàn bộ sức mạnh của một đơn vị Lính thủy đánh bộ viễn chinh gồm 1.894 lính, 5 xe tăng M1 Abrams, 25 xe thiết giáp lưỡng cư AAV, 8 pháo M-198, 68 xe tải và tới 12 xe hỗ trợ khác. Tàu có một đường ray nội bộ chuyên dùng để vận chuyển hàng hóa. Trên tàu còn có 64 giường bệnh và 6 phòng mổ, khi làm nhiệm vụ ứng cứu thảm họa, con số giường bệnh còn có thể tăng lên 536 giường.

Thông số cơ bản của tàu đổ bộ lớp Wasp: lượng giãn nước đầy tải 41.150 tấn; dài 253,2m; rộng 31,8m; mớn nước 8,1m. Hệ thống động lực gồm 2 turbin hơi nước 2 trục 70.000 mã lực (52.000 kW) hoặc 2 động cơ turbin khí 2 trục General Electric LM2500 (trên LHD-8 USS Makin Island) cho phép tàu chạy với tốc độ lớn nhất 22 hải lý/h (41 km/h), tầm hoạt động tối đa 9.500 hải lý (17.600 km) khi chạy ở tốc độ 18 hải lý/h (33 km/h).

Vũ khí trang bị gồm: 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe, 2 bệ phóng tên lửa Sea Sparrow, 3 hệ thống CIWS Phalanx (2 trên LHD-5 - 8), 4 pháo tự động 25mm Mk-38 (3 trên LHD-5 - 8) và 4 súng máy 12,7mm BMG.

Trong các nhiệm vụ thông thường Wasp mang theo 6 phản lực cất hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier, 4 trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra, 12 trực thăng vận tải CH-46 Sea Knigh hoặc 4+ máy bay cánh quạt lật MV-22 Osprey, 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53 Sea Stallion và 3-4 trực thăng đa dụng UH-1N Huey. Khi thực hiện nhiệm vụ tấn công, cơ cấu trên thay đổi gồm 42 CH-46 Sea Knight hoặc 22+ MV-22 Osprey. Ở nhiệm vụ kiểm soát biển thì đội bay gồm 20 AV-8B Harrier II và 6 SH-60F/HH-60H.

3. Tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng lớp America

LHA-6 America

LHA-6 America

LHA-6 là chiếc tàu đổ bộ tấn công đầu tiên thuộc lớp America của Mỹ, mới gia nhập biên chế ngày 1/4/2014 với mục đích thay thế cho tàu đổ bộ tấn công LHA-5 Peleliu lớp Tarawa chuẩn bị ngừng hoạt động. Với thiết kế cơ sở dựa trên LHD-8 USS Makin Island, LHA-6 America có thể thực hiện đa dạng các nhiệm vụ trên biển kể cả tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Là tàu có kiểu thiết kế “mặt boong thông suốt” thế hệ mới, LHA-6 America có mặt boong và không gian hầm chứa máy bay mở rộng, đồng thời tăng số lượng thiết bị sửa chữa và linh kiện thay thế của máy bay, tăng lượng dự trữ nhiên liệu hàng không lên 3.400 tấn, gấp đôi các tàu đốc đổ bộ chở trực thăng LHD lớp Wasp. Với tư duy chiến thuật mới thiên hoàn toàn về đổ bộ đường không, LHA-6 không có khoang đổ bộ ngập nước truyền thống như các tàu thế hệ trước.

LHA-6 America có chiều dài 257m; rộng 32m; mớn nước 7,9m; lượng giãn nước đầy tải 45.693 tấn, vận tốc tối đa 22 hải lý/h (41 km/h). Hệ thống động lực gồm 2 động cơ turbin khí 70.000 mã lực và 2 động cơ đẩy phụ trợ 5.000 mã lực (các tàu về sau dự kiến sẽ được trang bị động cơ hạt nhân). Biên chế của tàu gồm 65 sỹ quan, 994 thủy thủ và có thể mang theo 1.687 Lính thủy đánh bộ.

Vũ khí trang bị của America gồm 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe, 2 bệ phóng tên lửa Sea Sparrow, 2 hệ thống CIWS Phalanx và 7 súng máy 12,7mm nòng kép.

LHA-6 America trong thời gian chạy thử nghiệm

LHA-6 America trong thời gian chạy thử nghiệm

Tàu có thể mang tới 38 máy bay các loại, bao gồm 10 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, 12 máy bay vận tải MV-22 Osprey, 8 trực thăng tấn công AH-1Z Cobra, 4 trực thăng vận tải CH-53E Super Stallion, 4 chiếc trực thăng tìm kiếm cứu hộ MH-60S Seahawk. LHA-6 còn có khả năng hoạt động như một tàu sân bay mini. Trong nhiệm vụ này, nó có thể mang theo tới 20 tiêm kích thế hệ 5 F-35B cùng với 2 trực thăng MH-60S, với lực lượng trên LHA-6 còn có sức mạnh vượt trội nhiều tàu sân bay hạng trung khác.

LHA-6 là một tàu đổ bộ siêu hạng nên chi phí của nó cũng thuộc loại “siêu hạng”, chi phí ban đầu của LHA-6 ước tính khoảng 2,4 tỷ USD nhưng đến khi hoàn thành đã lên đến 3,4 tỷ USD. Khoản tiền chênh lệch khổng lồ đã khiến kế hoạch đóng tàu LHA-7 Tripoli dự kiến bắt đầu từ tháng 5/2012 bị hoãn lại cho đến năm 2018.

Với việc chính thức nhận gia nhập hải quân Mỹ, LHA-6 đã mở ra một kỷ nguyên mới trong tác chiến đổ bộ tấn công. Lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ trở thành lực lượng đầu tiên trên thế giới có khả năng tác chiến đổ bộ lập thể siêu mạnh gồm: Đổ bộ trực tiếp - tấn công mặt đất - khống chế không phận trên phạm vi toàn cầu.

F-35B thử nghiệm cất hạ cánh trên tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại