Putin ra lệnh tập trận, Ukraine có thể quay sang chống Nga

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Moscow Carnegie Center, Dmitri Trenin cảnh báo rằng người Ukraine có thể quay sang chống Nga nếu cảm thấy lãnh thổ họ bị đe dọa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26.2 đã ra lệnh tiến hành tập trận bất ngờ của lực lượng không và lục quân để chứng tỏ sự sẵn sàng của quân đội nước này, trong bối cảnh căng thẳng với châu Âu và Mỹ về tình hình Ukraine.

Quân đội ở miền tây Nga đã được thông báo cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 3.3. Theo Interfax, Thứ trưởng Quốc phòng Anatoly I. Antonov cho biết cuộc tập trận huy động gần 150.000 binh sĩ, hàng trăm xe tăng, đội pháo binh, hàng chục máy bay và tàu.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei K. Shoigu cũng ban hành nhiều biện pháp để thắt chặt an ninh tại căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga tại bán đảo Crimea của Ukraine.

Bộ trưởng Shoigu cho biết cuộc tập trận nhằm chứng tỏ sự sẵn sàng đối phó của lực lượng vũ trang Nga trước “một tình huống khủng hoảng”, như một cuộc tấn công khủng bố vào kho vũ khí sinh - hóa học của Nga. Một số quan chức quốc phòng cấp cao Nga khẳng định cuộc tập trận không liên quan đến tình hình Ukraine.

Trả lời New York Times, nhà phân tích quân sự độc lập Aleksandr Golts tại Matxcơva nói rằng cuộc tập trận, “về mặt lý thuyết”, là sự ngụy trang để chuẩn bị huy động quân sự toàn lực trong quân đội Nga nếu xung đột nổ ra trên Ukraine. “Theo quan điểm của tôi thì điều này rất tệ, ngay cả khi không có kế hoạch sử dụng quân đội, thì cuộc tập trận được tổ chức như ‘đòn cân não’. Tập trận sẽ làm gia tăng căng thẳng trong tình hình này”.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Moscow Carnegie Center, Dmitri Trenin, nhận định tuyên bố tập trận “như thông điệp gửi tới Kiev rằng không nên áp đặt luật lệ với Crimea bằng vũ lực”. Tuy nhiên, ông Trenin cảnh báo quyết định của ông Putin có thể phản tác dụng, vì người Ukraine có thể quay sang chống Nga nếu cảm thấy lãnh thổ họ bị đe dọa.

Lệnh tập trận ban hành trong bối cảnh hàng nghìn người tụ tập bên ngoài trụ sở hội đồng tại thủ phủ Simferopol ở Crimea để phản đối sự thay đổi chế độ ở Kiev đã phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych trong tuần qua. Crimea là một phần của lãnh thổ Nga cho đến khi Liên Xô nhượng lại cho Ukraine vào năm 1954. Người dân nơi đây đã khẩn cầu Điện Kremlin can thiệp để bảo vệ nơi sinh sống của họ trong bối cảnh thay đổi chính trường ở Ukraine.

Phát biểu trước các phóng viên ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định "bất kì hình thức can thiệp quân sự nào xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sẽ là sai lầm nghiêm trọng".

Ông Kerry khẳng định Washington không muốn đối đầu với Matxcơva trong bối cảnh biến động chính trị ở Kiev. "Nhiều người đang xem xét chuyện này và đưa nó về bối cảnh Chiến tranh Lạnh” - ông Kerry nói, đồng thời khẳng định Mỹ không xem Ukraine là chiến trường đối đầu giữa “Đông và Tây”

Ông Kerry cho rằng ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo lâm thời Ukraine là thành lập chính phủ đoàn kết mới. “Chúng tôi chỉ quan tâm một điều là nhân dân Ukraine có thể tự thực hiện điều lựa chọn, được chọn bất cứ con đường nào họ muốn và chúng ta phải tôn trọng điều đó".

Ngoại trưởng Mỹ cũng thông báo "Mỹ đang tính toán khoản vay 1 tỉ USD ban đầu dành cho Ukraine" để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra tại nước này. Liên minh châu Âu cũng đang xem xét cho Ukraine vay 1,5 tỉ USD.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại