S-300 Nga làm “cột chống trời” cho Trung Quốc như thế nào?

Trước khi hợp đồng mua sắm S-400 được thực hiện, các hệ thống phòng không S-300 vẫn là xương sống trong lực lượng phòng không Trung Quốc.

Chiến dịch không kích “Bão táp sa mạc” kéo dài 43 ngày đêm của liên quân - do Mỹ đứng đầu vào năm 1991 đã khiến nhiều quốc gia lo lắng về tiềm lực phòng không của mình. Không lâu sau đó, hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU của Nga đã trở thành một món hàng được ưa chuộng nhất trên thị trường giao dịch vũ khí quốc tế.

Khi mới thành lập, lực lượng tên lửa phòng không thuộc quân chủng không quân Trung Quốc xây dựng biên chế cơ bản là các tiểu đoàn độc lập, sau đó dần dần hình thành lên các sư, lữ, trung đoàn phòng không, nhưng đơn vị đảm nhiệm phóng tên lửa vẫn được biên chế cơ bản ở cấp tiểu đoàn. Vì thế, khi mua sắm các hệ thống tên lửa S-300PMU, đơn vị tính cũng vẫn là nhập khẩu trọn bộ từng tiểu đoàn.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc chỉ sở hữu mạng lưới phòng không tầm thấp với tên lửa Hồng Kỳ-2 (HQ-2) được sản xuất theo công nghệ những năm 60, có tầm phóng vẻn vẹn vài chục km, chỉ đủ sức bảo vệ một số thành phố lớn và các mục tiêu trọng điểm.

Vì vậy, Trung Quốc đã nhanh chóng hỏi mua các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga. Các chuyên gia phương Tây cho biết, lúc đó Bắc Kinh đã mua tất cả những hệ thống tên lửa S-300PMU đang tồn kho của Moscow.

Năm 1991, Trung Quốc mua lô tên lửa S-300 đầu tiên thuộc loại S-300PMU, bao gồm 2 tiểu đoàn với 8 tổ hợp (32 hệ thống phóng tên lửa), đồng thời mua kèm theo khoảng 384 quả tên lửa 5V55U, tổng trị giá hợp đồng 220 triệu USD.

Sự xuất hiện của S-300PMU đã nâng sức mạnh của lực lượng phòng không nước này lên một tầm cao mới. Với các hệ thống phòng không S-300PMU, Trung Quốc nhanh chóng hình thành một khu vực phòng không hoặc liên kết trong mạng lưới phòng không có tầm bao phủ trên 100km xung quanh các mục tiêu trọng điểm.

Ngay lập tức, các hệ thống tên lửa này đã được biên chế thành trung đoàn “hạt giống” để bảo vệ thủ đô Bắc Kinh, làm nòng cốt cho mạng lưới phòng không hỗn hợp của “Vùng phòng không Bắc Kinh”. Khi đó, “Vùng phòng không Bắc Kinh” có 4 sư đoàn phòng không với hơn 10 trung đoàn (tổng cộng 36-38 tiểu đoàn tên lửa không đối đất).

Sau khi được bổ sung trung đoàn tên lửa phòng không S-300PMU, lực lượng phòng không nước này đã thiết lập một mạng lưới phòng không 2 lớp cực mạnh, lấy trung đoàn tên lửa phòng không S-300PMU làm hạt nhân, có sức mạnh vượt trội so với loại tên lửa cũ kỹ HQ-2, bảo vệ thủ đô Bắc Kinh trước các cuộc tấn công từ trên không.

Năm 1994, Trung Quốc tiếp tục mua lô tên lửa phòng không thứ 2 thuộc loại S-300PMU1, bao gồm 2 tiểu đoàn với 8 tổ hợp (32 hệ thống phóng tên lửa) và 196 quả tên lửa 48N6E. Tổng trị giá hợp đồng vào khoảng 400 triệu USD, thanh toán 1 nửa bằng tiền mặt, 1 nửa trả bằng hàng hóa.

Trung Quốc đã thành lập 1 trung đoàn tên lửa phòng không S-300 được cấu thành từ 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn S-300PMU Bắc Kinh (sau khi thay thế bằng tên lửa S-300PMU1) và 1 tiểu đoàn của “Vùng phòng không Nam Kinh” sử dụng tên lửa S-300PMU cũ.

2 tiểu đoàn này lần lượt được biên chế về Phúc Kiến và Giang Tây. Sau khi nhận các tiểu đoàn này, Đại quân khu Nam Kinh đã nhanh chóng thành lập trung đoàn S-300 thứ 2 cho “Vùng phòng không Nam Kinh”. Tình đến thời điểm này, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không S-300 ở cả 2 miền nam-bắc.

Bắc Kinh đã đặt mua lô tên lửa phòng không thứ 3 (S-300PMU1) vào năm 2001, bao gồm 2 tiểu đoàn với 8 tổ hợp (32 hệ thống phóng tên lửa) và 196 quả tên lửa 48N6E với tổng trị giá hợp đồng cũng vào khoảng 400 triệu USD. Thành phố Thượng Hải là địa điểm thứ 3 được triển khai các hệ thống tên lửa này.

Thượng Hải là nơi đặt Bộ tư lệnh của Hạm đội Đông Hải, phía bắc giáp cửa sông Trường Giang, phía đông giáp Đông Hải, trung tâm đô thị cách bờ biển khoảng 40km, là thành phố lớn nhất và là trọng điểm thương mại, công nghiệp và tài chính quan trọng của Trung Quốc.

Khoảng cách theo đường chim bay từ Thượng Hải đến Đài Loan khoảng 760km, mà đa phần các loại máy bay của không quân Đài Bắc đều có khả năng tấn công vào Đại Lục với bán kính tác chiến khoảng 1400km. Vì vậy, Thượng Hải đã trở thành trọng điểm bảo vệ thứ 3 của các hệ thống tên lửa phòng không S-300.

“Vùng phòng không Thượng Hải” không giống như trong lục địa. Do là thành phố ven biển nên nó thiếu chiều sâu lí tưởng và những vùng giao cắt giữa các trạm để triển khai radar và các hệ thống phòng không. Vì thế, đối với các loại chiến đấu cơ bay thấp, cự ly phát hiện vẻn vẹn có mấy chục km, rất khó để nhận biết các tốp máy bay chiến đấu cải trang thành máy bay hàng không dân dụng.

Hai yếu tố này đòi hỏi hệ thống radar phải có đủ thời gian và cự ly để phát hiện mục tiêu, nhưng do khoảng cách giữa tuyến bờ biển và trung tâm thành phố Thượng Hải quá gần nên không có cách nào triển khai radar dự cảnh hướng về phía trước cũng không thể tăng cường cự ly thám trắc bằng các radar đặt trên đỉnh núi.

Vì vậy, khoảng thời gian từ khi các radar phát hiện mục tiêu đến khi truyền đạt số liệu đến các hệ thống phòng không và lực lượng không quân vô cùng ngắn. Sau khi Đài Loan triển khai thêm các loại tên lửa chiến thuật nhằm vào Đại Lục, khoảng thời gian này lại càng ngắn hơn.

Theo đề nghị của chính quyền Thượng Hải, các hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới nhất được biên chế thành 1 lữ đoàn gồm 5 tiểu đoàn, trong đó có 4 tiểu đoàn tên lửa S-300, ngoài ra có 1 tiểu đoàn tên lửa Hồng Kỳ-2 (HQ-2) do Trung Quốc tự nghiên cứu, chế tạo.

Loại tên lửa phòng không tiên tiến nhất là S-300PMU2 được Trung Quốc đặt mua vào năm 2003, hợp đồng chính thức được ký kết vào tháng 8-2004, hoàn tất bàn giao vào năm 2008. Hợp đồng trị giá 980 triệu USD này đặt mua 4 tiểu đoàn tên lửa S-300PMU2 với 16 đơn nguyên (64 hệ thống phóng tên lửa) và 256 quả tên lửa 48N6E2.

Hệ thống tên lửa S-300PMU2, sử dụng đạn tên lửa 48N6E2 có tầm bắn trên 200km, đặt trên xe vận tải BAZ của Nga, radar bắt bám mục tiêu mọi độ cao 96L6E2 có khả năng theo dõi đồng loạt 72 mục tiêu và khóa chết 36 mục tiêu để chỉ thị cho tên lửa hạ sát đồng loạt 36 mục tiêu này.

Trong khi đó, các hệ thống S-300PMU và S-300PMU1 đặt trên xe 5P85SE, cùng với hệ thống chỉ huy 54K6E2, đài radar sục sạo 64N6E2, radar chỉ thị mục tiêu 30N6E2 sử dụng dải tần S-band (radar 30N6E1 sử dụng dải tần X-band). 2 loại radar này có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách trên 300km, khả năng theo dõi đồng loạt lần lượt là 12 và 6 mục tiêu.

Hiện nay, trọng điểm triển khai các hệ thống tên lửa S-300 của “Vùng phòng không Nam Kinh” là Phúc Kiến. Sau này, khi Trung Quốc mua lô tên lửa S-300PMU2 thứ 3, Phúc Kiến được triển khai các trận địa S-300 kiểu cố định, bố trí theo hình chữ nhất (–). Trận địa triển khai S-300 chạy từ bắc đến nam dọc eo biển Đài Loan, theo trục Phúc Thanh - Phổ Điền - Hạ Môn - Chương Châu.

Giang Tây cũng có vị trí chiến lược rất quan trọng, là đầu mối tập kết binh lực tấn công theo hướng Đài Loan của tất cả các quân, binh chủng Trung Quốc.

Ở khu vực cửa ngõ xâm nhập vào Vũ Hán và đập Tam Hiệp này, ngoài các trung đoàn tên lửa phòng không S-300, còn tập trung 2 lữ đoàn tên lửa đạn đạo đầu đạn thông thường của lực lượng Pháo binh II và 1 lữ đoàn tên lửa đối đất của lục quân.

Dọc khu vực bờ biển, kéo dài từ Đại Liên, Thiên Tân, bán đảo Sơn Đông xuống đến Thượng Hải, Phúc Kiến, Trung Quốc tập trung 15 tiểu đoàn tên lửa phòng không các loại, trong đó có S-300. Các hệ thống này đảm nhận nhiệm vụ phòng không suốt dải bờ biển hơn 1000km, tạo thành một lá chắn phòng không rất mạnh cho các đầu mối trọng điểm duyên hải phía đông Trung Quốc.

Vai trò quan trọng của các hệ thống tên lửa S-300 Nga còn được thể hiện ở chỗ, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc mà nó còn giúp họ tiếp cận và xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc trong lĩnh vực tên lửa phòng không.

Đầu thập niên 90, Trung Quốc đang bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo tên lửa phòng không thế hệ mới là Hồng Kỳ-9 (HQ-9) nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Nhập khẩu được S-300 đã giúp Trung Quốc tiếp cận với những công nghệ hiện đại, giúp họ đột phá qua những nút thắt khó khăn này, chế tạo thành công hệ thống tên lửa phòng không tầm cao, tầm xa quốc nội HQ-9.

Từ đây, Trung Quốc tiếp tục cải tiến, chế tạo hệ thống phòng không HQ-9 phiên bản trên hạm Hải Hồng Kỳ-9 (HHQ-9) và cho ra đời hàng loạt các tàu khu trục phòng không hạng nặng Type 052C/D được mệnh danh là “lá chắn thần Trung Hoa”.

Hiện nay, Nga và Trung Quốc đang đàm phán mua sắm các hệ thống phòng không S-400 với sức mạnh vượt trội so với S-300. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 là hệ thống phòng không thế hệ thứ 4, được Cục thiết kế Almaz (Almaz Central Design Bureau) của Nga nghiên cứu, phát triển trên cơ sở hệ thống S-300P.

S-400 được ứng dụng hàng loạt các thành tựu khoa học mới, có thể phóng được các loại tên lửa phòng không tầm thấp, tầm trung, tầm cao và các loại tên lửa tầm gần, tầm trung, tầm xa. Nó có thể tạo ra cấu trúc phòng không đa tầng với 3 tên lửa tầm bắn khác nhau (tối đa 400km), bổ sung cho nhau, có thể theo dõi hàng trăm mục tiêu và đồng loạt tấn công 36 mục tiêu cùng một thời điểm.

S-400 có khả năng đánh chặn tất cả các mục tiêu cùng một loạt hay thuộc các tốp khác nhau, cả ở tầm gần lẫn tầm xa với hiệu suất bắn hạ rất cao. Có thể nói, sự xuất hiện của S-400 và sự kết hợp của nó với S-300 có tầm quan trọng đặc biệt, là “cột chống trời” trong tổng thể thế trận phòng không và phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại