Theo NI, do quân đội Mỹ phụ thuộc rất lớn vào phổ điện từ và mạng lưới vệ tinh quân sự nên Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực khổng lồ vào chương trình phát triển các loại vũ khí phục vụ tác chiến không gian.
Loại vũ khí bí ẩn đầu tiên trong số này là trạm không gian Thiên Cung.
Sau khi được đưa vào vận hành năm 2022, trạm không gian này có thể mang theo các loại vũ khí chống vệ tinh được thiết kế để "làm mù" các lực lượng quân đội Mỹ và cắt đứt mạng lưới do thám của họ.
Loại "vũ khí" thứ 2, theo NI, là cơ sở sản xuất của nước này. Trung Quốc được coi là "công xưởng của thế giới", sản xuất mọi thứ, từ thịt nướng đến iPhone.
Đặc biệt là với iPhone, tính tới cuối năm 2014, nhà chế tạo Trung Quốc đã xây dựng được quy mô với 100 dây chuyền sản xuất, 200.000 công nhân, sản lượng iPhone mỗi ngày đã đạt 540.000 chiếc, điều này gây kinh ngạc cho dư luận.
NI cho rằng, với năng lực sản xuất như vậy, Trung Quốc sẽ có thể sản xuất hàng loạt các hệ thống vũ khí.
Sinh viên tốt nghiệp đại học là "vũ khí" thứ 3 mà NI cho rằng Mỹ nên lo ngại. Đến năm 2020, dự tính trong đội quân lao động của Trung Quốc sẽ có 195 triệu sinh viên tốt nghiệp.
Quân đội Trung Quốc (PLA) luôn tận dụng tình hình quá thừa thãi sinh viên đại học để tuyển quân, trên danh nghĩa là mang lại "cơ hội tốt đẹp" cho những sinh viên không tìm được công việc văn phòng.
Đó là bởi lực lượng này đã bắt đầu phải phụ thuộc vào các công nghệ tiên tiến.
NI nhận định, với đội quân trí thức như vậy, Mỹ và đồng minh có thể sẽ phải đối mặt với một quân đội Trung Quốc tinh thông công nghệ hơn và tác chiến hiệu quả hơn trên chiến trường tương lai.
Cũng theo NI, quân đội Trung Quốc có thể sẽ sử dụng thủy lôi như loại vũ khí thứ 4 để đối phó Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, một tàu tuần dương và một tàu đổ bộ trực thăng của Mỹ đã bị hư hại do thủy lôi mà lực lượng Iraq bố trí.
Thế nhưng, 20 năm sau, Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào những chiếc tàu quét mìn và trực thăng già cỗi mà nước này đã sử dụng vào năm 1991.
Ước tính quân đội Trung Quốc có từ 50.000 - 100.000 quả thủy lôi. Trong trường hợp xảy ra xung đột, chúng có thể sẽ được sử dụng trong các chiến dịch chống tiếp cận trên biển để đối phó Hải quân Mỹ.
Theo National Interest, Mỹ nên đặc biệt lưu ý các lực lượng đặc nhiệm của Trung Quốc.
Loại "vũ khí" cuối cùng mà Mỹ nên đặc biệt lưu tâm là đặc nhiệm Trung Quốc, thông tin về các lực lượng này rất ít ỏi.
Dennis Blasko, một chuyên gia về các lực lượng đặc biệt Trung Quốc, cho biết PLA hiện có 8 lữ đoàn đặc nhiệm và 3 cụm tác chiến đặc nhiệm.
Lực lượng nhảy dù của Quân đội Trung Quốc cũng có một đơn vị đặc nhiệm hỗ trợ 3 sư đoàn nhảy dù.
Hạm đội Nam Hải có một trung đoàn biệt kích, ngay cả Quân đoàn pháo binh số 2 - lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc - cũng có một đơn vị đặc nhiệm.