Đó là những cảnh báo mà Tướng Miho Mihov, cựu chỉ huy không quân của Bulgaria đưa ra.
Theo ông Mihov, Ba Lan và Bulgaria đã ký kết thỏa thuận nâng cấp các tiêm kích MiG-29 hồi tháng 8 năm nay mà không tham khảo ý kiến của tất cả các thành viên trong Hội đồng Quốc phòng và cơ quan tham vấn của Bộ Quốc phòng.
Ông Mihov lưu ý rằng, Ba Lan không được cấp phép để bảo dưỡng các tiêm kích MiG-29 của Bulgaria, vì vậy, hợp đồng này sẽ làm mất hiệu lực của thỏa thuận bảo dưỡng MiG-29 giữa Nga và Bulgaria.
"Chúng tôi đã thông báo với Bộ trưởng Quốc phòng rằng Ba Lan không được cấp phép để tiến hành sữa chữa, bảo dưỡng các tiêm kích MiG-29 của Bulgaria.
Tuy nhiên, trường hợp này đã không được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Quốc phòng với sự tham gia của tất cả các thành viên" - Truyền thông Ba Lan dẫn lời ông Mihov cho biết.
Bulgaria cho biết, họ tìm tới Ba Lan do chi phí bảo dưỡng MiG-29 tại Nga tăng quá cao.
Bulgaria, một thành viên NATO, gần đây đã phát sinh căng thẳng với chính phủ Nga do Moscow quyết định hủy bỏ kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" (South Stream) từ nước này đến Nam Âu, trong đó có đi qua Bulgaria.
Ngoài ra, gần đây, chính phủ Bulgaria đã hạ lệnh không cho phép máy bay tiếp tế hàng hóa của Nga tới Syria bay qua không phận nước này.
Bộ Ngoại giao Bulgaria cho biết, quyết định trên hoàn toàn độc lập, không bị tác động bới bên thứ ba nào. Song, Moscow nghi ngờ điều này.
Hãng tin Sputnik cho biết, Tập đoàn máy bay MiG đã gửi nhiều lá thư tới chính phủ Bulgaria, cảnh báo rằng thỏa thuận dịch vụ giữa 2 phía sẽ bị mất hiệu lực. Bức thư mới nhất trong số này đã được truyền thông Bulgaria đăng tải.
Bulgaria hiện có tổng cộng 16 chiếc MiG-29. Theo kênh truyền hình TVN24 của Ba Lan, chỉ có 4 chiếc trong số này sẵn sàng hoạt động. Ngoài MiG-29, Bulgaria còn duy trì 3 chiếc MiG-21 đã già cỗi, do Liên Xô chế tạo.
Trước đó, tờ Sofia Globe của Bulgaria cho biết, nước này tìm tới Ba Lan do chi phí bảo dưỡng MiG-29 tại Nga tăng cao.
Thỏa thuận bảo dưỡng mà Bulgaria ký kết với Nga vào năm 2006 có giá trị khoảng 48 triệu USD.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Nikolay Nenchev phàn nàn rằng, chi phí bảo dưỡng các máy bay MiG-29 đã tăng lên bởi một số các công ty trung gian có liên quan ở phía Nga.
Ông Nenchev trích dẫn các đánh giá của chuyên gia rằng, với số tiền tương đương dùng để sửa chữa các tiêm kích MiG, Bulgaria có thể mua tới 16 máy bay chiến đấu đã qua sử dụng một chút hoặc thậm chí là hoàn toàn mới.
Việc Bulgaria chuyển hướng sang Ba Lan để bảo dưỡng máy bay được xem là một bước đi mới để dần dứt bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Nga.
Đây là xu hướng đang phát triển nhanh chóng sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Ngoài kế hoạch nâng cấp MiG-29, Không quân Bulgaria cũng đang cân nhắc các lựa chọn thay thế những chiếc máy bay này.
Từ cuối năm 2014, chính phủ lâm thời của Bulgaria đã đưa ra một số tín hiệu rằng, nước này có thể sẽ giảm sử dụng các máy bay chiến đấu do Nga sản xuất, từ đó giảm phụ thuộc vào Moscow.
Theo Sofia Globe, điều này đã nhanh chóng bị Moscow quy kết là "phản bội".