Hôm 7/11, tàu ngầm Kilo Hà Nội đã được phía Nga bàn giao cho Việt Nam. Theo dự kiến, đến tháng 1 năm sau, lễ tiếp nhận sẽ diễn ra ở Cam Ranh, khi tàu ngầm Hà Nội về đến Việt Nam. Đây là thời điểm rất nhiều người Việt Nam mong đợi. Chiếc tàu ngầm đầu tiên và những chiếc tiếp theo sẽ đảm nhận nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng hết sức vinh quang, đó là góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Điều quyết định thành công của nhiệm vụ này là con người sử dụng có phát huy được hiệu quả của vũ khí hay không? Hãy thử xem những khó khăn lớn nào đang chờ đón các thủy thủ tàu ngầm Kilo ở Biển Đông.
Sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của các thủy thủ tàu ngầm chính là nhân tố quyết định sức mạnh của tàu ngầm Kilo
Trước hết, khó khăn đầu tiên là kinh nghiệm vận hành tàu ngầm của chúng ta còn rất mỏng. Đặc điểm các thiết bị trinh sát của tàu ngầm bao gồm hệ thống radar, sonar thủy âm và thiết bị dò từ tính, trong đó radar chỉ được sử dụng khi tàu ngầm nổi lên, để phát hiện các thiết bị nổi trên mặt nước của tàu đối phương như kính tiềm vọng, ống hút dưỡng khí, thiết bị liên lạc và máy bay tầm thấp...
Hai thiết bị trinh sát chủ yếu là sonar thủy âm cùng với thiết bị dò từ tính. Sonar thủy âm có thể hoạt động theo nguyên lý chủ động hoặc thụ động. Theo các thông tin được các phương tiện truyền thông đăng tải, tàu ngầm Kilo của Việt Nam được lắp hệ thống sonar MGK-400EM có độ nhạy tốt, khả năng xử lý tín hiệu nhanh.
Tuy nhiên, thu nhận thôi chưa đủ, quyết định nhất là phân tích. Bộ phận thủy thủ cực kỳ quan trọng quyết định sự sống còn của tàu ngầm chiến đấu chính là Acoustic - những người được ví như bảo vật trong mỗi kíp tàu.
Khi con tàu lặng lẽ di chuyển trong bóng tối của Biển Đông, bộ phận Acoustic phải nghe đủ thứ âm thanh dưới đáy biển thu nhận được. Trong hàng trăm thứ tín hiệu thu nhận được cần phải lọc ra đâu là tiếng tàu vận tải, đâu là tiếng tàu ngầm đối phương, đâu là tàu ngầm ta, thậm chí cả tiếng động từ những con cá. Việc phân biệt tàu ngầm Kilo của ta và Kilo của đối phương thực sự là một thử thách rất lớn bởi chúng rất giống nhau. Để khắc phục điều này đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ trong tác chiến hiệp đồng giữa các tàu trong biên đội. Điều này ta chưa được cọ xát nhiều.
Không chỉ vậy, bộ phận Acoustic còn phải xác định loại tàu to lớn cỡ nào, tọa độ, hướng đi ra hay vào, dọc hay ngang để có thể quyết định sử dụng hỏa lực gì, bắn như thế nào, vòng tránh ra sao. Để làm được như vậy, ngoài tài năng thiên phú, cần phải có quá trình luyện tập lâu dài và nhiều công sức nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu để xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu các tín hiệu từ sonar. Dữ liệu này sẽ cho thủy thủ của chúng ta biết mục tiêu loại gì, độ sâu bao nhiêu, hướng đi như thế nào, khoảng cách bao xa ở những điều kiện khí tượng và thủy văn khác nhau. Những việc này đòi hỏi một quá trình tích lũy lâu dài. Kinh nghiệm và dữ liệu về Acoustic lại là một thứ chúng ta đang thiếu.
Các thiết bị trinh sát từ trường trên tàu ngầm Kilo dùng để phát hiện tàu ngầm đối phương qua sự thay đổi từ tính bất thường. Thiết bị này lấy từ trường trái đất chuẩn hóa, so sánh với tín hiệu khác biệt được ghi lại.
Bản thân tàu ngầm Kilo của Việt Nam có khả năng khử từ được coi là hoàn hảo để giảm khả năng bị phát hiện và gây nhiễu lên các thiết bị từ tính bên trong. Hiện nay, thiết bị đo từ trường có đã có những phát triển vượt bậc có khả năng cực kỳ nhạy. Các quốc gia sử dụng tàu ngầm lâu năm đã xây dựng được bộ dữ liệu tín hiệu từ trường về nhiều loại tàu khác nhau, về cường độ từ, hình dạng đường sức từ, phụ thuộc vào hướng đi, độ sâu, điều kiện khí tượng thủy văn từng vùng biển, từng thời điểm khác nhau kể cả trong trường hợp có nhiễu loạn… Đây là điều mà chúng ta còn phải tích lũy dần dần sau những chuyến hành trình ở Biển Đông.
Thêm nữa, chúng ta chưa có kinh nghiệm vận hành tàu ngầm, đặc biệt với phương án kết hợp nhiều tàu một lúc. Để phát huy sức mạnh sẽ cần phối hợp nhiều tàu cùng lúc, nhưng đối phương cũng sử dụng tàu ngầm Kilo thì việc phân biệt địch - ta là một thử thách. Nên nhớ đường cơ động của biên đội tàu ngầm không phải là đường thằng mà nó là những đường xoắn, vòng với nhau để ngụy trang nghi binh.
Một phương án cơ động ngụy trang che mắt địch của tàu ngầm
Đó chỉ mới là những khó khăn mà chúng ta dự đoán được. Còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi các thủy thủ tàu ngầm ở Biển Đông. Đáy Biển Đông cũng phức tạp, nguy hiểm và nổi sóng không kém gì trên mặt nước.
Với các vũ khí công nghệ cao, bên nào phát hiện ra đối phương trước chỉ trong những khoảnh khắc rất ngắn đã có thể giành được thắng lợi.
Trong lịch sử, đối đầu với Mỹ hùng hậu và hiện đại bậc nhất thế giới, quân đội ta đã phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vũ khí khiến Mỹ phải thất bại, Liên Xô phải thán phục. Đỉnh cao của cuộc chiến tranh công nghệ đó chính là Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Tin tưởng rằng với truyền thống sáng tạo, mưu trí trong sử dụng vũ khí trang bị, các thủy thủ Việt Nam sẽ phát huy tối đa sức mạnh của các tàu ngầm Kilo, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.