Tân Hoa Xã cho hay số lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc luôn là một điều bí ẩn. Gần đây cư dân mạng đã chụp được ảnh 3 tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược kiểu mới của Hải quân Trung Quốc neo đậu tại căn cứ vịnh Á Long của Hạm đội Nam Hải. Nhìn từ bên ngoài, rất có khả năng đây là tàu ngầm hạt nhân Type 094 mới nhất của Hải quân Trung Quốc.
Theo cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân lớn nhất châu Á tại thành phố Tam Á tỉnh Hải Nam. Được biết, căn cứ này triển khai tàu ngầm hạt nhân kiểu mới nhất của quân đội Trung Quốc, có thể mang được tên lửa đạn đạo JL-2 với tầm bắn hơn 8.000 km
Theo thông tin mới nhất mà Hải quân Mỹ có được sau khi phân tích vệ tinh quân sự, 3 tàu ngầm hạt nhân của quân đội Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại khu vực biển gần Tam Á. Căn cứ vào tuyến hành trình của những tàu ngầm này, Hải quân Mỹ đã phát hiện được sự hiện diện căn cứ hải quân bí mật của quân đội Trung Quốc tại Tam Á. Đồng thời tình báo của quân đội Mỹ cũng xác nhận, gần căn cứ hải quân bí mật tại Tam Á này còn có cơ sở bí mật hỗ trợ lưu trữ tên lửa của quân đội Trung Quốc. Trước đó, tạp chí Jane's Defence Weekly của Anh có đề cập đến việc vệ tinh của Mỹ cũng xác nhận, 10 năm trước Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng căn cứ quân sự bí mật của Hải quân Trung Quốc tại Tam Á.
Theo báo chí nước ngoài, Hải quân Trung Quốc sớm đã lựa chọn xây dựng nơi chứa tàu ngầm hạt nhân dưới núi tại Tam Á, những cơ sở tàu ngầm hạt nhân này được xây dựng ẩn giữa núi sâu, khi ra biển rất khó bị phát hiện. Hành trình từ Tam Á ra Biển Đông rất thuận lợi để tàu ngầm hạt nhân trực tiếp ra biển sâu triển khai tấn công.
Lực lượng tàu ngầm thường quy của Hạm đội Nam Hải xuất phát từ căn cứ Du Lâm, Tam Á, mặc dù có thể dựa vào khu vực phòng vệ của Không quân Trung Quốc để tiến hành cuộc hành trình với thời gian dài đến phía Nam Đài Loan. Nhưng sau khi vượt qua các đảo Đông Sa, với sự suy yếu của lực lượng kiểm soát và phạm vi kiểm soát của không quân, trong phạm vi khu vực 200 km phía Nam của Đài Loan, việc tàu ngầm lặn giấu mình là cần thiết. Nếu chỉ hạn chế trong tác chiến phía Nam Đài Loan, tàu ngầm thông thường của Trung Quốc vẫn có thể đánh thắng, tuy nhiên, nếu yêu cầu lực lượng tàu ngầm vượt qua phía Đông eo biển Balintang, eo biển Bashi đến khu vực tác chiến phía Đông Đài Loan, chúng sẽ phải đối mặt với những khó khăn giống với lực lượng tàu ngầm thông thường của Hạm đội Đông Hải. Khi đó, lực lượng tàu ngầm thường quy của Hạm đội Nam Hải sẽ rất khó hỗ trợ việc tác chiến bờ biển phía Đông, điều này sẽ làm giảm tổng thể lực lượng tham chiến và khả năng tác chiến toàn diện của lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc.
Thềm lục địa và môi trường đáy biển tại Biển Đông tạo điều kiện rất thuận lợi cho tàu ngầm Trung Quốc tác chiến. Biển Đông đã trở thành vị trí quan trọng trong tác chiến dưới nước của Hải quân Trung Quốc. Theo báo chí nước, ngoài tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc xuất phát từ căn cứ tàu ngầm ở Tam Á có thể nhanh chóng phát động cuộc tấn công hạt nhân đối với thành phố ven bờ biển phía Tây của Mỹ.