LDP sẽ đệ trình dự thảo này lên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tuần tới, để Chính phủ Nhật Bản xem xét và phê chuẩn. Dự thảo đề xuất, tăng cường phòng vệ các đảo trước các hoạt động leo thang trên biển của Trung Quốc.
Xem xét đến các vấn đề như chiến lược phát triển biển Trung Quốc và thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, dự luật chỉ ra cần phải lấy lại quyền chủ động phòng vệ. Trong trường hợp đối phó chiến tranh đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) có thể xảy ra, Nhật Bản cần tăng cường khả năng ứng phó nhanh của lực lượng phòng vệ trên biển, có khả năng tác chiến như lực lượng thuỷ quân lục chiến, mở rộng trang thiết bị vận tải như trực thăng vận tải MV-22 Osprey và phương tiện chiến đấu đổ bộ.
Ngoài ra, dự luật còn kiến nghị, tăng cường tên lửa đất đối Patriot-3 và triển khai tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa tiêu chuẩn SM-3, đồng thời thành lập quân đoàn trên bộ, dùng để phối hợp chỉ huy với Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản.
Trước đó, vào tháng 12/2010, Nội các Nhật Bản cũng đã thông qua Đại cương Kế hoạch phòng vệ mới nhằm khẳng định vai trò của mình trong việc can dự vào các vấn đề an ninh trên thế giới, từng bước cho phép Quân đội Nhật Bản mở rộng hoạt động ra nước ngoài, có thể thực hiện nhiệm vụ quân sự ở bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu trên thế giới. Cơ sở bảo đảm an ninh cho Nhật Bản để triển khai thực hiện Đại cương Kế hoạch phòng vệ mới bao gồm:
Thứ nhất, là dựa vào sự nỗ lực của chính mình. Theo đó, Nhật Bản sẽ nỗ lực không ngừng trong mọi hoàn cảnh để sẵn sàng đối phó với những tình huống đột xuất, nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin và tăng cường hệ thống bảo mật thông tin. Nhanh chóng đưa ra các quyết định thích hợp trong mọi tình huống. Thành lập một cơ quan an ninh trực thuộc văn phòng Thủ tướng để điều phối giữa các bộ và thực hiện chức năng tư vấn cho Thủ tướng về chính sách an ninh. Tham gia vào các hoạt động hợp tác hoà bình quốc tế một cách có hiệu quả hơn. Tăng khả năng răn đe của Nhật Bản thông qua các hoạt động tác chiến kịp thời, đồng thời giúp Nhật Bản đóng vai trò tích cực hơn trong các hoạt động gìn giữ hoà bình quốc tế.
Thứ hai, là hợp tác với đồng minh. Quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật là yếu tố cần thiết để đảm bảo an ninh cho Nhật Bản, do đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục đối thoại chiến lược với Mỹ. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác như hiện nay, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực như an ninh mạng, tìm biện pháp làm giảm ảnh hưởng của các căn cứ quân sự Mỹ đóng tại Nhật Bản, đồng thời đảm bảo duy trì sức manh răn đe của Quân đội Mỹ.
Thứ ba, là hợp tác ở nhiều cấp độ với cộng đồng quốc tế. Nhật Bản sẽ tăng cường mạng lưới hợp tác an ninh thông qua khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh với các nước như: Hàn Quốc, Australia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và các nước EU, NATO… về các vấn đề an ninh toàn cầu.
Thứ tư, là hiện đại hoá năng lực quốc phòng. Nhật Bản sẽ tận dụng nguồn lực của quân đội hiệu quả hơn và cải cách hệ thống nhân sự. Cung cấp trang thiết bị hiệu quả hơn bằng cách cải thiện hệ thống mua sắm và hợp đồng quân sự. Đưa ra chiến lược trung và dài hạn nhằm duy trì và phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng. Nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy phát triển trang bị quốc phòng theo kịp xu hướng thế giới.
Về ngân sách, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách quốc phòng giai đoạn 2011 – 2015 với 23.490 tỷ Yen. Nhật Bản và Mỹ thống nhất giữ nguyên mực đóng góp tài chính của Nhật Bản cho lực lượng Quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản như hiện nay tới năm 2015.
Về mua sắm trang bị, trong giai đoạn 5 năm này, Nhật Bản sẽ tập trung mua sắm trang thiết bị cho cả ba lực lượng là Hải, Lục, Không quân như, mua 68 xe tăng, 18 bệ phóng tên lửa, 3 trực thăng tấn công AH-64D, 5 tàu ngầm nâng số tàu ngầm từ 16 chiếc hiện nay lên 21 chiếc, 2 tàu Aegis nâng từ 4 lên 6 chiếc, cải tiến và mua 5 tàu khu trục, 42 máy bay F-35 của Mỹ, hiện đại hoá 16 máy bay F-15, mua 10 máy bay vận tải C-2…
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng xem xét khả năng mua máy bay không nguời lái để tăng cường khả năng trinh sát các hoạt động quân sự của Bắc Triểu Tiên và Trung Quốc. Về bố trí, điều động lực lượng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chuyển tập trung bố trí lực ở phía bắc xuống tập trung bố trí ở phía tây nam, kể cả các đảo ngoài khơi giáp Trung Quốc.
Về tập trận quân sự, do tác động của thảm hoạ động đất, sóng thần năm 2011 nên Quân đội Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tập trận ít đi so với những năm trước. Năm 2012, Quân đội Nhật Bản đã tổ chức 20 cuộc diễn tập với các nước, chủ yếu là với Mỹ, trong đó lần đầu tiên Nhật - Mỹ tổ chức diễn tập phối hợp đánh chiếm đảo xa bị nước ngoài chiếm giữ. Ngoài ra, Nhật Bản còn tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt với các quốc gia đồng minh của Nhật Bản.
Như vậy, có thể thấy rằng, sau khi triển khai Đại cương Kế hoạch phòng vệ mới, Quân đội Nhật Bản đã được điều chỉnh tinh gọn, nhưng được tăng cường tiềm lực, bố trí lại lực lượng ở một số hướng trọng yếu phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở khu vực Đông Á, Đông Bắc Á, Tình hình Bắc Triều Tiên, hơn nữa là sự trỗi dậy hung hăng và những động thái gây hấn, leo thang căng thẳng của Trung Quốc trong khu vực.