Nga muốn trở lại Cam Ranh để chặn Trung Quốc?

Có lẽ chưa bao giờ Trung Quốc lại quan tâm đến quân cảng và vịnh Cam Ranh của Việt Nam nhiều như bây giờ. Phải chăng họ lo sợ khi Việt Nam đi quân cờ Cam Ranh đúng nước, tham vọng "nuốt trọn" Biển Đông của họ sẽ bị chặn đứng?

Mặc dù những tháng qua, báo chí và giới học giả Trung Quốc đã có không ít những bài viết phân tích về lợi thế, sự “nguy hiểm và lợi hại” của quân cảng Cam Ranh cùng với đó là vô số những dự đoán về tương lai của quân bài chiến lược này. Nhưng có lẽ như thế vẫn là chưa đủ, đặc biệt kể từ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shogui sang thăm Việt Nam và dừng chân khá lâu ở Cam Ranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shogui  (thứ 3 từ trái sang) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh (thứ 4).

Tờ “Quốc phòng Trung Quốc” số ra mới đây đã có một bài viết khá dài với đề tài tương tự. Không thừa nhận mình quan tâm đến vấn đề này nhưng tờ báo Trung Quốc này cho rằng chính chuyến thăm Cam Ranh của ông Sergei Shogui đã khiến báo chí Nga đua nhau nhận định rằng quân đội Nga sắp trở lại đây.

“Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, vịnh Cam Ranh là căn cứ không quân quan trọng của quân đội Mỹ. Sau tháng 5/1979, Cam Ranh trở thành căn cứ lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài. Năm 2002, quân dội Nga nhanh chóng rút quân khỏi Cam Ranh nhưng sau đó cũng nhanh chóng ân hận vì quyết định này.

Những năm gần đây, cùng với việc khôi phục tuyến vận tải biển, nhu cầu của Nga muốn trở lại Cam Ranh trở nên hết sức bức thiết. Nhưng giấc mộng cũ ôn lại cũng khó vì tham vọng độc chiếm Cam Ranh của Nga đã không thể thực hiện được. Tuy không nhiều nhưng một nước khác cũng có mong muốn tương tự như Nga.

Tháng 6/2012 trong khi đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng đã bắt đầu từ vịnh Cam Ranh, hơn nữa còn kéo theo một tàu 40 nghìn tấn chở vũ khí (tàu Richard E. Byrd) đến đậu tại đây”, tờ báo của quân đội Trung Quốc viết.

Cũng theo tờ báo này, trọng tâm chuyến thăm của ông Sergeu Shogui là để khảo sát và nghiên cứu để khởi động lại căn cứ hải quân Cam Ranh; 2 nước Nga – Việt có thể ký thỏa thuận để tàu chiến Nga đi vào Cam Ranh. Trước mắt, quan chức 2 nước đang trao đổi, thương lượng về môi trường để hải quân Nga đưa trang thiết bị và quân nhân đến đóng tại đây.

Giới báo chí Trung Quốc cũng “chủ động vạch ra các phương án” Nga sẽ đặt chân đến Cam Ranh như thế nào. Theo đó, phương án thứ nhất là sau một hành trình dài có nhiều vất vả trên biển, tàu chiến Nga sẽ đến Cam Ranh tạm thời mượn thiết bị của hải quân Việt Nam để sử dụng.

Phương án này hợp với các thông lệ quốc tế nhưng phải trả tiền dịch vụ cho các nhân viên hải quân , giá lại rất cao. Phương án thứ hai là Việt Nam cho phép Nga xây dựng trạm cung cấp kỹ thuật và nguyên vật liệu trên lãnh thổ Việt Nam và sẽ đóng thường trú ở đó một lực lượng quân nhân nhỏ.

Về vị trí địa lý, vịnh Cam Ranh là cảng tự nhiên đẹp nổi tiếng thế giới, có khả năng khống chế tuyến đường biển từ Thái Bình Dương đi Ấn Độ Dương. Vị trí chiến lược như vậy rất quan trọng. Báo chí Nga cho biết, việc xây dựng căn cứ hải quân ở Cam Ranh vẫn còn những tiếng nói bất đồng trong nội bộ Nga nhưng việc đưa một số lượng quân nhất định cùng với kỹ thuật, nguyên vật liệu đến đóng lâu dài thì lại được đa số ủng hộ.

Qua chắt lọc thông tin từ báo chí Nga, giới quân sự Trung Quốc tin rằng tham vọng của Nga đối với Cam Ranh còn lớn hơn thế rất nhiều và Trung Quốc coi đó là một nguy cơ tiềm ẩn thực sự đối với các kế hoạch của họ ở Biển Đông.

Tờ Thời báo Hoàn cầu – một ấn bản của tờ Nhân dân nhật báo thuộc đảng cộng sản Trung Quốc cho biết, theo tiết lộ của thượng tướng Ivashov, người từng giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác quốc tế Bộ quốc phòng Nga cho rằng, rất có thể trong khi đang ở Việt Nam ông Shogui đã bí mật thảo luận với Việt Nam về khả năng quân đội Nga xây dựng lại căn cứ quân sự ở Cam Ranh, hơn nữa không chỉ là căn cứ hải quân dưới hình thức trạm đảo bảo kỹ thuật trang thiết bị mà còn có thể xây dựng căn cứ không quân để triển khai hậu cần và phân đội tác chiến của lực lượng không quân chiến lược của Nga ở sân bay bên cạnh cảng Cam Ranh.

Tàu tên lửa cao tốc thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Các chuyên gia Nga cho biết, Nga hoàn toàn cần thiết phải xây dựng lại căn cứ quân sự ở Cam Ranh vì như vậy mới có thể củng cố chắc chắn địa vị chiến lược của Nga ở Đông Nam Á. “Nhìn từ góc độ Việt Nam, việc Nga đóng quân trở lại ở Cam Ranh là có nhiều khả năng”, tờ Thời báo hoàn cầu bình luận.

Tờ “Quốc phòng Trung Quốc” còn cho biết thêm, hồi tháng 2/2013 vừa qua, Nga đã công bố tài liệu “Ý tưởng chính sách ngoại giao Nga”. Trong chương có tiêu đề “Phương hướng ưu tiên khu vực” đặc biệt nói rõ, Nga sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Tài liệu này là một văn kiện mang tính chỉ đạo đối với các chính sách ngoại giao của Nga trong một số năm tới.

Đặc biệt, số lượng các nước được điểm tên nêu rõ ý tưởng phát triển quan hệ song phương không nhiều và Việt Nam là một trong số ít nước được đặc biệt quan tâm như vậy. Không những thế, báo Nga còn khẳng định văn kiện này đã nhiều lần ám chỉ việc “hải quân Nga khôi phục căn cứ Cam Ranh có thể ngăn chặn tham vọng địa chính trị của Trung Quốc”.

Có ý kiến cho rằng, việc trở lại Cam Ranh sẽ tăng cường sức mạnh và tầm ảnh hưởng của hạm đội Thái Bình Dương của Nga từ đó ảnh hưởng của Nga đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng được nâng lên đáng kể và có tác động rất lớn tới những biến động tại khu vực Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) và từ đó phát huy vai trò để “nước nhỏ có thể đương đầu được với nước lớn”.

Giới báo chí và học giả Trung Quốc cũng ra sức khẳng định sau khi “lôi kéo” Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ vào Biển Đông, việc Việt Nam để ngỏ cửa cho Nga trở lại Cam Ranh chính là ý đồ muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông theo chiến lược “không để tất cả trứng vào một giỏ”.

Tờ “Quốc phòng Trung Quốc” viết: “Người Việt Nam cho rằng họ thắng được Mỹ nhưng Việt Nam hiện nay cảm nhận được sức ép của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và trên biển. Trong con mắt của Việt Nam, Trung Quốc là mối đe dọa quân sự chủ yếu với họ nên họ đang ra sức tìm kiếm nhân tố có thể kiềm chế được Trung Quốc”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại