Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.
Giới bình luận quốc tế cho rằng chuyến thăm Cam Ranh của Bộ trưởng Quốc phòng Nga là để kiểm tra tiến độ thi công căn cứ tàu ngầm Kilo đang được các chuyên gia Nga tư vấn và giúp đỡ xây dựng hoặc cũng có thể ông Shoigu muốn tận mắt thị sát những giá trị chiến lược của căn cứ Cam Ranh mà trong lần thăm Việt Nam gần đây của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Nga và Việt Nam đã “thảo luận một cách nghiêm túc về việc trở lại Cam Ranh”.
Theo hãng tin Nga Interfax, trước chuyến đi đến Việt Nam của ông Bộ trưởng Sergei Shoigu, Bộ Quốc phòng Nga đã nhận được một báo cáo chi tiết trong đó nêu rõ sự cần thiết phải lập lại căn cứ quân sự ở quân cảng Cam Ranh và đưa ra một khoảng thời gian ước tính cần thiết để trở lại cảng này. Nguồn tin từ Hải quân Nga còn cho biết thêm, nếu quyết định chính trị được đưa ra, “Hải quân Nga sẽ sẵn sàng trở lại đây (Cam Ranh) trong vòng 3 năm tới”.
Tuy nhiên, Phó trưởng ban BBC Tiếng Nga Mikhail Denisov lại đưa ra nhận định rằng, Nga – Việt sẽ chưa thể tiến xa trong kế hoạch “trở lại Cam Ranh” bởi còn tồn tại khá nhiều vấn đề cản trở cả trong khách quan và chủ quan. “Có lẽ thứ chắc chắn nhất là sẽ có những bản hợp đồng mua bán vũ khí được hai bên ký kết với nhau”, ông Denisov “dự đoán”.
Nhưng chính ông Denisov cũng phải thừa nhận rằng tương lai u ám của chính quyền Syria và việc hợp tác quân sự với chính quyền này có sự thay đổi nên chắc chắn Nga sẽ phải tính đến việc quan sát các địa điểm khác nhau để có thể triển khai các căn cứ quân sự ở nước ngoài của mình.
“Về mặt chính thức, Nga và Việt Nam vẫn bác bỏ chi tiết các kế hoạch và dự định trở lại Cam Ranh và vẫn còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì”, Mikhail Denisov kết luận, “Hãy nhớ, Nga là 1 trong 5 quốc gia hàng đàu thế giới về bán vũ khí. Việt Nam và Myanmar là những thị trường vô cùng tiềm năng và đó là việc dễ dàng đạt được nhất trong chuyến đi của ông Shoigu”.
Cảng Cam Ranh.
Trên thị trường vũ khí và trang thiết bị quân sự toàn cầu, “hàng hóa” của Nga vẫn được đánh giá cao và giá cả đang ngày càng cạnh tranh. Ngoài các loại “hàng hóa” đang được xuất khẩu bấy lâu nay, Nga ngày càng khẳng định vị thế của họ trên thị trường trong lĩnh vực sản xuất máy bay trực thăng chiến đấu và trực thăng vận tải thông thường, súng tiểu liên tấn công AK, máy bay tiêm kích hiện đại.
Cũng theo đồn đoán của một số tờ báo quốc tế, rất có thể Nga đang cố gắng chào hàng Việt Nam một “mặt hàng” mới là… tàu ngầm nguyên tử. “Dù Việt Nam đã đặt hàng 6 chiếc tàu ngầm diesel Kilo tiên tiến của Nga nhưng về lâu dài, việc được trang bị tàu ngầm nguyên tử sẽ khiến cho sức mạnh của Hải quân Việt Nam tăng lên một cách đáng kể. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, Việt Nam rất cần nâng cao sức mạnh hải quân”, một nhân vật giấu tên trong Bộ Quốc phòng Nga bình luận.
Nhưng điều này cũng chưa thể xuất hiện trong tương lai gần và kỳ vọng “xuất khẩu tàu ngầm nguyên tử” của Nga sẽ gặp nhiều khó khăn bởi thời gian đóng tàu thường kéo dài từ 10 – 15 năm cho mỗi đơn đặt hàng.
Bình luận và dự đoán về “thái độ” của Nga đối với những gì được cho là “nguy cơ an ninh” đối với nước này và 2 nước bạn hàng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, ông Mikhail Denisov nói: “Nga có thể vẫn giữ lập trường không khiêu khích, gây rối hay đối đầu với cả Trung Quốc hoặc Mỹ. Nếu được hỏi có nhu cầu tái triển khai sự hiện diện sức mạnh quân sự ở khu vực chiến lược này hay không, họ (Nga) sẽ bác bỏ điều đó. Nga sẽ ưu tiên giữ vị thế cân bằng trong khu vực để có lợi cho những hợp đồng xuất khẩu vũ khí của mình”.