Những tiết lộ gần đây về tiêm kích J-31 Trung Quốc cho thấy mẫu máy bay này không chỉ có bề ngoài giống với tiêm kích F-35 của Mỹ mà còn có thuộc tính khí động học tương tự.
Song theo nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar của tạp chí The National Interest (Mỹ), vấn đề cần quan tâm lúc này là Trung Quốc đã tiến được bao xa trong lĩnh vực phát triển các hệ thống phụ như radar và động cơ cho máy bay.
Ngoài ra, còn có một câu hỏi khác, đó là năng lực của ngành công nghiệp Trung Quốc đã tới đâu trong việc tích hợp tất cả các công nghệ khác nhau lên cùng 1 thiết kế máy bay.
Xét bề ngoài, J-31 rất giống F-35 của Mỹ, và có rất nhiều lý do để tin rằng chiến đấu cơ của Trung Quốc là sản phẩm dựa trên công nghệ đánh cắp từ F-35.
Một cựu phi công Mỹ từng nói: “Tôi nghĩ rằng, cuối cùng máy bay của họ sẽ ngang bằng với chiến đấu cơ thế hệ 5 của chúng tôi vì hoạt động gián điệp công nghiệp tinh vi vẫn tiếp diễn”.
Song, ông Majumdar cho rằng, máy bay của Trung Quốc không nhất thiết phải so kè với tiêu chuẩn của F-35 theo kiểu “một chọi một”. Bắc Kinh chỉ cần gây thiệt hại cho quân đội Mỹ tới mức họ nhận thấy quá đắt đỏ nếu tiếp tục chiến đấu.
Theo giả thuyết trước đó, tiêm kích F-22 sẽ chiếm ưu thế với tỷ lệ tiêu diệt 30:1 trước J-11. Song, Không quân Mỹ chỉ có thể huy động 120 tiêm kích Raptor với tỷ lệ tiêu diệt 3:1 khi đối đầu chiến đấu cơ tàng hình J-31 hoặc J-20.
“Khi chiến đấu với J-20 và J-31, thậm chí với lợi thế là tỷ lệ tiêu diệt 3:1, Mỹ vẫn rất tốn kém” - một chỉ huy Không quân Mỹ nói.
Vậy nên nhìn nhận loại tiêm kích tàng hình mới của Trung Quốc như thế nào?
J-31 yếu kém về điện tử hàng không...
Theo Majumdar, sự yếu kém của J-31 nằm ở hệ thống điện tử hàng không, như radar, hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, liên kết dữ liệu và kết hợp cảm biến.
Khá đơn giản để hoàn thiện các hệ thống riêng rẽ nhưng kết hợp dữ liệu từ vô số các cảm biến và thiết bị trên khoang lại là một việc cực kỳ khó khăn.
Thậm chí F-22 cũng không thể kết hợp hệ thống liên kết dữ liệu Link-16 với các cảm biến trên khoang cho tới khi có gói nâng cấp phần mềm Increment 3.2A.
Đây là một trong những lý do khiến Lockheed Martin tụt lại trong quá trình phát triển F-35 và cũng là lý do tại sao các quan chức Không quân Mỹ và Văn phòng chương trình F-35 không ngừng lo ngại về hệ thống phần mềm của tiêm kích này.
J-31 vẫn còn nhiều yếu kém về điện tử hàng không và động cơ.
Từ khó khăn mà Mỹ gặp phải, ông Mujamdar hoài nghi liệu rằng với năng lực của ngành công nghiệp Trung Quốc hiện nay, quá trình phát triển J-31 có thể đạt các tiêu chuẩn như F-22 hay F-35 hay không.
Bên cạnh đó, cho tới nay, Bắc Kinh vẫn chưa đủ khả năng sản xuất động cơ đáng tin cậy cho máy bay. Vì vậy, sẽ phải mất một thời gian nữa Trung Quốc mới bắt kịp được cỗ máy thế hệ 5 của Mỹ.
... nhưng có ưu thế với tên lửa
Majumdar nhận định, dù J-31 chưa thể sánh được với F-35 về công nghệ nhưng người Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ để phát triển một loại tên lửa mới mang tên PL-15.
Có vẻ loại tên lửa này có nhiều điểm tương tự với tên lửa ngoài tầm nhìn Meteor của châu Âu.
PL-15 được cho là có nhiều điểm tương tự tên lửa Meteor của châu Âu.
Giống như Meteor, tên lửa PL-15 được trang bị động cơ ramjet, mang lại tầm bắn xa và hiệu suất pha cuối tốt hơn so với tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 của Mỹ.
Động cơ của AIM-120 đốt cháy trong khoảng vài chục giây và lao đến mục tiêu như phần lớn các loại vũ khí không đối không khác. Tên lửa này có điểm yếu là rất dễ bị gây nhiễu bằng công nghệ DRFM và cần sớm được thay thế.
Có vẻ Bộ chỉ huy tác chiến Không quân Mỹ (ACC) cuối cùng đã nhìn nhận mối đe dọa này một cách nghiêm túc, kể từ khi các quan chức Không quân Mỹ phàn nàn về vấn đề của AIM-120.
Mới đây, phát biểu trên tạp chí Flight Global, Tướng Carlisle, chỉ huy ACC đã bày tỏ sự lo ngại lớn về PL-15 và tầm bắn của tên lửa này.
Có thể thấy, so với J-31, F-35 có lợi thế về mặt công nghệ nhưng việc thiếu tên lửa tầm xa đáng tin cậy có thể khiến chiến đấu cơ này gặp nguy hiểm.