Theo những số liệu do Bộ Quốc phòng Ấn Độ cung cấp, trong năm đầu tiên sau khi ký hợp đồng này, Nga và Ấn Độ mỗi bên sẽ chi cho dự án này 1 tỷ USD. Trong vòng 6 năm tiếp theo, mỗi năm Nga và Ấn Độ sẽ chi thêm 500 triệu USD nữa cho thực hiện dự án này.
“Trong tháng 12.2015, các nhà đàm phán Nga và Ấn Độ đã tạo ra được bước đột phá lớn trong việc hợp tác phát triển PAK FA và mỗi bên sẽ đóng góp 4 tỷ USD cho dự án này.
Dự án này sẽ mở ra cánh cửa cho việc chế tạo 250 máy bay tiêm kích thế hệ mới để thay thế cho Su-30MKI”- Nguồn tin cao cấp trong Bộ Quốc phòng Nga khẳng định.
Trong năm 2008, lượng tiền đầu tư của mỗi bên khoảng 5,5 tỷ USD, tương đương 6 tỷ USD nếu tính theo mức độ lạm phát như hiện nay.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán Hindustan Aeronautics Ltd của Ấn Độ và của tập đoàn Sukhoi của Nga đã đạt được thống nhất sẽ giảm khoảng 40% giá thành cho dự án này và dự định sẽ thực hiện dự án trong vòng 7 năm.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, hiện những đề xuất về khoản đóng góp 4 tỷ USD cho dự án của mỗi bên đang được Ủy ban mua sắm vũ khí quốc phòng xem xét, sau đó sẽ trình lên Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.
Trước đó, trong bài trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4.8.2015, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tuyên bố rằng mỗi bên sẽ chi 295 triệu USD để thiết kế sơ bộ dự án và mẫu cuối cùng của PAK FA đã được giới thiệu vào tháng 6.2013.
Đây cũng là thời điểm mà đáng ra, công tác chuẩn bị cho ký kết hợp đồng cuối cùng về hợp tác Nga-Ấn trong chế tạo máy bay tiếm kích thế hệ 5 sẽ được bắt đầu thực hiện.
Tuy nhiên, Không quân Ấn Độ trong vòng 2 năm gần đây đã lên tiếng chỉ trích dự án này và muốn gạt dự án sang một bên để mở đường mua các máy bay tiêm kích Rafale của Pháp.
Mặc dù vậy, do giá thành của Rafale khá cao nên phía Ấn Độ lại thực sự quan tâm đến dự án hợp tác cùng Nga chứ không phải mua sắm máy bay của Pháp.