Tạp chí Defense Review Asia (DRA) vừa dẫn lời Giám đốc bộ phận dịch vụ tư vấn của Công ty Phân tích hải quân AMI International (Mỹ) Bob Nugent dự đoán, trong 20 năm tới các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ chi 200 tỉ USD để mua hơn 1.000 tàu chiến, tàu hộ vệ, khu trục hạm, tàu có khả năng chở trực thăng, tàu tuần tra… Điều này đồng nghĩa với một cuộc đua vũ trang trên biển khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương “nóng” lên từng ngày.
Theo giới quân sự, lâu nay lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) vẫn được đánh giá là mạnh nhất trong khu vực, nhưng vị trí này đang bị Trung Quốc đe dọa. Theo giới truyền thông, Nhật Bản lo ngại trước khả năng tăng nhanh sức mạnh của hải quân Trung Quốc sau khi Bắc Kinh thay đổi từ chính sách phòng thủ bị động sang linh hoạt và tấn công.
Cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Mỹ Duncan Hunter từng nhận định, chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang ở trong trạng thái “thiếu sinh khí”, trừ phi áp dụng những biện pháp thiết thực và có hiệu quả, nếu không đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành “ông trùm châu Á-Thái Bình Dương”. Washington cũng cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương là một thách thức đối với hải quân Mỹ. Theo Tạp chí quốc phòng IHS Janes, tương quan lực lượng trên biển giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực hiện đã thay đổi sau khi Bắc Kinh chi hàng chục tỷ USD để hiện đại hoá lực lượng hải quân. Trung Quốc hiện có hơn 60 tàu chiến các loại hoạt động trên Biển Đông.
Theo tờ Want Daily (Đài Loan), tàu khu trục chở trực thăng 22DDH (là tàu chỉ huy của hạm đội tàu chiến) của Nhật Bản có khả năng săn ngầm rất mạnh, có thể áp chế lực lượng tàu ngầm Trung Quốc. Tờ Kanwa Defense Review (Canada) cho rằng, nếu tàu 22DDH được trang bị máy bay chiến đấu F-35 sẽ có khả năng tác chiến rất mạnh. Theo tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản), để tăng cường phòng thủ các hòn đảo ở Tây Nam, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có kế hoạch tăng số lượng tàu ngầm từ 16 chiếc hiện nay lên 22 chiếc vào năm 2021. Theo giới chuyên môn, tuy số lượng tàu ngầm của Nhật Bản không nhiều, nhưng so với hải quân các nước trên thế giới, tỷ lệ đổi mới tàu ngầm hiện nay của Nhật Bản là cao nhất, tỷ lệ tự chế tạo cao nhất, trình độ tự động hóa khoa học kỹ thuật cũng cao nhất, khả năng chạy êm cao nhất, tỷ lệ hoàn hảo cao nhất.
Giới chuyên môn đã chỉ ra 5 điểm yếu của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc. Thứ nhất, vì áp dụng công nghệ Nga nên thiếu khả năng chạy liên tục, khả năng tác chiến biển xa hạn chế. Thứ hai, tàu sân bay Liêu Ninh chưa trang bị máy bay tác chiến không người lái có thể bay 200 - 300 hải lý. Thứ ba, máy bay chiến đấu trên tàu Liêu Ninh kém hơn máy bay chiến đấu F/A-18E/F Mỹ về hệ thống điện tử và vũ khí trang bị. Thứ tư, tàu sân bay Mỹ có năng lực do thám, cảnh báo sớm mạnh, máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye hơn hẳn máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 trang bị cho tàu Liêu Ninh hiện nay. Thứ năm, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh chưa hình thành cụm chiến đấu cỡ lớn có khả năng tác chiến mạnh. Và từ khi biên chế (25/9/2012) đến nay, tàu Liêu Ninh đã tiến hành trên 100 lần huấn luyện và thử nghiệm, đã hoàn thành hãm đà khi máy bay chiến đấu hạ cánh trên tàu, cất cánh kiểu nhảy cầu cự ly ngắn, cất/hạ cánh khi có trọng lượng tối đa, thử nghiệm khi mang theo đạn, liên tục cất/hạ cánh trong điều kiện khí tượng phức tạp...
Theo chiến lược biển xanh, Trung Quốc đặt nhiệm vụ cho lực lượng hải quân. Thứ nhất, bảo đảm các con đường tiếp cận trên biển tới Đài Loan. Thứ hai, tiến hành các chiến dịch ở phía Tây Thái Bình Dương để không cho các lực lượng thù địch tự do hành động. Thứ ba, bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của Trung Quốc. Thứ tư, chặn các tuyến giao thông đường biển của kẻ thù. Thứ năm, duy trì sức mạnh trên thế giới, sẵn sàng tấn công đối phương. Bắc Kinh cho rằng, Biển Đông không chỉ dồi dào về nguồn lợi hải sản, năng lượng, mà đó còn là con đường duy nhất mà lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có thể đi ra đại dương một cách an toàn.
Tân Hoa xã cho rằng (28/11/2013), sau khi hạ thủy thành công tàu hộ vệ hạng nhẹ Project 056 mang số hiệu 586 (phiên bản cải tiến đầu tiên), giới chuyên môn đã quan tâm. Bởi đây là phiên bản săn ngầm của tàu Project 056. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, với căn cứ hải quân có thể đón nhận tàu ngầm tấn công hạt nhân tại Guam, Mỹ, nếu Washington phong tỏa các tuyến vận tải hàng hải tới Trung Quốc tại Biển Đông, các tàu thuyền tới Trung Quốc từ Ấn Độ Dương sẽ buộc phải đi qua biển Arafura giữa Indonesia và Australia hoặc phải đi đường vòng qua Australia.
Giới quân sự nhận định, một trong những nguyên nhân khiến tàu ngầm Trung Quốc chỉ loanh quanh gần căn cứ bởi công nghệ chế tạo lạc hậu (độ ồn cao khi vận hành nên dễ bị theo dõi, tiêu diệt) và đặc điểm của các vùng biển bao quanh. Biển Hoa Đông là biển nông - sâu trung bình 54-108m, trong khi bờ đối diện là đồng minh của Mỹ (Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan). Đó là chưa kể tới hàng trăm máy bay săn ngầm P-3C, P-1 của Nhật Bản và Mỹ ngày đêm giám sát biển Hoa Đông. Trong khi đó, Biển Đông là biển sâu (có nơi tới hàng kilômét), các nước trong khu vực đều có năng lực quân sự và chống ngầm yếu, do đó Biển Đông là con đường an toàn để ra đại dương của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.
Trong khi đó Nga cho rằng, tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc là bản phục chế của tàu ngầm Kilo-636 do Nga chế tạo. Trong quá trình xuất khẩu tàu ngầm Kilo-636, Trung Quốc mua một lượng lớn vượt quá nhu cầu thông thường của việc duy tu tàu ngầm Kilo-636. Do đó, theo tạp chí Kanwa Defense Review, việc Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada còn xuất phát từ nhu cầu có thêm nhiều công nghệ tàu ngầm của Nga.
Gần 1 năm trước (31/3/2013), VOA từng dẫn lời ông Igor Vilnit, Cục trưởng Cục Thiết kế Rubin (cơ quan thiết kế tàu ngầm chủ yếu của Nga) cho biết, Trung Quốc mua nhiều tàu ngầm diesel lớp Kilo của Nga, và trong tương lai sẽ còn mua tàu ngầm tiên tiến hơn của nước này. Tuy nhiên, Nga cần đưa ra quyết định chính trị: Có nên bán tàu ngầm diesel lớp Amur (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm lớp Lada) cho Trung Quốc hay không bởi Bắc Kinh có khả năng sao chép loại tàu ngầm tiên tiến này. Được biết, tàu ngầm năng lượng hạt nhân thế hệ mới của Nga Vladimir Monomakh (lớp Borey) đã thành công đợt chạy thử đầu tiên tại Biển Trắng. Tàu ngầm lớp Borey sẽ là trụ cột trong lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga, thay thế tàu ngầm lớp Typhoon thuộc Dự án 941 và tàu ngầm lớp Delta-3 và Delta-4 thuộc Dự án 667 đã cũ.
Giới quân sự khuyến cáo, các nước Châu Á - Thái Bình Dương không những tăng cường các loại tàu ngầm, mà còn phát triển công nghệ dò tìm tàu ngầm. Theo Tạp chí Asian Military Review, những lớp tàu ngầm như Kilo của Nga, Archer của Thụy Điển hay Scorpène do Pháp sản xuất đều nằm trong đơn đặt hàng của các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tập đoàn Ultra Electronics (nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các thiết bị sonar sử dụng sóng âm để dò tìm tàu ngầm) cho biết, Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ phát triển các công nghệ chống tàu ngầm.
Văn phòng nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo thẩm định “Kế hoạch thay thế Ohio”, còn gọi là “Kế hoạch SSBN”, về việc nghiên cứu, chế tạo một loại tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo thế hệ mới để thay thế 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio hiện đang sử dụng. Trong năm tài khóa 2014, hải quân Mỹ sẽ sử dụng nguồn kinh phí gần 1,1 tỷ USD để phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển. Ngày 29/10/2013, Trung Quốc cho tàu ngầm Type 091 (loại 091) lớp Hán (Trường Chinh 1) nghỉ hưu và đây là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do nước này sản xuất. Trung Quốc cũng tuyên bố, hạm đội tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước này đã bắt đầu thực hiện các chuyến tuần tra trên biển.