Quân cảng Cam Ranh đã thay đổi như thế nào trong 2 năm qua?

Trước khi thực hiện công tác đầu tư xây dựng quân cảng Cam Ranh giai đoạn 2011-2013, từ năm 2002 trở về trước, quân cảng Cam Ranh đã từng là căn cứ quân sự của Mỹ và Nga.

Bộ Quốc phòng vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác đầu tư xây dựng quân cảng Cam Ranh giai đoạn 2011-2013, buổi sơ kết được tổ chức ngày 19/2 tại Khánh Hòa. Chủ trì buổi lễ do Thượng tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Theo kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự Cam Ranh thành căn cứ quân sự liên hiệp đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, năm 2011, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Căn cứ quân sự Cam Ranh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, giai đoạn 2011-2013, triển khai 11 dự án đầu tư xây dựng doanh trại và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tính đến cuối năm 2013, các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 5/11 dự án, các dự án còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2014.

Thượng tướng Lê Hữu Đức trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các dự án tại Căn cứ quân sự Cam Ranh giai đoạn 2011-2013.
Thượng tướng Lê Hữu Đức trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các dự án tại Căn cứ quân sự Cam Ranh giai đoạn 2011-2013.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Lê Hữu Đức biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện các dự án tại Căn cứ quân sự Cam Ranh. Thượng tướng Lê Hữu Đức yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan trong giai đoạn tiếp theo cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Quân chủng Hải quân phát huy những thành tích đã đạt được tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng triển khai các dự án đúng quy trình, đúng tiến độ, chất lượng tốt; các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát phải tích cực chủ động chấp hành nghiêm quy trình, quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, các sản phẩm làm ra phải có chất lượng tốt.

Trước khi thực hiện công tác đầu tư xây dựng quân cảng Cam Ranh giai đoạn 2011-2013, từ năm 2002 trở về trước, quân cảng Cam Ranh đã từng là căn cứ quân sự của Mỹ và Nga. Tuy nhiên ngày 4/5/2002, những người lính Nga cuối cùng đã bước lên tàu Xakhalin từ biệt căn cứ Cam Ranh sau gần 1/4 thế kỷ có mặt tại nơi này. Cam Ranh đã được gửi lại cho Việt Nam, như một căn cứ nền tảng để trở nên hùng mạnh và ý nghĩa chiến lược trong khu vực.

Hình ảnh căn cứ quân sự Cam Ranh năm 1965
Hình ảnh căn cứ quân sự Cam Ranh năm 1965

Cam Ranh đã âm thầm phát triển, trở thành một tổ hợp Hải quân và không quân hùng mạnh, với các trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại có thể đánh trả mọi đe dọa chiến tranh với Việt Nam, như lời Trung tướng, Viện sĩ A.V Phêđôrôvích nhận xét.

Giới chuyên gia quân sự đã thừa nhận vị trí của Cam Ranh có tầm ảnh hưởng to lớn tới bản đồ địa – chiến lược toàn cầu, cho dù họ có đứng ở các chân trời quan điểm nào đi chăng nữa. Năm 1888, Hải hạm của Nga mang tên “Tráng sĩ” trong chuyến đi vòng quanh thế giới đã cập cảng Cam Ranh, sau đó, nơi đây đã trở thành quân cảng của các nước lớn thay nhau đồn trú trong vòng gần 100 năm trở lại đây. Trong cuộc chiến Nga – Nhật 1905, hơn 100 chiến thuyền thuộc Hạm đội Thái Bình Dương số 2 của Hải quân Nga Hoàng đã từng tập trung tại Cam Ranh.

Năm 1935, người Pháp bắt đầu cho xây dựng căn cứ hải quân tại Cam Ranh. Năm 1940, Cam Ranh rơi vào tay Nhật Bản, trở thành bàn đạp để Nhật Bản tiến đánh Malaysia và các quần đảo thuộc địa của Hà Lan (nay là Indonesia).

Từ năm 1965 đến 1972, Mỹ đã xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự khổng lồ được coi là “bất khả xâm phạm” để làm cứ điểm tiếp liệu và khí tài quân sự cho chiến tranh, đồng thời khống chế hành lang phía tây Thái Bình Dương.

Năm 1972, người Mỹ trao lại căn cứ này cho quân đội Sài Gòn và 3 năm sau quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng Cam Ranh. Khi tiếp quản, Cam Ranh đã bị phá hủy hoàn toàn các bến neo tàu, đường sá, sân bay, hệ thống đường dây tải điện cũng như các khu nhà ở.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại