Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cuộc chiến gần đây của quân đội Mỹ là các mối đe dọa đang nổi lên từ quân nổi dậy ở Iraq và Afghanistan. Cuộc chiến này đã khiến các nhà hoạch định chiến lược quân sự của Lầu Năm Góc buộc phải định hướng lại học thuyết quân sự của mình. Kết quả là, sau hơn hai thập kỷ, Mỹ đã chuẩn bị ít hơn so với các thế hệ đi trước trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Nga.
Không một giới chức nào ở Washington kêu gọi Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh liên quan đến vấn đề Crimea hiện nay vì rất nhiều lý do. Vào thời điểm này, sự can thiệp quân sự có thể là một hành động nguy hiểm và liều lĩnh đối với Mỹ. Nhưng nếu tình hình thay đổi và các nhà lãnh đạo chính trị bắt đầu tính đến sử dụng lực lượng quân sự hoặc một sức mạnh để mặc cả, họ sẽ chỉ nhận được vài sự lựa chọn hạn chế.
Trong suốt 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, binh sĩ cũng như lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã được huấn luyện và chiến đấu trong các đơn vị nhỏ, trên đất liền ở khu vực Trung Đông. Học thuyết Chống nổi dậy ("COIN"), trong đó nhấn mạnh kỹ thuật chiến đấu với các lực lượng nổi dậy vốn được tổ chức lỏng lẻo và sử dụng các loại vũ khí hạng nhẹ, đã trở thành "kim chỉ nam" cho quân đội Mỹ. Điều này khác xa với những chiến thuật được sử dụng trong thời Chiến tranh Lạnh.
David Deptula, một vị tướng về hưu và từng là sĩ quan tình báo hàng đầu của Không quân Mỹ, nhận xét: "Chúng tôi đã tập trung chủ yếu vào các hoạt động nhằm đối phó với các cuộc xung đột cường độ thấp ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, nếu muốn duy trì vị thế siêu cường, chúng ta cần phải được chuẩn bị để giành chiến thắng trên tất cả các phạm vi của các cuộc chiến tranh, chứ không chỉ đầu tư vào một khía cạnh cụ thể nào".
Thậm chí một vài nhà chiến lược còn hình dung về một tương lai lờ mờ rằng Nga và Trung Quốc vẫn chưa đủ mạnh để có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, và trong khi Washington vẫn chưa kiểm soát được tình hình ở Iraq và Afghanistan thì nước này đã lên kế hoạch "xoay trục" tới châu Á. "Trong nhiều năm qua, chỉ có một số ít người luôn nói về việc Nga và Trung Quốc đang phát triển các hệ thống tiên tiến để có thể đối chọi với những máy bay, tên lửa và tàu chiến 'thời kỳ Chiến tranh Lạnh' của chúng tôi", ông Deptula nói.
Giờ đây, khi Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đang chờ đợi các nhà hoạch định sẽ đưa ra kế hoạch gì để phản ứng lại với việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, hoặc triển khai lực lượng ở những nơi khác trong khu vực, họ có rất ít sự lựa chọn trong bối cảnh điều kiện tác chiến của quân đội đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Trong nửa thế kỷ trước, chiến lược quân sự thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ tập trung vào việc kiềm chế Nga và sẵn sàng giành chiến thắng trong một cuộc đụng độ giữa các lực lượng thông thường quy mô lớn. Trên bộ, chiến lược vạch ra hình thức tác chiến với việc hình thành hàng loạt đội, nhóm xung quanh xe tăng và vũ khí hạng nặng. Trên không, nó dựa vào sự thống trị của các loại hình tác chiến kiểu không đối không hỏa lực mạnh, radar gây nhiễu, tàng hình, máy bay tầm xa... để có thể tiêu diệt đối phương từ xa với sức hủy diệt lớn.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, chiến lược quân sự của Mỹ đã được “đại tu hoàn toàn”. Công tác huấn luyện và học thuyết tập trung vào các đơn vị chiến thuật nhỏ trong khi vũ khí mới và xe tăng được thiết kế để chiến đấu ở cấp chiến thuật chứ không phải ở cấp chiến lược. Các loại máy bay thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất, chiến tranh điện tử và trinh sát tín hiệu như F-22, với chi phí 187 triệu USD/1 chiếc dường như là quá đắt để sử dụng. Thay vào đó là các máy bay không người lái giá rẻ hơn gấp 10 lần, bay “rải rác” trên bầu trời Afghanistan và Iraq. Nhưng những máy bay không người lái này sẽ là vô dụng đối với Nga, nước có hệ thống phòng không tốt nhất trên thế giới.
"Hy vọng rằng tình hình ở Ukraine sẽ là một ‘gáo nước lạnh’ cho những ai còn cho rằng tất cả gì chúng ta cần là có thể tiến hành các hoạt động chống nổi dậy", ông Deptula cho biết và nói thêm rằng đang có những dấu hiệu cho thấy lợi thế công nghệ của Không quân Mỹ có thể bị xói mòn và mất ưu thế trước người Nga. Máy bay chiến đấu thế hệ mới của Nga, T-50, vẫn chưa đi vào hoạt động đầy đủ nhưng nó "sẽ được sản xuất sớm hơn nhiều như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và nhiều người khác đã dự đoán" và "một khi T-50 được sản xuất với số lượng đầy đủ, sẽ không có bất cứ lực lượng không quân nào trong khối NATO có thể đối phó được ngoại trừ F-22 và F-35", viên tướng lưu ý.
David Axe, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ quân sự thì nhận định T-50 có thể bắn tên lửa tầm xa trong khi đang bay ở tầm rất cao với tốc độ nhanh và nó có thể "khai thác lỗ hổng nghiêm trọng của quân đội Mỹ và đồng minh". Một cố vấn độc lập cho lực lượng không quân Australia đã đưa ra một kết luận nghiêm trọng hơn: "Nếu Mỹ về cơ bản không thay đổi kế hoạch của mình cho tương lai của lực lượng không quân chiến thuật, lợi thế có được trong nhiều thập kỷ sẽ sớm bị mất và không quân Mỹ sẽ trở thành một biểu tượng của lịch sử".
Trong khi máy bay của Nga dựa trên tốc độ và thời gian bay dài, phi đội máy bay của Mỹ chủ yếu được tập trung vào công nghệ tàng hình để tránh bị phát hiện và tấn công mục tiêu ở cự ly gần hơn. Nhưng khả năng tàng hình hiện đang bị thách thức bởi những tiến bộ trong công nghệ radar phát hiện và vũ khí chống máy bay của Nga.
"Hiện nay, Nga có một lợi thế lớn cả trên bề mặt lẫn trên không. Giống như một số lượng nhỏ máy bay thế hệ thứ 5 tiên tiến của Mỹ, người Nga có thể thực hiện việc chống tiếp cận với bất kỳ không phận nào trong phạm vị phòng thủ của họ, nếu họ muốn các máy bay của đối phương không được phép tiếp cận", ông Deptula nói thêm.
Từ năm 2001, Lầu Năm Góc đã có lý do chính đáng để ưu tiên dành chi tiêu cho lực lượng trên bộ ở Iraq và Afghanistan hơn là đầu tư cho môt cuộc chiến tranh trong tương lai, nhưng giờ mọi người đang nhận thấy thực tế đang diễn ra đúng như những gì Ông Deptula gọi là "một lực lượng không quân và hải quân Mỹ đang bị lão hóa". Theo một phân tích về việc cắt giảm quốc phòng của Viện Doanh nghiệp Mỹ công bố năm 2013, "quân đội Mỹ đã đóng cửa 100 cơ sở quân sự ở châu Âu từ năm 2003. Hải quân cũng đã được tinh giảm và đóng cửa một số cơ sở châu Âu. Kể từ năm 1990, Không quân Mỹ đã giảm số lượng máy bay và các lực lượng đóng quân ở châu Âu tới 75%. Hiện Lầu Năm Góc đang có kế hoạch tiếp tục cắt giảm sự hiện diện ở châu Âu thêm 15% trong thập kỷ tới".