Chuyện Cam Ranh: Kỳ vọng của Nga trong quan hệ với Việt Nam

Sự hiện diện một trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng và cung cấp hậu cần kỹ thuật tại cảng Cam Ranh có ý nghĩa rất lớn với lực lượng Hải quân Nga, trước hết là hạm đội Thái Bình Dương.

Năm nay, Liên bang Nga và Việt Nam triển khai xây dựng Trung tâm sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các tàu có nguồn gốc từ Liên xô (cũ) và nước Nga ngày nay tại Cam Ranh và đưa vào khai thác sử dụng năm 2015, khả năng trung tâm này sẽ phát triển thành trung tâm đại tu và cơ sở cung cấp hậu cần kỹ thuật cho các chiến hạm và tàu có nguồn gốc từ Liên xô (cũ) và Nga tại Việt Nam.

Năm 2009, trong cuộc viếng thăm chính thức nước Nga tại Moscow, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký hợp đồng với Nga cung cấp cho Hải quân Việt Nam sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636.

Đồng thời theo tinh thần của Hợp đồng có nội dung huấn luyện thủy thủ đoàn và lực lượng kỹ thuật viên chuyên ngành.

Chính vì vậy, tập đoàn cổ phần nhà nước "Kontsern" và Công ty cổ phần giải pháp công nghệ "Aurora" có văn phòng đại diện tại Nha Trang từ tháng 4/2013 bắt đầu triển khai xây dựng trung tâm đào tạo – huấn luyện thủy thủ đoàn tàu ngầm tại Cam Ranh.

Mô hình tàu ngầm Kilo Nga đóng cho Việt Nam
Mô hình tàu ngầm Kilo Nga đóng cho Việt Nam

Cam Ranh – Một trong những hải cảng chiến lược quan trọng và thuận tiện cho các hoạt động hải quân bậc nhất của châu Á.

Từ Cam Ranh, có thể kiểm soát tuyến đường vận tải biển quan trọng bậc nhất thế giới, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Cách cảng Cam Ranh không xa là eo biển Luzon và Malacca. Cam Ranh đảm bảo sự hiển diện thuận lợi của Hải quân Nga không chỉ ở vùng nước phía Bắc Ấn Độ Dương, mà còn trong vùng nước Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Sau khi Quân đội Xô viết rút khỏi quân cảng, Việt Nam đã xây dựng sân bay quân sự trước đây thành sân bay dân sự, đồng thời quyết định không cho phép bất cứ một nước nào triển khai căn cứ quân sự trong khu vực này.

"Quan điểm của Việt Nam là không cho phép bất cứ một quốc gia nào triển khai ở Cam Ranh các căn cứ quân sự, - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói – Việt Nam có kế hoạch xây dựng cảng Cam Ranh thành hải cảng dịch vụ quốc tế, phục vụ tất cả các hạm tàu quân sự và dân sự của các nước trên thế giới. Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng và quản lý bằng nguồn lực của mình".

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trong thời gian Quân đội Xô viết sử dụng căn cứ Cam Ranh, ngay cả lúc căn cứ phát triển nhất, Việt Nam vẫn giữ vững chủ quyền và kiểm soát các hoạt động ra vào căn cứ bằng các đơn vị pháo bờ biển bên cửa cảng và kiểm soát bầu trời bằng các đơn vị pháo – tên lửa phòng không.

Trên bộ, căn cứ được giới hạn bằng hai vành đai kiểm soát song song, vành đai bên ngoài là lực lượng Quân đội Việt Nam, lực lượng này cũng tham gia công tác trong căn cứ, hai bên đều hoạt động trong tinh thần hợp tác hữu nghị và tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau.

Từ quan điểm của Việt Nam có thể nhận thấy, hình thành căn cứ quân sự Hải quân trong khu vực Đông Nam Á là một điều không thể.

Với những thắng lợi về đối ngoại chính trị của Nga trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013, nhiều người Nga mong ước có lại được thời kỳ Liên bang Xô viết với những căn cứ quân sự hùng mạnh trên thế giới. Nhưng chính sách đối ngoại mà chính phủ Nga thực hiện ở Syria, bức thư gửi tờ The New York Times của tổng thống Nga Putin cho thấy chính sách đối ngoại chính trị của Nga thể hiện một quan điểm rõ ràng:

Nga không phải là lực lượng đối đầu khối quân sự NATO, Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào khác, Nga khẳng định vị thế chính trị của mình trên thế giới thông qua những hoạt động đối thoại chính trị - quân sự, không cho phép có các hành vi can thiệp vũ trang vào nội bộ bất cứ quốc gia nào có chủ quyền.

Do đó, lực lượng vũ trang Liên bang Nga cần sự hiển diện quân sự trên các vùng biển và đại dương không nhằm cho một mục đích đối đầu mà là đối ngoại quân sự với mục tiêu kiềm chế và ngăn chặn. Thực tế một căn cứ quân sự lớn ngoài biên giới hoàn toàn không phù hợp với đường lối đối ngoại của nước Nga hiện nay.

Có thể hy vọng trong tương lai, giữa Việt Nam và Nga sẽ có chương trình hợp tác hữu nghị nhằm xây dựng ở Cam Ranh một cơ sở hậu cần kỹ thuật Hải quân với hai mục đích: mục đích thứ nhất là tại đây sẽ tiến hành các hoạt động duy tu bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra các tàu ngầm, các chiến hạm có nguồn gốc từ Nga, mục đích thứ hai là thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật cho các chiến hạm của Nga và chiến hạm các nước có nguồn gốc từ Nga trong khu vực.

Điều này được khẳng định khi chiếc tàu ngầm Kilo dự án 636 thứ ba được hạ thủy và kế hoạch đóng hai chiếc tàu hộ vệ tên lửa 11661E "Gepard-3.9" tiếp tục được triển khai tại nhà máy đóng tàu Gorky thuộc vùng Zelenodol'sk cho Hải quân Việt Nam.

Sự hiện diện một trung tâm sửa chữa, duy tu bảo dưỡng và cung cấp hậu cần kỹ thuật tại cảng Cam Ranh có một ý nghĩa rất lớn đối với lực lượng Hải quân Nga, trước hết là hạm đội Thái Bình dương.

Sự hình thành Trung tâm hậu cần kỹ thuật hiện đại tại Cam Ranh không những tăng cường đáng kể sức mạnh của Hải quân Việt Nam mà còn mở rộng phạm vi hoạt động của Hải quân Nga trên Biển Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đảm bảo hậu cần kỹ thuật cho các nhóm tàu hoạt động thường xuyên ở các vùng biển phía Nam.

Việt Nam, khác với các quốc gia khác ở châu Á, có một mối quan hệ sâu sắc và bền vững. Người Việt Nam luôn nhớ những tháng năm đấu tranh chống ngoại xâm và sự ủng hộ toàn diện của người dân Xô viết.

Mối quan hệ hợp tác hữu nghị dựa trên cơ sở niềm tin truyền thống đã được thử thách sẽ là nền tảng căn bản để phát triển quan hệ giữa hai nước và giúp nước Nga trở lại với Châu Á – Thái Bình dương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại