Nga khoe sức mạnh tàu chiến hạng nhẹ
Ngày 23/10, hãng tin Sputnik đưa tin Phó Tư lệnh Hải quân Nga, Phó Đô đốc Viktor Bursuk cho biết, tàu hộ tống hạng nhẹ thế hệ mới mang tên lửa Kalibr-NK sẽ được trang bị cho tất cả các hạm đội của Nga.
Phát biểu trên kênh truyền hình Nước Nga 24 ông Bursuk nói: "Sẽ có sự tiếp nối hợp lý của những con tàu thuộc đề án 21.631, là tàu hộ tống hạng nhẹ, sản phẩm của cơ sở Almaz, Văn phòng Thiết kế Saint Peterburg.
Những con tàu này sẽ được chế tạo cùng lúc tại một số xí nghiệp. Lô tàu khá nhiều và sẽ được đưa vào trang bị cho toàn bộ 4 hạm đội của chúng ta".
Phó Tư lệnh Bursuk lưu ý, tên lửa Kalibr bố trí trên các con tàu này sẽ là vũ khí tấn công chính. Tên lửa dài 8,9 mét, có đầu đạn nặng 450 kg, có thể bay với tốc độ cận âm Mach 0,8 (980 km/h) và tầm bắn 1.500 - 2.500 km.
Tên lửa hành trình Kalibr sử dụng các hệ thống dẫn đường bằng định vị vệ tinh Glonass, dẫn đường quán tính và radar chủ động ARGS-14E.
Nó có thể bay sát mặt đất ở độ cao 50 mét, tự điều chỉnh đường đi dựa theo địa hình để tránh sự phát hiện của radar đối phương và có thể đánh trúng mục tiêu với độ sai lệch dưới 3 mét.
Tuyên bố trên của ông Bursuk được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và NATO đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông.
Tàu hộ tống hạng nhẹ thế hệ mới mang tên lửa Kalibr-NK sẽ được trang bị cho tất cả các hạm đội của Nga. Ảnh minh họa.
Vào hôm 22/10, nhà thầu Lockheed Martin của Mỹ vừa tuyên bố bay thử thành công phiên bản máy bay chiến đấu mới nhất của F-16 có tên F-16V Viper. Lockheed Martin khẳng định, F-16V là phiên bản chiến đấu cơ đa nhiệm hiện đại nhất của F-16 trên thị trường hiện nay.
Nó được trang bị một buồng lái với hệ thống máy tính và điều khiển được nâng cấp nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của máy bay.
Thậm chí Bộ Quốc phòng Mỹ còn chi 784 triệu USD để thiết lập và vận hành một hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo mới tại Moorestown, bang New Jersey và tại Căn cứ không quân Clear, bang Alaska.
Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Quốc tế Valdai ở Sochi, Tổng thống Nga Putin cho rằng, các căn cứ phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ tại đông Âu có thể sẽ được sử dụng để triển khai các vũ khí tấn công.
Ngoài ra, Tổng thống Nga còn bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc NATO ngày càng mở rộng các cơ sở hạ tầng quân sự của họ gần hơn đến các đường biên giới của Nga, bất chấp việc Nga trước đó đã nhiều lần phản đối việc Mỹ thiết lập lá chắn tên lửa ở châu Âu.
Giới chuyên gia quân sự nhận định việc tên lửa Kalibr-NK được trang bị cho các tàu hộ tống hạng nhẹ thế hệ mới trong các hạm đội của Nga tiếp tục là một động thái phô trương vũ khí.
Điều này cho thấy tiềm lực của tên lửa Nga, đồng thời cũng gián tiếp dằn mặt Nga và NATO khi những nước này đang có tham vọng gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông.
Mỹ và NATO ngán ngẩm?
Sức hủy diệt và tính chính xác cao của tên lửa hành trình Kalibr-NK đã được kiểm chứng trong cuộc không kích của quân đội Nga vào lực lượng phiến quân hồi giáo IS hôm 7/10 vừa qua.
4 tàu chiến của hải quân Nga trên biển Caspian đã bắn 26 quả tên lửa hành trình Kalibr vào lãnh thổ Syria từ khoảng cách 1.500 km, tiêu diệt nhiều mục tiêu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Thời điểm đó, cả Mỹ và các nước phương Tây đều ngỡ ngàng trước sức mạnh quân sự hùng hậu của Moskva.
Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên tiết lộ: "Loại tên lửa này cho phép Nga khống chế gần như toàn bộ châu Âu từ các tàu chiến trên Biển Đen. Họ có thể đe dọa đến toàn bộ châu lục này, giống như việc họ từng triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung SS-20 ở gần châu Âu trước đây".
Lần này, chính quyền tổng thống Putin lại tiếp tục khiến cho các quan chức quốc phòng NATO, đặc biệt là Mỹ lo ngại trong việc kiềm chế và đưa ra các biện pháp đối phó với tàu hộ tống hạng nhẹ thế hệ mới mang tên lửa Kalibr-NK.
Phó Tư lệnh Hải quân Nga, Phó Đô đốc Viktor Bursuk còn tuyên bố: "Tầm hoạt động của những tên lửa này nói lên rằng ngay cả khi tàu đậu ở Biển Đen vẫn có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách đủ xa.
Và hiển nhiên đó là điều bất ngờ khó chịu đối với những nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".
Việc Nga sử dụng các tàu tên lửa cỡ nhỏ trên biển Caspian để phóng Kalibr vào mục tiêu IS ở Syria, đồng thời trang bị thêm tên lửa này cho tàu hộ tống hạng nhẹ thế hệ mới khiến cho Mỹ và phương Tây hết sức quan ngại.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố với báo giới ở Lầu Năm Góc rằng Nga "là một mối đe dọa rất lớn".
Còn ông Mark Schneider, cựu chuyên gia chiến lược hạt nhân Lầu Năm Góc cho rằng, điều khiến Mỹ và phương Tây lo ngại hiện nay là họ không có trong tay loại vũ khí nào tương xứng về sức mạnh so với tên lửa Kalibr trang bị đầu đạn hạt nhân của Nga.
"Trong bản báo cáo hạt nhân năm 2010, Nhà Trắng cho biết đã loại bỏ phiên bản mang theo đầu đạn hạt nhân của tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu ngầm", ông này cho biết.
"Kalibr sẽ là loại vũ khí chính nhằm răn đe NATO. Các quyết định loại bỏ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tương đương của Mỹ trong suốt 25 năm qua đã khiến Nga gần như độc quyền về các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật", Schneider nhấn mạnh.