Bản báo cáo dài 430 trang, có tên gọi “Ưu thế quân sự Mỹ-Trung: Lực lượng, vị trí địa lý và sự thay đổi cán cân quyền lực 1997-2017”, do 14 học giả uy tín của RAND hợp tác soạn thảo, trong đó đánh giá năng lực của quân đội Mỹ và Trung Quốc trên 10 khu vực tác chiến.
Cụ thể hơn, bản bảo cáo phân tích mạnh yếu trong từng khu vực tác chiến, như trong trường hợp Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan.
Bản báo cáo gạt bỏ mọi yếu tố chính trị, mà tập trung phân tích liệu Trung Quốc có thể “qua mặt” các căn cứ Không quân Mỹ, đánh chìm các tàu sân bay Mỹ bằng tên lửa đạn đạo chống hạm mới, cũng như vô hiệu hóa các vệ tinh liên lạc và gián điệp của Mỹ hay không.
Để tiện theo dõi, các tác giả của bản báo cáo đã chia ra 10 tình huống tác chiến và đánh giá những năng lực của Mỹ và Trung Quốc trong một khu vực tác chiến cụ thể: trên không (1-4), trên biển (5-6), không gian mạng và hạt nhân (7-10).
1. Trung Quốc tấn công các căn cứ không quân Mỹ
Kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa trên eo biển Đài Loan năm 1996-1997, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ phá hủy các cơ sở phòng không của Đài Loan bằng các cuộc tấn công dồn dập, nhiều lớp, sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM).
Song ngày nay, không chỉ Đài Loan, căn cứ không quân Kadena của Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) cũng trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa Trung Quốc.
Số lượng các SRBM của Trung Quốc từ năm 1996 đã tăng lên tới 1.400 tên lửa, với sai số vòng tròn của chúng giảm từ hàng trăm mét xuống chỉ còn 5m.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15B của Trung Quốc
Thậm chí, chỉ một số lượng nhỏ các tên lửa chính xác cũng có thể làm tê liệt căn cứ không quân Kedena trong một vài ngày quan trọng của cuộc chiến. Những cuộc tấn công có chủ đích còn có thể khiến riêng căn cứ này phải dừng hoạt động trong nhiều tuần.
Điều này sẽ buộc máy bay Mỹ phải bay trên quãng đường dài hơn để tới tấn công Trung Quốc, ví dụ từ Alaska, Hawaii và Guam.
2. Không chiến tại Đài Loan
Trung Quốc đã thay thế một nửa số tiêm kích của họ bằng các tiêm kích thế hệ 4. Nỗ lực này đã góp phần thu hẹp phần nào khoảng cách về chất lượng giữa lực lượng Không quân Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến những vấn đề có thể nảy sinh trong trường hợp Mỹ phải phát động chiến dịch bảo vệ Đài Loan vào năm 2017.
Trong năm đó, RAND đánh giá “các chỉ huy của Mỹ sẽ không thể huy động đủ căn cứ cùng một lúc, qua đó khiến không quân Mỹ yếu thế hơn trong một chiến dịch ngắn ngày”.
Mỹ sẽ giành ưu thế trong một trận chiến dài hơi trên không nhưng điều này cũng sẽ khiến lực lượng Bộ binh và Hải quân Mỹ gặp nhiều rủi ro trước Không quân Trung Quốc.
3. Mỹ xâm nhập không phận Trung Quốc
Những tiến bộ phòng không của Trung Quốc đã khiến việc hoạt động bên trong hoặc đến gần không phận Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong năm 1996, phần lớn các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) của Trung Quốc là bản nhái các hệ thống cũ hơn của Nga như SA-2 tầm bắn 35km.
Đến năm 2010, Trung Quốc đã triển khai khoảng 200 bệ phóng cho các tên lửa SAM "2 chữ số”, trang bị các đầu dẫn tinh vi hơn với tầm bắn lên tới 200km.
Phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc cũng giành được lợi thế từ năm 1996-2017 với các hệ thống phòng không tích hợp được cải tiến, các tiêm kích thế hệ 4, và máy bay cảnh báo sớm trên không.
Tuy nhiên, trong kịch bản xung đột tại khu vực cách xa lục địa Trung Quốc như quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV), khả năng tấn công của Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn nhờ sử dụng máy bay tàng hình và các mục tiêu tại đây cũng nhỏ hơn.
4. Mỹ tấn công các căn cứ không quân Trung Quốc
Trong khi xâm nhập không phận Trung Quốc là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro hơn, việc phát triển các vũ khí chính xác đã mang lại cho Mỹ nhiều lựa chọn với những đòn tấn công uy lực hơn nếu chiến tranh nổ ra ở Đài Loan.
Ví dụ như bom thông minh JDAM và JSOW - vũ khí dẫn đường chính xác cao tấn công mục tiêu ngoài tầm tác chiến phòng không của đối phương, đã đem lại cho Mỹ những lợi thế nhất định trên chiến trường Đài Loan.
Bom thông minh GBU-31 JDAM của Mỹ
Năm 1996, Mỹ có thể làm tê liệt các đường băng trong thời gian trung bình 8 giờ; mức này tăng lên thành 2-3 ngày trong năm 2010, và duy trì tương tự trong năm 2017.
RAND đánh giá, "Tấn công trên bộ cho Mỹ một lợi thế hiếm hoi trong cuộc chiến với Trung Quốc nhưng cũng cần biết rằng, kho vũ khí tấn công từ xa của Mỹ là có hạn và một cuộc xung đột dài hơi sẽ còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác".
(Còn tiếp)