Trang mạng Topwar (Nga) ngày 30/10 đăng bài viết cho hay: Lực lượng xe tăng của Triều Tiên bắt đầu hình thành vào năm 1948 với sự giúp đỡ tích cực của Trung Quốc và Liên Xô.
Năm 1948, trung đoàn huấn luyện xe tăng số 15 đã được thành lập. Lúc này, trung đoàn chỉ có 2 xe tăng T-34-85 và khoảng 30 sĩ quan xe tăng Liên Xô. Chỉ huy của trung đoàn là đại tá Yu Kёn Soo, người trước đây từng là một trung úy trong Hồng quân Liên Xô tham gia cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 và sau đó là chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 4 của quân đội Triều Tiên.
Xe tăng và bộ binh Triều Tiên trong một cuộc tấn công.
Trong tháng 5 năm 1949, trung đoàn huấn luyện xe tăng 15 bị giải tán và các học viên đã trở thành cán bộ của Lữ đoàn xe tăng 105. Lữ đoàn 105 gồm có các Trung đoàn xe tăng 1, 2, 3 (tương ứng là các trung đoàn 107, 109 và 203 sau này). Đến tháng 10 năm 1949, lữ đoàn đã được trang bị đầy đủ với các xe tăng chiến đấu chủ lực T-34-85.
Trong thời gian đầu của cuộc chiến tranh, Triều Tiên có 258 xe tăng T-34-85, một nửa trong số đó thuộc Lữ đoàn 105. Ngoài T-34-85, quân đội Triều Tiên còn được trang bị 75 pháo tự hành SU-76M.
Xe tăng IS-2 trong một cuộc diễu hành ở Bắc Kinh.
Mặc dù theo tiêu chuẩn hiện đại, lực lượng xe tăng của Triều Tiên được cho là khá “nghèo nàn” ở châu Á nhưng trong năm 1950, số lượng xe tăng của nước này chỉ đứng sau Hồng quân Liên Xô.
T-34-85 đã được sử dụng với cường độ lớn nhất trong hai tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh Triều Tiên. Hầu hết các binh sĩ Hàn Quốc chưa bao giờ nhìn thấy xe tăng và quân đội nước này nên đã hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn xe tăng của Triều Tiên.
T-34-85 trong cuộc diễu binh tại Bình Dưỡng ngày 15/8/1960.
Tình hình chiến sự thay đổi đáng kể từ khi có sự tham gia của Mỹ. Washington đã vội vàng đưa đến Hàn Quốc các xe tăng hạng nhẹ M24 Chaffee để đối phó với T-34-85 nhưng cũng đã thất bại. Tuy nhiên từ khi có sự xuất hiện của M26 Pershing, các xe tăng của Triều Tiên đã không còn là bậc thầy trên chiến trường và lợi thế lúc này nghiêng về phía quân đội Hàn Quốc.
Trong cuộc chiến tranh, T-34-85 của Triều Tiên đã tiêu diệt 34 xe tăng Mỹ (gồm 16 M4A3E8 Sherman, 4 M24 Chaffee, 6 M26 Pershing và 8 M46 Patton). Đổi lại, 97 xe tăng T-34-85 của nước này đã bị quân đội Mỹ phá hủy.
Xe tăng T-34 của Triều Tiên không còn là vua chiến trường khi Mỹ sử dụng M26 Pershing.
Để đối phó với các xe tăng Mỹ, Trung Quốc đã triển khai các xe tăng Liên Xô IS-2 với pháo chính 122mm đến Triều Tiên, tuy nhiên, điều này cũng không giúp nước này lấy lại lợi thế ban đầu.
Tính đến ngày 27 tháng 7 năm 1953, tức là ngày kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, trong trang bị của quân đội Triều Tiên có 382 xe tăng hạng trung T-34-85.
Ê-kíp chiến đấu của xe tăng T-34-85 Triều Tiên đã phá hủy máy bay ném bom F-80 của Mỹ.
Hiện nay, trong biên chế của quân đội Triều Tiên ước tính có khoảng 3.500 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực và xe tăng hạng trung (T-54, T-55, T-62 của Liên Xô, Type 59 của Trung Quốc, các biến thể khác nhau của Chonma-Ho - bản sao của T-62 và Sŏn'gun-915 hay P'okp'ung-Ho (xe tăng mới nhất do Triều Tiên tự sản xuất) cùng hơn 1.000 xe tăng hạng nhẹ (560 chiếc PT-76 của Liên Xô, 500 chiếc tăng nội địa Type 82, một số xe tăng Type 62 và Type 63 của Trung Quốc (hiện đã ngừng hoạt động).
Lực lượng xe tăng Triều Tiên bao gồm một quân đoàn xe tăng (với ba sư đoàn xe tăng) và 15 lữ đoàn thiết giáp. Trong Quân đoàn xe tăng có 5 trung đoàn xe tăng (mỗi trung đoàn có 4 tiểu đoàn xe tăng hạng nặng, 1 tiểu đoàn xe tăng hạng nhẹ, 1 tiểu đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn pháo tự hành).
Công nghiệp quốc phòng của Triều Tiên sản xuất ba loại xe tăng, với năng lực sản xuất hàng năm ước tính khoảng 200 chiếc.
Các xe tăng Liên Xô đầu tiên được đưa cung cấp sau chiến tranh Triều Tiên tất nhiên là T-54, loại xe tăng hiện vẫn đang còn phục vụ trong quân đội nước này.
Xe tăng T-54 của Triều Tiên.
Đã có 700 chiếc T-54 được Liên Xô chuyển giao cho Triều Tiên, bao gồm 400 chiếc trong giai đoạn 1967-1970 và 300 chiếc trong giai đoạn 1969-1974.
Xe tăng tiếp theo của Liên Xô gia nhập quân đội Triều Tiên là Т-55. Đã có 300 chiếc T-55 được chuyển giao từ Liên Xô: 250 chiếc trong giai đoạn 1967-1970 và 50 chiếc trong giai đoạn 1972-1973. 500 chiếc T-55 hay Type 59 được lắp ráp theo giấy phép trong giai đoạn 1975-1979.
Tổng cộng, số lượng các xe tăng T-54/T-55 và Type 59 do Liên Xô và Trung Quốc cung cấp và lắp ráp tại Triều Tiên ước tính khoảng 2.100 chiếc.
Vào những năm 1970, Triều Tiên bắt đầu tiếp nhận các xe tăng chiến đấu chính T-62 với pháo nòng trơn 115 mm mạnh mẽ.
500 chiếc tăng T-62 đã được chuyển giao từ Liên Xô gồm 350 chiếc trong giai đoạn 1971-1975 và 150 chiếc trong giai đoạn 1976-1978.
Xe tăng Chonma-Ho của quân đội Triều Tiên.
470 chiếc T-62 đã được sản xuất theo giấy phép dưới tên gọi Chonma-Ho trong giai đoạn 1980-1989. 150 chiếc xe tăng đã được cung cấp cho Iran trong giai đoạn 1982-1985 và tham gia trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Hiện có khoảng 75 chiếc Chonma-Ho vẫn đang phục vụ trong quân đội Iran.
Xe tăng Chonma-Ho I của quân đội Iran.
Xe tăng Chonma-Ho liên tục được Triều Tiên hiện đại hóa với nhiều biến thể khác nhau. Ước tính có khoảng 800-1.200 chiếc Chonma-Ho cùng các biến thể của nó đã được sản xuất.
Chonma-Ho I của Iraq bị Mỹ chiếm năm 2003.
Xe tăng Chonma-Ho II trong một bảo tàng ở Triều Tiên.
Chonma-98
Chonma-214 - trọng lượng 38 tấn
Chonma-215 - trọng lượng 39 tấn
Chonma-216 - trọng lượng 39 tấn
Các xe tăng đầu tiên của Triều Tiên được xem như một xe tăng hạng nhẹ, được biết đến với tên gọi Mỹ đó là M 1985, một trong những loại xe tăng đổ bộ lớn nhất thế giới. Xe tăng được trang bị pháo chính 85mm và súng máy 7,62mm. Có ít nhất khoảng 500 chiếc M 1985 đã được sản xuất.
M 1985
Khi Hàn Quốc quyết định phát triển mẫu xe tăng mới K1 dựa trên dòng M1 Abrams của Mỹ, Triều Tiên đã quyết định phải phát triển xe tăng mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn.
Triều Tiên đã mua lại một vài chiếc T-72 của Liên Xô để mổ xẻ công nghệ. Ngoài ra, một số nguồn tin cho rằng, Triều Tiên cũng đã mua được một chiếc T-90 và một số xe tăng Type 88 của Trung Quốc để nghiên cứu.
Dựa trên việc phân tích nghiên cứu các công nghệ trên các dòng xe tăng thế hệ mới của Nga và Trung Quốc, Triều Tiên đã phát triển và cho ra đời mẫu thử xe tăng P’okpoong-Ho (Bão Phong Hổ) đầu những năm 1990. Từ khi được ra đời, Bão Phong Hổ được xem là “quả đấm thép” mạnh nhất của Lục quân Triều Tiên có sức chiến đấu không thua kém xe tăng Hàn Quốc.
Bão Phong Hổ
Xe tăng Bão Phong Hổ trang bị hệ thống vũ khí tương tự xe tăng T-72 và T-80 của Nga gồm: pháo nòng trơn cỡ 125mm, một súng máy hạng nặng trên nóc tháp pháo và một súng máy đồng trục pháo chính.
Số lượng các xe tăng Bão Phong Hổ trong quân đội Triều Tiên hiện nay không nhiều, ước tính chỉ khoảng 200 chiếc.