Yak-130 sẽ nâng cánh bay cho phi công tiêm kích Việt Nam?

Bình Nguyên |

Yak-130 hoàn toàn là lựa chọn hợp lý bởi nguyên thủy nó được thiết kế phục vụ cho mục đích chính là huấn luyện phi công Nga.

Máy bay huấn luyện L-39 còn bay được bao lâu nữa?

Theo cơ sở dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), Không quân Việt Nam đã nhận chuyển giao và đưa vào biên chế tổng cộng ít nhất 34 chiếc máy bay huấn luyện phản lực 2 chỗ ngồi L-39 thuộc các phiên bản khác nhau.

Trong đó có 24 chiếc L-39C chuyển giao trong giai đoạn 1980-1981 từ Cộng hòa Czechoslovakia (sau này tách thành 2 quốc gia độc lập là CH Séc và CH Slovakia) và mua bổ sung ít nhất 10 chiếc L-39Z trị giá khoảng 6 triệu USD từ Cộng hòa Séc trong năm 2003.

L-39 được biên chế cho Trung đoàn Không quân 910 thuộc Trường SQKQ để thực hiện nhiệm vụ đào tạo phi công phản lực có trình độ bay, kỹ thuật lái, dẫn đường và kỹ năng chiến đấu cơ bản, có đủ điều kiện để bay chuyển loại sang các loại máy bay chiến đấu.


Máy bay huấn luyện L-39 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Aviator007/Jetphotos.net.

Máy bay huấn luyện L-39 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Aviator007/Jetphotos.net.

Tuy nhiên, các máy bay L-39C, mặc dù đã được sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn lên trên 30 năm dưới sự trợ giúp về kỹ thuật cũng như cung cấp phụ tùng từ Tập đoàn Hàng không AERO Vodochody (CH Séc), nhưng đều đã cũ, giờ bay dữ trữ còn lại không nhiều.

Một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định vòng đời máy bay đó chính là tuổi thọ khung thân, và chỉ số này của máy bay L-39 đã sắp đạt ngưỡng thiết kế. Do vậy, nhu cầu thay thế L-39 bằng loại máy bay huấn luyện phản lực thế hệ mới là khá cấp thiết.

Ngay như Thái Lan, vốn đưa vào vận hành các máy bay L-39Z sau Việt Nam khá lâu nhưng cũng đã tính đến việc phải thay thế chúng khi ngày 17 tháng 9 vừa rồi, giới truyền thông loan tin rằng quốc gia này đã ký hợp đồng đặt mua 4 chiếc máy bay huấn luyện T-50TH.

Các máy bay trị giá 110 triệu USD do Hàn Quốc sản xuất dưới sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tập đoàn Lockheed Martin (Hoa Kỳ) sẽ phải được bàn giao toàn bộ cho Không quân Thái Lan vào trước tháng 3 năm 2018.

Tất nhiên, với Việt Nam, do điều kiện ngân sách có hạn, chắc chắn tiến trình thay thế sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, nhằm tận dụng tối đa số máy bay L-39 còn tốt, đáp ứng yêu cầu đào tạo phi công quân sự theo tiến trình tiến thẳng lên hiện đại của Quân chủng PK-KQ.

tư lệnh quân chủng pk-kq
Trung tướng lê huy vịnh
"Để xây dựng lực lượng PK-KQ "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", phát huy tốt hơn những hiệu quả đạt được, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, tôi đề nghị, trong nhiệm kỳ tới Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, dự báo dự báo, nắm chắc tình hình; tạo bước đột phá trong hiện đại hóa phương tiện vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho lực lượng PK-KQ. Quan tâm xây dựng nguồn lực con người có chất lượng cao, sử dụng thành thạo VKTBKT, phương tiện cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, VKTBKT sau cải tiến, VKTBKT mới.".

Tại sao Việt Nam nên chọn Yak-130?

Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), nếu chỉ xét các tiêu chí về đặc tính kỹ chiến thuật, giá thành, chi phí vận hành, bảo dưỡng sửa chữa thì Yak-130 có nhiều lợi thế so với các loại máy bay tương tự hiện có trên thế giới.

Thứ nhất, tương lai rộng mở. Việc Yak-130 được Không quân Nga và nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn làm máy bay huấn luyện phản lực thế hệ kế tiếp của họ cho thấy tương lai của nó là hết sức tươi sáng.

Bên cạnh đó, Yak-130 được phát triển dựa tư duy hoàn toàn mới, ứng dụng nhiều công nghệ hàng không tiên tiến nhất và có thiết kế mở, tạo ra khả năng nâng cấp không giới hạn. Nhờ vậy, cấu hình có thể tùy biến theo yêu cầu của từng nhiệm vụ cụ thể.

Yak-130 có thể tích hợp với nhiều khí tài, thiết bị điện tử hàng không và vũ khí mới như tên lửa đối đất, đối không, bom có điều khiển chính xác hiện có và sẽ được phát triển trong tương lai để có thể đảm đương nhiệm vụ tiến công mặt đất hoặc tiêm kích phòng không.


Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện phi công, Yak-130 có thể mang được nhiều loại vũ khí, trang bị khác nhau để làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không, tiến công mặt đất. Ảnh: Rusarmy.com

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện phi công, Yak-130 có thể mang được nhiều loại vũ khí, trang bị khác nhau để làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không, tiến công mặt đất. Ảnh: Rusarmy.com

Tất nhiên, khó có thể đòi hỏi các tính năng này tuyệt hảo như những máy bay chiến đấu đa năng hoặc chuyên nhiệm. Bởi lẽ, Yak-130 được thiết kế chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện phi công chiến đấu phản lực thế hệ 4 và thế hệ 5.

Thứ hai, giá cạnh tranh. Với mức giá cơ sở ước vào khoảng 15 triệu USD mỗi chiếc, rõ ràng Yak-130 có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trực tiếp của nó như Т-50 (Hàn Quốc, 25 triệu USD), L-159 (CH Séc, 17 triệu USD) và L-15 (Trung Quốc, 15 triệu USD).

Đặc biệt, một khi đã được chọn làm máy bay huấn luyện xương sống của Không quân Nga và nhiều quốc gia khác, Yak-130 sẽ được sản xuất với số lượng lớn, ngày càng hoàn thiện và nguồn cung cấp phụ tùng, linh kiện, động cơ được đảm bảo trong nhiều chục năm tới.

Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam được chia sẻ chi phí nghiên cứu & triển khai vốn được phân bổ đều cho tổng số máy bay được sản xuất. Do vậy, rất có thể phía Nga sẽ tính toán và dành cho Việt Nam mức giá "dễ chịu" nếu quyết định mua Yak-130.

Chưa kể, Yak-130 có tuổi thọ phục vụ ít nhất 30 năm với số giờ bay theo thiết kế ước đạt 10.000 giờ, được các chuyên gia đánh giá hoạt động tin cậy, ổn định, tiết kiệm chi phí vận hành, dễ dàng kiểm tra, sửa chữa.

Đây là những yếu tố tiên quyết nếu Việt Nam quyết định mua Yak-130, bởi lẽ phù hợp điều kiện kinh tế, vừa giúp đảm bảo duy trì hệ số kỹ thuật ở mức cao, đáp ứng yêu cầu huấn luyện phi công, góp phần đưa Quân chủng PK-KQ tiến thẳng lên hiện đại.

Thứ ba, đồng hành cùng các máy bay chiến đấu đa năng thế hệ mới. Phải khẳng định, trong tương lai vài chục năm tới, xương sống của Không quân Việt Nam vẫn sẽ dựa các máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4, 4++ hay thậm chí là thế hệ 5 xuất xứ từ Nga.

Do vậy, để đơn giản hóa và tiết kiệm chi phí huấn luyện, chuyển loại cho phi công bay trên các máy bay thế hệ mới của Nga, thì Yak-130 hoàn toàn là lựa chọn hợp lý bởi nguyên thủy nó được thiết kế phục vụ cho mục đích chính là huấn luyện phi công Nga.

Sẽ chẳng có lý do nào đủ xác đáng để bác bỏ quy trình đào tạo phi công chiến đấu phản lực Nga vốn đã được tính toán kỹ, rất khoa học khi đi phi công của họ từ Yak-130 lên Su-27SM, Su-30SM, Su-30M2, Su-34, Su-35S và T-50 Pak-FA.

Vậy tại sao Việt Nam lại không học theo quy trình vốn đã tương đối hoàn hảo như vậy? Hy vọng, trong tương lai không xa, các Yak-130 sẽ nâng cánh bay cho các phi công tiêm kích Việt Nam để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại