Trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, từ đầu những năm 2000, Quân chủng PK-KQ đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư mua sắm một số vũ khí trang bị hiện đại, trong đó có máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 và tên lửa phòng không S-300PMU1.
Ngày 20-09-2005, Đoàn tên lửa phòng không 93 (hay còn gọi là Đoàn tên lửa S3) được thành lập và trở thành đơn vị thứ hai của Quân chủng PK-KQ, sau Đoàn tên lửa S4 được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không di động đa kênh S-300PMU1 hết sức hiện đại.
Nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn tên lửa S3 là phối hợp cùng với các lực lượng khác, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo, thềm lúc địa phía Nam của Tổ quốc.
Nhằm tăng sức cơ động, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong những điều kiện tác chiến phức tạp, sẵn sàng đánh bại các đợt tập kích đường không của địch, ngày 16-12-2013, Đoàn tên lửa S3 chính thức được nâng lên thành Trung đoàn tên lửa 93.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thọ, Ủy viên Thường vụ, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho Trung đoàn.
Đơn vị được hình thành trên cơ sở sáp nhập Tiểu đoàn 123 (trang bị pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M) vào Đoàn tên lửa phòng không 93 (trang bị tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1), với tên gọi Trung đoàn tên lửa 93.
Tổ hợp tên lửa S-300PMU1 của Trung đoàn 93 triển khai chiến đấu. Ảnh: báo Đồng Nai.
Kế thừa truyền thống vẻ vang
Tiền thân của Trung đoàn tên lửa 93 chính là Tiểu đoàn tên lửa 93 thuộc Trung đoàn 261, Sư đoàn phòng không Hà Nội (Sư đoàn phòng không 361).
Tiểu đoàn tên lửa 93 được thành lập năm 1965 giữa lúc cuộc Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968) đang diễn ra hết sức ác liệt. Đứng trong đội hình Trung đoàn 261, tiểu đoàn có vinh dự được giao nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Hà Nội.
Theo báo Đồng Nai, trong quá trình chiến đấu, đơn vị đã tham gia đánh nhiều trận, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta vượt qua những thời khắc khó khăn, đánh bại nhiều âm mưu thâm độc của kẻ địch.
Tiểu đoàn 93 đã tham gia 50 trận đánh, bắn rơi 13 máy bay Mỹ. Đặc biệt, trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm tháng 12-1972, Tiểu đoàn đã bắn rơi tại chỗ 3 chiếc "siêu pháo đài bay" B-52.
Đáng chú ý, trận đánh lúc 20 giờ 13 ngày 18-12-1972, Tiểu đoàn 93 cùng các tiểu đoàn 57, 59 và 94 thuộc Trung đoàn tên lửa 261 đã tiêu diệt tốp máy bay Mỹ đánh phá các kho tàng ở Đông Anh và Cổ Loa.
Chỉ với 2 quả đạn, đơn vị đã hạ gục một máy bay B52, góp phần giải tỏa những băn khoăn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh và tất cả cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ Hà Nội, vì trước đó cả 9 trận đánh cấp tiểu đoàn trong đợt đầu tiên chưa thành công.
Sau chiến công này, kinh nghiệm đánh B52 được phổ biến cho các đơn vị phòng không bảo vệ thủ đô Hà Nội học tập, đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Hòa bình lập lại, Tiểu đoàn 93 cùng đội hình chiến đấu của Trung đoàn 261 cơ động vào Nam làm nhiệm vụ bảo vệ Khu công nghiệp dầu khí Vũng Tàu và được biên chế vào đội hình Sư đoàn Phòng không 367.
Do yêu cầu phát triển lực lượng và phát triển khí tài mới, tháng 9-2005, Bộ Tổng tham mưu đã quyết định nâng cấp Tiểu đoàn 93 thành Đoàn tên lửa 93 với trang bị là tổ hợp tên lửa phòng không di động đa kênh S-300PMU1.
Ngày 22-5, BQP ra quyết định sáp nhập Đoàn tên lửa 93 và Tiểu đoàn 123 pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 thành Trung đoàn tên lửa 93, thuộc Sư đoàn 367, Quân chủng PK-KQ. Ngày 16-12-2013, Đoàn tên lửa S3 chính thức được nâng lên thành Trung đoàn tên lửa 93.
Thượng tá Đỗ Trọng Huệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 93, cho biết kết thúc phong trào Thi đua quyết thắng năm 2014, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng danh hiệu Đơn vị huấn luyện giỏi, được BQP, Quân chủng PK-KQ, Sư đoàn 367 khen thưởng.
Trung đoàn tên lửa 93 huấn luyện làm chủ vũ khí mới, hiện đại. Ảnh: Sư đoàn phòng không 367.
Làm chủ vũ khí hiện đại
Thượng tá Đỗ Trọng Huệ cho biết, được trang bị vũ khí và công nghệ mới, hiện đại nên đơn vị rất quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đồng thời huấn luyện làm chủ vũ khí mới, sẵn sàng cơ động thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu trong mọi tình huống.
Mười năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn 93 luôn xứng đáng là đơn vị chính quy, tinh nhuệ, hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam; có khả năng cơ động, sức chiến đấu cao, ngày đêm dõi mắt canh trời, không một giây phút để Tổ quốc bị bất ngờ.
Trung đoàn 93 được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 được thiết kế cho nhiệm vụ phòng chống các cuộc tiến công đường không ồ ạt ở mọi độ cao và tốc độ, cũng như hoạt động chế áp điện tử mạnh của các loại phương tiện chiến đấu đường không.
Tổ hợp có thể tiêu diệt máy bay chiến đấu các loại, vũ khí tấn công tầng thấp, tên lửa hành trình chiến lược, các loại tên lửa đường đạn chiến thuật, chiến thuật - chiến dịch hay tên lửa đường đạn hiện có và thế hệ mới của đối phương.
Đây là loại vũ khí phòng không tầm xa, có khả năng tác chiến độc lập hay tác chiến hiệp đồng trong đội hình phòng không hợp thành thông qua các hệ thống khí tài chỉ huy đồng bộ.
Nhờ ứng dụng các khí tài kết nối tiên tiến, tương thích với các hệ thống nhận diện bảo mật mặt đất và khí tài thông tin liên lạc của các cấp chỉ huy chiến đấu, tổ hợp S-300PMU1 có khả năng thích ứng và hoà nhập nhanh chóng trong mọi hệ thống phòng không quốc gia.
Tên lửa S-300 luôn sẵn sàng chiến đấu.
Theo Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, tổ hợp tên lửa S-300PMU1 có nhiều điểm ưu việt như cự ly phát hiện mục tiêu lớn (tới 300km) và tầm bắn xa (tới 150km), đánh được những mục tiêu có tốc độ tối đa tới 2.800m/s.
Bên cạnh đó, tổ hợp có thời gian chuyển trạng thái từ chế độ hành quân sang sẵn sàng chiến đấu 5 phút, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại.