Không quân VN tiến thẳng lên tiêm kích thế hệ 5 T-50 PAK-FA?

Bình Nguyên |

Khi biết Sergei Bogdan, người bay thử nghiệm máy bay tàng hình mới nhất của Nga có mặt ở VN, nhiều bạn đọc cho rằng Không quân ta sẽ sớm mua tiêm kích thế hệ 5 T-50 PAK-FA!

Cuối năm liên tiếp đón tin vui

Những ngày cuối năm 2015 vừa qua, Quân chủng Phòng không - Không quân liên tiếp có nhiều tin vui.

Trước hết là Sergei Bogdan - phi công thử nghiệm số 1 của Nga hiện nay cùng một số phi công thượng thặng của Tập đoàn Sukhoi, đã có mặt tại đất nước hình chữ S để tham gia huấn luyện nâng cao cho các phi công tiêm kích đa năng Su-30MK2 Việt Nam.


Sergei Bogdan - phi công thử nghiệm số 1 của Nga hiện nay đã có mặt tại Việt Nam.

Sergei Bogdan - phi công thử nghiệm số 1 của Nga hiện nay đã có mặt tại Việt Nam.

Qua đó, giúp phi công Việt Nam nhanh chóng tích lũy được những kinh nghiệm quý, khai thác tối đa tính năng của dòng máy bay tiêm kích hiện đại Su-30MK2 đang có trong trang bị.

Điều đó chứng tỏ Tập đoàn Sukhoi rất coi trọng khách hàng truyền thống thân thiết nhất ở ĐNÁ, sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất từ khi VN đặt mua máy bay mới, cho đến hậu mãi, đảm bảo kỹ thuật, đặc biệt là khâu huấn luyện đào tạo phi công.

Được biết, ông được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev phong tặng Danh hiệu Phi công Anh hùng Liên bang Nga vào tháng 7/2011, cho sự đóng góp to lớn của ông cho nền công nghiệp hàng không cũng như Không quân Nga.

Sergei Bogdan luôn là lựa chọn số 1 để bay thử các loại máy bay tiêm kích thế hệ mới của Nga như Su-35S và tiêm kích tàng hình thế hệ 5 T-50 PAK-FA.

Thứ hai, những ngày cuối năm vừa qua, theo thông tin của Interfax-AVN, Tập đoàn Sukhoi vừa bàn giao thêm một số máy bay tiêm kích đa năng hiện đại Su-30MK2 cho Việt Nam theo hợp đồng đặt mua 12 chiếc ký năm 2013.

Mặc dù, có vẻ như tiến độ bàn giao máy bay mới có vẻ hơi chậm hơn một chút so với kế hoạch trước đó, nhưng với số máy bay đã nhận trong thời gian vừa qua đã góp phần tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của Không quân Việt Nam.

Tuy nhiên, sự kiện Sergei Bogdan có mặt tại Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc, thậm chí có người còn cho rằng phải chăng Không quân Việt Nam sẽ tiến thẳng lên hiện đại với máy bay tiêm kích tàng hình T-50 PAK-FA!


Đồ họa các loại vũ khí hiện đại nhất mà T-50 PAK-FA đã và sẽ được trang bị.

Đồ họa các loại vũ khí hiện đại nhất mà T-50 PAK-FA đã và sẽ được trang bị.

Có quá viển vông khi mơ tới tiêm kích thế hệ 5 từ bây giờ?

Thật vậy, có rất nhiều bạn trẻ mong muốn Không quân được ưu tiên, thần tốc tiến thẳng lên hiện đại bằng máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 như T-50 PAK-FA, có thể xuất xứ từ Nga hay một liên doanh nào đó mà Nga đóng vai trò quyết định.

Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng "dịu" lại để đánh giá một cách khách quan rằng tại thời điểm này, liệu đã đủ chín muồi để Không quân Việt Nam tiếp cận với dòng máy bay hiện đại mà ngay cả phi công Nga cũng đang hết sức thèm muốn?

Trước hết, chủ trương tăng cường tiềm lực quốc phòng của Việt Nam là mua sắm vũ khí không phải để đi tấn công mà chỉ vừa đủ phòng thủ đất nước và phải phù hợp với điều kiện kinh tế của nước nhà.

Ủy viên Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
thượng tướng nguyễn chí vịnh
Thứ nhất là ta mua sắm với một tỉ lệ vừa phải, tương xứng với sự phát triển kinh tế của đất nước. Thứ hai, chúng ta mua sắm vũ khí trang bị chỉ vừa đủ để bảo vệ Tổ quốc mình. Chúng ta từng bước hiện đại hóa quân đội. Khi hiện đại hóa quân đội phát triển ở mức cao thì nó sẽ quay lại giúp phát triển kinh tế đất nước, ví dụ khoa học công nghệ quốc phòng phát triển thì có điều kiện chia sẻ nguồn lực cho các lĩnh vực khác.

Mua sắm bất cứ vũ khí gì đều phải căn cứ vào chiến lược quốc phòng, nghiên cứu kỹ đối tượng tác chiến trong tương lai, và quan trọng nhất là cách đánh. Không thể vì thích một loại vũ khí gì đó hiện đại mà phải mua cho kỳ được.

Nếu như vậy, rất dễ rơi vào vòng xoáy của các cuộc chạy đua vũ trang liên tu bất tận có thể làm kiệt quệ kinh tế. Mua sắm đến đâu phải phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế, điều kiện có đến đâu ta mua sắm đến đó.

Phải thừa nhận rằng, cho dù Quân chủng PK-KQ được xác định tiến thẳng lên hiện đại cùng với một số ít quân, binh chủng khác, nhưng để có được một lượng lớn vũ khí trang bị thế mới trong thời gian qua là cả một sự ưu tiên rất lớn của Nhà nước.

Ngay lúc này, khó có thể đòi hỏi một sự bứt phá mãnh liệt về ngân sách mua sắm giành cho Không quân bởi lẽ Quân đội ta cũng còn nhiều ưu tiên khác, nhất là khi sắp tới lục quân sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Hiện nay, vẫn chưa có nguồn tin chính thức nào đề cập đến đơn giá xuất khẩu của mỗi chiếc máy bay thế hệ mới này, nhưng nhiều chuyên gia quân sự phỏng đoán sẽ rơi vào tầm 120-150 triệu USD/chiếc, đắt gấp 2-3 lần Su-30MK2.

Rõ ràng, mức giá này dường như quá sức đối với Việt Nam không chỉ ngay thời điềm này mà còn cả trong nhiều năm tới.

Thêm nữa, mặc dù Nga luôn ưu đãi và khẳng định sẽ không bao giờ có cấm vận vũ khí với Việt Nam, nhưng tại thời điểm này mà đã nghĩ tới máy bay thế hệ 5 là quá sớm.

Bởi lẽ, dòng máy bay mới này vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm chứ chưa hoàn thiện tối ưu để sản xuất loạt, cần phải có thời gian, cho dù là rất sớm thôi, nhưng cũng sẽ phải mất một vài năm nữa.

Kể cả khi dây chuyền sản xuất chạy đúng tiến độ, thì tất nhiên Không quân Nga phải được ưu tiên số 1, trước khi tính đến chuyện xuất khẩu chí ít cũng phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu nhằm giữ cho cán cân quân sự không bị quá thiên lệch so với Mỹ - phương Tây.


Biên đội T-50 PAK-FA tham gia bay biểu diễn.

Biên đội T-50 PAK-FA tham gia bay biểu diễn.

 

Dựa trên đánh giá của các tổ chức nghiên cứu quân sự, để tiếp cận được T-50, Việt Nam vẫn còn phải xếp sau một số nước khác.

Trung tâm Phân tích Thị trường vũ khí Nga (TSAMTO) cũng dự báo trong giai đoạn từ 2030-2035, Việt Nam có thể sẽ đặt mua 12-24 chiếc máy bay tàng hình thế hệ 5 T-50 PAK-FA, bám đuôi Algeria, Syria, Venezuela, Indonesia,... hay thậm chí là cả Trung Quốc.

Chưa kể, với loại máy bay mới này, các tướng lĩnh Không quân Nga cũng như phi công của họ còn phải hoàn thiện nhiều thứ.

Trong đó, riêng khâu huấn luyện đủ phi công để vận hành thành thạo dòng máy bay mới đòi hỏi một thời gian khá dài. Nhưng điều quan trọng nhất là nghiên cứu cách đánh, chiến thuật phối hợp làm sao để khai thác hết tính năng của dòng máy bay mới sẽ phải mất nhiều năm.

Chắn chắn vài ba năm sẽ là không đủ. Tất nhiên, đấy là với Không quân Nga có tiềm lực cực mạnh và lực lượng phi công hùng hậu, tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm, còn với Việt Nam mọi thứ tại thời điểm này dường như là quá sức, nếu không nói là viển vông.

Phi công thử nghiệm Sergei Bordan thực hiện các động tác thao diễn khó trên máy bay thàng hình thế hệ 5 T-50 Pak-FA.

Cho dù phát biểu tại Triển lãm MAKS-2011, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (Nga) Ruslan Pukhov nói: "Tôi sẽ phỏng đoán rằng, khách hàng tiếp theo sau Ấn Độ sẽ là Việt Nam”.

Nhưng từ nay đến đó còn rất xa, thứ tự đó có thể sẽ thay đổi nhất là trong bổi cảnh thế giới đầy biến động, mọi chuyện có thể xảy ra.

Việt Nam rồi cũng sẽ tiến tới máy bay thế hệ 5, và lộ trình trên nếu có được rút ngắn thì cũng sẽ chỉ sớm hơn vài năm so với mốc 2030, chứ không thể là trước đó cả chục năm.

Do vậy, ta hãy cứ tạm yên tâm với Dự báo của TSAMTO rằng, các khách hàng tiềm năng mua T-50 PAK-FA ở Đông Nam Á là Indonesia (mua 6-12 chiếc vào năm 2028-2032), Việt Nam (12-24 chiếc, 2030-2035) và Malaysia (12-24 chiếc, 2035-2040).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại