Philippines gần đây đã ký một thỏa thuận mua 12 máy bay chiến đấu FA- 50 của Hàn Quốc trong một nỗ lực để củng cố sức mạnh quân sự của mình. Hợp đồng quân sự này được ký kết vào ngày 28/3 tại một sự kiện ở Manila, dưới sự chứng kiến của các quan chức cấp cao 2 nước.
Với thỏa thuận này, Philippines sẽ nhận được FA-50 từ nay đến năm 2017 với tổng trị giá hơn 400 triệu USD. "Những loại vũ khí mới trên sẽ giúp cho lực lượng vũ trang Philippines tăng cường khả năng phòng thủ tối thiểu", người phát ngôn của lực lượng Không quân Philippines, Đại tá Miguel Ernesto Okol cho biết sau khi thỏa thuận được ký kết.
Philippines không phải là nước đầu tiên mua máy bay chiến đấu của Hàn Quốc. Trước đó Seoul cũng đã bán một số loại vũ khí cho Indonesia năm 2011 và Iraq năm 2013.
Với việc ngày càng nhiều quốc gia quyết định mua vũ khí của Hàn Quốc, Seoul đang nổi lên là một cường quốc xuất khẩu vũ khí hàng đầu trong khu vực.
Theo một báo cáo của tạp chí chuyên về quốc phòng IHS Jane's, xuất khẩu thiết bị quốc phòng của Hàn Quốc đạt tổng cộng 600 triệu USD năm 2013, tăng gấp đôi so với năm trước.
Báo cáo trên dự báo vào năm 2016, Hàn Quốc sẽ thu lợi từ việc xuất khẩu vũ khí tới các nước châu Á nhiều hơn cả Trung Quốc. Hiện Seoul đã vượt Anh, Italy và Israel trong lĩnh vực này.
"Hàn Quốc không chỉ tăng xuất khẩu trong khu vực mà còn muốn vươn ra tầm quốc tế. Chúng ta đã thấy các hợp đồng giao dịch giữa Seoul với các nước như Iraq, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Azerbaijan và Philippines", chuyên gia về quốc phòng của IHS Jane's Paul Burton nói.
Ông Burton nhận định: "Hàn Quốc tăng xuất khẩu từ 300 triệu USD lên 600 triệu USD vào năm 2013 và đến năm 2015, nước này sẽ xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD thiết bị quốc phòng. Có nghĩa là, Seoul có thể thay thế một số công ty xuất khẩu vũ khí phương Tây trong lĩnh vực này".
Thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng các hợp đồng buôn bán vũ khí là một trong những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Trong những năm 70, Hàn Quốc đã chú ý phát triển ngành công nghiệp quốc phòng dưới thời Tổng thống Park Chung-hee, nhưng nước này bị hạn chế bởi việc chỉ sao chép các loại vũ khí nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, kể từ đó, công nghệ quốc phòng của Hàn Quốc không ngừng tiến bộ và nước này đạt đến giai đoạn có thể chế tạo vũ khí thông minh đắt tiền.
Theo thống kê, tính đến năm 2012, Hàn Quốc có 96 công ty hoạt động trong ngành công nghiệp quốc phòng. Nếu tính cả các chi nhánh và công ty con, con số này là 400 công ty. 5 trong số các công ty này, trong đó có Samsung, Công nghiệp hàng không Hàn Quốc và LIG Nex1, nằm trong danh sách top 100 công ty sản xuất thiết bị quân sự hàng đầu thế giới năm 2013 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Trang mạng "Global Firepowerful" (Sức mạnh hỏa lực toàn cầu) xếp hạng những quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới hiện nay dựa trên các yếu tố như: Ngân sách quốc phòng, nguồn nhân lực và việc sở hữu các loại vũ khí, trang thiết bị chiến lược (khả năng hạt nhân không nằm trong tính toán), thì Hàn Quốc đứng thứ 9.
Về công nghệ quốc phòng, Hàn Quốc xếp thứ 10 cùng với Thụy Điển, theo một báo cáo của Cơ quan Quốc phòng Hàn Quốc về Công nghệ và Chất lượng năm 2013.
Ông Chae Woo-seok, người đứng đầu Hiệp hội Nghiên cứu Công nghiệp Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: "Ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đã phát triển trong điều kiện đặc biệt, vì bên cạnh là CHDCND Triều Tiên" và lĩnh vực này có tiềm năng trở thành đầu tàu tăng trưởng cho Hàn Quốc. Ông Chae Woo-seok cũng cho hay, Hàn Quốc có cơ hội tăng cường xuất khẩu quốc phòng, vì ngày càng có nhiều quốc gia xem Hàn Quốc là hình mẫu cho phát triển và muốn học hỏi cách thức nước này phát triển công nghiệp quốc phòng.
Máy bay FA-50 Hàn Quốc
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA