Phần 1: Tương quan quân sự: Liệu Mỹ có "đè" được Trung?
Bản báo cáo của RAND tiếp tục với các tình huống tác chiến và đánh giá năng lực quân sự của Mỹ-Trung trên biển (5-6), không gian mạng và hạt nhân (7-10).
5. Năng lực chống tàu mặt nước của Trung Quốc
Trung Quốc mang một nỗi ám ánh thường trực với các tàu sân bay của Mỹ kể từ khi Washington triển khai 2 chiếc trong suốt cuộc khủng hoảng tên lửa Đài Loan năm 1996 và 1997.
Hiện nay, nước này đã đạt đến trình độ có thể đặt các tàu sân bay Mỹ vào vòng hiểm nguy với các tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) mới, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên triển khai loại vũ khí này.
Mặc dù bản báo cáo chỉ ra rằng, phương thức tiêu diệt có thể khiến ASBM dễ bị tấn công trước các biện pháp đối phó của Mỹ nhưng Washington cũng phải đối mặt với thực tế rằng Trung Quốc đã phát triển được năng lực xác định vị trí và tấn công các tàu sân bay Mỹ.
Đó là chưa kể năng lực này sẽ còn được phát triển hơn nữa trong những năm tới đây. Hiện nay, Trung Quốc ngày càng trở nên đáng gờm với khả năng tình báo, giám sát và trinh sát từ ngoài đường chân trời và những vệ tinh quân sự chụp ảnh.
Cùng với mối đe dọa từ ASBM, Mỹ cũng phải cân nhắc sự phát triển ngày càng tăng của các tàu ngầm mang tên lửa hành trình và ngư lôi của Trung Quốc.
6. Năng lực chống tàu mặt nước của Mỹ
Theo RAND, Mỹ làm ăn "khá khẩm" hơn nhiều trong việc ngăn chặn các tàu đổ bộ của Trung Quốc tiếp cận Đài Loan.
Bản báo cáo chỉ ra rằng Mỹ nhờ chủ yếu vào các tàu ngầm, sức mạnh trên không và lực lượng tiến công tàu mặt nước nên Mỹ có thể tấn công tiêu diệt 40 tàu đổ bộ của Trung Quốc trong chiến dịch 7 ngày.
Tuy nhiên về phần mình, Trung Quốc hiện cũng đang nâng cấp phi đội trực thăng, tàu chống ngầm và đang tiếp tục mở rộng các hạm đội tàu đổ bộ.
Tàu đổ bộ Type 071
Kể từ năm 1996, Trung Quốc đã tăng gấp đôi năng lực vận tải đổ bộ của mình, hiện nước này có trong tay 4 tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn Type 071, trong đó mỗi chiếc có khả năng mang 4 tàu đổ bộ đệm khí.
7. Năng lực phản công trong không gian của Mỹ
Nhằm đối phó với sự phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào các vệ tinh và những tín hiệu đáng lo ngại rằng họ đang phát triển những vũ khí phản công vũ trụ, trong năm 2002 Mỹ đã bắt đầu đầu tư cho năng lực phản công vũ trụ có chọn lựa.
Nỗ lực này bao gồm việc xây dựng hệ thống chống thông tin liên lạc năm 2004 để gây nhiễu các vệ tinh liên lạc của đối phương.
Bản báo cáo cũng "mách nước" Mỹ nên đẩy mạnh phát triển các hệ thống laser năng lượng cao để làm lóa mắt các cảm biến quang của vệ tinh Trung Quốc và giao nhiệm vụ cho các tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo của Mỹ bắn hạ các vệ tinh Trung Quốc.
Những giải pháp này phần lớn bắt nguồn từ việc Trung Quốc bắn hạ một trong những vệ tinh dự báo thời tiết của Mỹ năm 2007 và đây không phải là quyết định đơn phương mà Mỹ đưa ra.
8. Năng lực phản công trong không gian của Trung Quốc
Trung Quốc đã thử nghiệm 3 tên lửa động lực chống vệ tinh năm 2007 tại quỹ đạo thấp. Trung Quốc cũng đang duy trì hoạt động các trạm laser có thể che mắt các vệ tinh của Mỹ hoặc theo dõi quỹ đạo của chúng nhằm tạo điều kiện cho những hình thức tấn công khác.
Bản báo cáo nhận ra rằng, mối đe dọa đối với các vệ tinh liên lạc của Mỹ dưới dạng các hệ thống gây nhiễu hoặc ghi hình ở quỹ đạo thấp là rất nghiêm trọng.
Bản báo cáo cho rằng điều đáng lo ngại hơn là các hệ thống của Trung Quốc do Nga sản xuất và những thiết bị truyền dẫn radio năng lượng cao có thể được sử dụng nhằm vào những vệ tinh liên lạc và tình báo trinh sát của Mỹ.
9. Năng lực tác chiến mạng của Mỹ và Trung Quốc
Các đơn vị mạng của Trung Quốc đã đi vào hoạt động kể từ cuối những năm 1990 và có mối liên hệ mật thiệt hoặc được điều hành trực tiếp bởi quân đội Trung Quốc.
Mặc dù Mỹ đã nhiều lần bị Trung Quốc tấn công an ninh mạng, trong đó đáng chú ý nhất là vụ việc của cơ quan nhân lực của Mỹ gần đây, nhưng báo cáo cho rằng trong thời chiến, an ninh mạng Mỹ sẽ có đủ khả năng chống lại các đợt tấn công của Trung Quốc.
Báo cáo chỉ ra rằng Bộ Tư lệnh mạng của Mỹ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ và nhờ cậy chủ yếu vào trang thiết bị của cơ quan này.
Bất chấp những ưu thế của Mỹ trong tình huống chiến tranh, cả hai sẽ gặp phải những bất ngờ lớn và những nỗ lực bảo đảm của Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi họ dựa chủ yếu vào mạng lưới không được bảo mật trên Internet.
10. Sự ổn định hạt nhân chiến lược của Mỹ-Trung
Phần này đánh giá khả năng sống sót của cả 2 phía, cũng như khả năng phản công hạt nhân trong tình huống một bên khai mào.
Trung Quốc đã cải thiện lực lượng hạt nhân của mình một cách vững chắc kể từ năm 1996 với việc giới thiệu các tên lửa đạn đạo liên lục địa mới như DF-31/31A và DF-5 có khả năng mang các đầu đạn tự phân tách nâng cấp.
Hải quân Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 trên các tàu ngầm lớp Jin.
Mặc dù đã sở hữu những năng lực mới này nhưng Trung Quốc vẫn chưa có đủ năng lực khắc chế một cuộc tấn công thứ hai của Mỹ.
Kết luận và khuyến nghị
Bản báo cáo cho biết, trong vòng 15 năm tới, nếu các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì phát triển theo quỹ đạo hiện nay, Châu Á sẽ chứng kiến một sân chơi với sự thống trị của Mỹ ngày một suy giảm.
Lực lượng của Trung Quốc có khả năng thiết lập ưu thế cục bộ tạm thời trong không chiến và hải chiến vào thời điểm bắt đầu giao tranh. Điều này cho phép Trung Quốc đạt được những mục tiêu nhỏ mà không cần phải đánh bại lực lượng của Mỹ mới làm được.
Đáng lo ngại hơn, khi biết mình có khả năng cạnh tranh thống trị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tin tưởng rằng họ có thể ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ trong một cuộc xung đột giữa Trung Quốc với một hoặc nhiều những người láng giềng của mình.
Bản báo cáo cũng khuyến nghị rằng Mỹ đang chủ ý thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi suy nghĩ sai lầm rằng sức mạnh quân đội Mỹ đang yếu đi trong khu vực và nhấn mạnh rằng có những rủi ro nghiêm trọng trong việc tấn công lực lượng quân sự của Mỹ.
Những ưu tiên mua sắm cần tập trung vào việc điều chỉnh tình trạng dư thừa biên chế và tăng khả năng sống sót.
Theo đó, Mỹ cần nhiều vũ khí tấn công từ xa hơn, các tiêm kích và máy bay ném bom tàng hình, những tàu ngầm, những khả năng tác chiến chống ngầm được nâng cấp và một chương trình không gian và phản công trong không gian có sức mạnh.
Quân đội Mỹ cần nhanh chóng cắt giảm những lực lượng tiêm kích có từ trước và giảm trọng tâm đặt vào những tàu sân bay cỡ lớn.
Ngoài ra, quân đội Mỹ cần phải cân nhắc chiến lược chống chống tiếp cận chủ động sử dụng chiều sâu chiến lược ở châu Á và cho phép lực lượng của Mỹ chịu đựng những đợt tiến công ban đầu và tìm cách phản công.
Mối quan hệ chính trị - quân sự với các quốc gia khu vực cần được mở rộng với một trọng tâm vào việc tiếp cận những cơ sở hạ tầng và căn cứ trong tình huống chiến tranh, đặc biệt là ở Philippines, Indonesia và Malaysia.
Bất chấp những nỗ lực trên, Mỹ vẫn gặp phải những thách thức nghiêm trọng trong khu vực.
Trung Quốc có sự tập trung lớn hơn vào hàng loạt những nhiệm vụ trong khu vực, đặc biệt là ở Đài Loan, vốn cho phép Trung Quốc tối ưu hóa lực lượng của mình cho những nhiệm vụ này.
Thua thiệt về vị trí địa lý, "xương sống" trong bất kỳ chiến lược nào, cũng làm phức tạp hóa các thách thức của Mỹ. Khoảng cách gần với Trung Quốc, nhất là các khu vực xung đột tiềm tàng, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh luôn ở thế chủ động so với Washington.