Theo tạp chí The National Interest (Mỹ), tiêm kích F-15 Eagle là sản phẩm của tập đoàn McDonnell Douglas (nay là Boeing). Nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7/1972.
Eagle được thiết kế cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Nhanh nhẹn, tầm bay cao, hỏa lực mạnh, năng lực của F-15 được xây dựng dựa trên radar xung Doppler AN/APG-63 mà Liên Xô không có thiết bị tương tự.
Sau khi McDonnell Douglas sáp nhập với Boeing, Eagle tiếp tục được nâng cấp lên tiêu chuẩn F-15E Strike Eagle.
Hiện tại, Không quân Mỹ đang sử dụng 2 biến thể F-15C và F-15E cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công mặt đất. Dự kiến, chiến đấu cơ này sẽ tiếp tục phục vụ trong Không quân Mỹ thêm nhiều thập kỷ.
F-15SA, phiên bản tiên tiến nhất của Eagle, đã được Saudi Arabia đặt hàng. Số lượng đặt mua là 84 chiếc F-15SA cùng 70 bộ thiết bị để nâng cấp F-15E của không quân Saudi Arabia lên tiêu chuẩn mới.
Hợp đồng trị giá đến 29,5 tỷ USD được ký kết vào tháng 12/2011 trở thành thương vụ bán hàng nước ngoài lớn nhất lịch sử Mỹ.
Những cải tiến vượt trội
Trong những năm gần đây, Boeing đã phát triển và thử nghiệm phiên bản nâng cấp với động cơ General Electric F110 thay cho Pratt & Whitney F100.
Tập đoàn này đã sẵn sàng để cung cấp máy bay cho khách hàng. Phiên bản F-15SA được giới thiệu tại nhà máy của Boeing ở Saint Louis, Missouri vào ngày 30/4/2013.
Một trong những nâng cấp đáng kể nhất của F-15SA là hệ thống kiểm soát bay “fly-by-wire” kỹ thuật số, cho phép tăng khả năng ổn định của máy bay.
Hệ thống mới giúp khôi phục 2 giá treo tên lửa ở đầu mút cánh mà F-15E không thể sử dụng, giúp nâng số giá treo vũ khí lên 9 so với 7 ở phiên bản cũ.
F-15SA có nhiều cải tiến vượt trội
Nâng cấp quan trọng khác là F-15SA được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) AN/APG-63 V3.
Ngoài ra, khách hàng tiềm năng có thể lựa chọn radar AN/APG-82, loại phổ biến được lắp đặt trên chiến đấu cơ của Không quân Mỹ.
Bên cạnh đó, phiên bản mới còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử kỹ thuật số (DEWS) có khả năng gây nhiễu tần số vô tuyến kỹ thuật số.
Hệ thống DEWS hoạt động ở băng thông tần số liên tục chứ không quét ở một dải tần nhất định như được sử dụng trên các tiêm kích tàng hình. Hệ thống sử dụng ăng ten giao thoa mới còn cho phép đo chính xác hơn nhiều so với hệ thống cũ.
Hiệu quả của DEWS được đánh giá tương đương với hệ thống sử dụng trên tiêm kích thế hệ 5 F-22 hoặc F-35. Hệ thống này tốt hơn nhiều so với loại sử dụng trên F-15E của Không quân Mỹ.
Thêm nữa, F-15SA được trang bị hệ thống tìm kiếm mục tiêu hồng ngoại AN/AAS-42. Tất cả hệ thống cảm biến trên máy bay được hợp nhất với nhau tương tự như F-22 hay F-35.
Hình ảnh thu thập được từ hệ thống cảm biến được hiển thị trên màn hình LCD khổ rộng dành cho cả 2 phi công phía trước và phía sau. Một tính năng đỉnh khác của phiên bản này là cả 2 phi công đều được trang bị mũ bay tích hợp.
Nhìn chung, F-15SA là chiến đấu cơ thế hệ 4 mạnh mẽ nhất mà Mỹ từng sản xuất.
Châu Á là khách hàng tiềm năng
National Interest đánh giá, F-15SA vẫn khó lòng cạnh tranh với F-35 trên thị trường xuất khẩu. Thời gian tới, nhiều khả năng F-35 vẫn sẽ là chiến đấu cơ chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là ở các nước phương Tây.
Tính năng tàng hình giúp F-35 (trên) có nhiều lợi thế trên thị trường xuất khẩu so với F-15SA (dưới).
Sở dĩ như vậy vì tàng hình là xu thế tất yếu để đáp ứng mối đe dọa từ các hệ thống phòng không do Nga và Trung Quốc phát triển. Mặt khác, F-35 có sự ủng hộ của chính phủ nước ngoài, trong đó Mỹ là đối tác chính.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Boeing có thể xuất khẩu F-15 cho một số khách hàng nước ngoài có tiềm lực mạnh về tài chính. Đó là những quốc gia cần máy bay chiến đấu tầm xa tiên tiến và đủ khả năng chi trả chi phí khá cao của phiên bản mới.
National Interest nhận định, những khách hàng tiềm năng có thể là một số quốc gia Trung Đông hay châu Á không có cơ hội mua F-35 trong tương lai gần.