Nga không còn hy vọng đặt căn cứ quân sự ở Cam Ranh

Đài Tiếng nói nước Nga trong bài bình luận “Hải quân Nga cần những căn cứ mới trên đại dương thế giới” đã thừa nhận: Tạo lập căn cứ hải quân của nước ngoài tại mũi biển vịnh Cam Ranh là điều không hiện hữu trong kế hoạch của Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các chiến hạm Nga sẽ thường xuyên ghé quân cảng này bảo dưỡng, sửa chữa.

Nga đang củng cố vị thế của mình trên các đại dương thế giới. Sau khi diễn tập ở Đại Tây Dương và hoàn thành cuộc hành quân vượt biển xuyên Đại Tây Dương, đoàn tàu chiến của Hải quân Nga sẽ ghé thăm các hải cảng thuộc Cuba, Nicaragua và Venezuela.

Các chuyên viên nhận xét rằng, quá trình thực hiện nhiệm vụ quân sự tại các vùng đại dương xa xôi tạo điều kiện tăng cường sự hợp tác của Nga với Hải quân các nước Mỹ Latinh. “Có lẽ là chẳng bao lâu nữa những chiến hạm Nga sẽ có thể ghé vào kiểm tra và bảo dưỡng kỹ thuật cả ở vịnh Cam Ranh của Việt Nam”, giới bình luận Nga lạc quan.

Tạo lập căn cứ hải quân của nước ngoài tại mũi biển vịnh Cam Ranh là điều không hiện hữu trong kế hoạch của Hà Nội. Bộ trưởng Quốc phòng CHXHCN Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết rằng lập trường của Việt Nam bao hàm ở chỗ không cho phép bất kỳ nước ngoài nào bố trí căn cứ quân sự ở Cam Ranh. Thay vào đó, nước chủ nhà có kế hoạch thiết lập một trung tâm dịch vụ hàng hải quốc tế, hoàn toàn do Việt Nam quản lý và điều hành.

Tàu ngầm nguyên tử của Nga tại Cam Ranh trước đây

Đối với Hải quân Nga khả năng sử dụng cảng này là triển vọng mang ý nghĩa to lớn, - Phó Chủ tịch Học viện Các vấn đề địa chính trị, ông Konstantin Sivkov nhận xét.

Nếu muốn hiện diện thường xuyên tại các vùng xa của đại dương thế giới, chúng ta cần phải có những bến đỗ, những điểm dừng chân. Để các con tàu có thể ghé vào và tiến hành sửa chữa tu bổ trong điều kiện cung cấp đầy đủ dịch vụ ven bờ. Nếu Nga thông qua quyết định ký hợp đồng để tạo lập điểm dừng chân như vậy, nghĩa là đất nước đã quyết định rằng các chiến hạm của Nga cần hiện diện trong khu vực phía nam của Thái Bình Dương. Tức là phô trương lá cờ Nga ở đây và thể hiện dự định hỗ trợ chính sách đối ngoại, kinh tế và những lợi ích khác trong khu vực”.

Sẽ chẳng thể đạt được thỏa thuận như vậy nếu như không có thành tựu tốt đẹp từ quá trình phát triển hợp tác quân sự-kỹ thuật (MTC) giữa hai nước Nga-Việt. Thêm nữa, cần thấy Việt Nam không chỉ đơn giản là củng cố liên hệ quân sự-chính trị với Nga. Chẳng có gì bí mật là Hải quân Việt Nam đang tích cực gia tăng sức mạnh của mình. Hợp đồng về việc từ nay đến 2016 củng cung cấp 6 tàu ngầm đề án 636 đang được thực thi. Hai tàu ngầm đầu tiên trong số này dự kiến bàn giao cho bên đặt hàng ngay trong năm nay. Với tính năng “tàng hình” siêu việt, các tàu ngầm Nga khó phát hiện khi lặn xuống sâu đã khiến các chuyên viên NATO mệnh danh đó là "hố đen trong lòng đại dương”.

Hai tàu tuần tra cao tốc mang tên lửa "Molniya" mà Nga cung cấp đã thể hiện bản lĩnh xuất sắc của những trang bị vũ khí này, khiến Việt Nam tín nhiệm đến mức ký kết thỏa thuận với Nga để được cấp phép chế tạo trong nước thêm 10 chiếc tương tự. Việt Nam cũng đánh giá cao hai khu trục hạm tên lửa tấn công "Gepard". Tàu khu trục loại này được thiết kế để đối phó với những mục tiêu trên mặt nước, tàu ngầm và mục tiêu trên không, để hộ tống đoàn tàu và thực hiện công tác tuần tra. Trước mắt sẽ cung cấp thêm hai tàu khu trục loại nhỏ, - Đô đốc Igor Kasatonov, Cố vấn của Tổng tham mưu trưởng cho biết.

Những trang bị mà Việt Nam mua của Nga là sản phẩm công nghệ quân sự rất hợp lý, đáp ứng đúng với nhu cầu từ học thuyết hàng hải của Việt Nam. Những chiến hạm cỡ nhỏ rất phù hợp để bảo vệ lãnh hải Việt Nam, đất nước với tuyến bờ biển phát triển. Tăng cường hạm đội với tàu chiến cỡ nhỏ là triển vọng viễn cảnh tốt đẹp. Nhờ hiệu quả hợp tác quân sự-kỹ thuật, hạm đội như vậy sẽ được tạo lập một cách nhanh chóng và vững vàng”.

Cơ sở hậu cần của Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã từng được bố trí tại bán đảo Cam Ranh trong hơn hai thập niên. Đó đã là căn cứ lớn nhất của hải quân Nga ở nước ngoài. Nhưng sau khi căn cứ hoàn thành nhiệm vụ vào năm 2002 Matxcơva đã chính thức trao lại cho Hà Nội chủ thể này.

Theo quan điểm của các chuyên viên, trong triển vọng tương lai Nga cần tạo lập căn cứ hải quân trên lãnh thổ các nước khác, nhưng đó là vấn đề khó khăn và hàm chứa tổng thể chi tiết phức tạp, mà để tìm ra giải pháp tốt nhất hẳn cần phải mất hàng năm trời. Thế nhưng việc sử dụng cơ sở hạ tầng hải cảng của Việt Nam, Venezuela, Cuba và những nước khác mà Nga phát triển hợp tác quân sự-kỹ thuật thành công, đang là hướng cho thấy ưu thế rõ rệt và có thể rất hiệu quả.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại