Tên lửa Klub xuất khẩu có vươn tới được tầm bắn của bản nội địa?

Phi Yến |

Các tên lửa Klub bản xuất khẩu đều phải tuân thủ Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), đó là không có tầm bắn trên 300 km và đầu đạn quá 500 kg, tuy nhiên...

Hôm 7/10, các chiến hạm thuộc Hạm đội Caspian của Nga đã gây tiếng vang lớn khi phóng tên lửa hành trình Klub vượt qua quãng đường 1.500 km để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Syria.

Đây là lần đầu tiên Hải quân Nga thực hiện đòn đánh phủ đầu "theo phong cách Mỹ", bằng loại vũ khí có tính năng rất tương đồng với Tomahawk.

Tàu hộ vệ tên lửa Buyan-M của Nga phóng tên lửa hành trình Klub
Tàu hộ vệ tên lửa Buyan-M của Nga phóng tên lửa hành trình Klub

Phiên bản tên lửa Klub được sử dụng trong đợt tấn công vừa qua là biến thể đối đất 3M-14T có tầm bắn lên tới 2.500 km.

Ngoài tên lửa đối đất, các tàu Buyan-M và Gepard của Hải quân Nga còn trang bị cả biến thể chống hạm siêu âm 3M-54T, tiêu diệt được mục tiêu cách xa tới 660 km.

Như vậy, tên lửa Klub nội địa của Nga có tầm bắn vượt trội phiên bản xuất khẩu là 3M-54E/TE (220 km) và 3M-14E/TE (300 km).

Sự khác biệt trên là do các tên lửa Klub bản xuất khẩu đều phải tuân thủ Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), đó là không có tầm bắn trên 300 km và đầu đạn quá 500 kg.

Gia đình tên lửa hành trình Klub
"Gia đình" tên lửa hành trình Klub

Vậy những quốc gia đã đặt mua Klub liệu có cách nào để tên lửa của mình vươn tới được tầm bắn của phiên bản nội địa? Hiện đang tồn tại 2 giả thiết sau đây:

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng các tên lửa Klub bản xuất khẩu hầu như không khác biệt nhiều so với bản nội địa, chỉ một vài sửa đổi nhỏ như viết lại phần mềm để tối ưu hóa quỹ đạo bay, kết hợp với điều chỉnh vòi phun nhiên liệu, chúng có thể nhanh chóng phục hồi tầm bắn ban đầu.

Cách thức này nghe qua có vẻ rất đơn giản, nhưng nếu không tiếp cận được với công nghệ lõi của Nga thì sẽ trở thành bất khả thi. Thực tế cũng cho thấy Nga không hề có ý định chia sẻ điều đó với bất cứ ai, kể cả đồng minh thân cận bậc nhất như Ấn Độ.

Thứ hai, đây là cách mà Ấn Độ đang làm, đó là hợp tác với Nga để phát triển phiên bản BrahMos biết tự quay về khi không tìm thấy mục tiêu.

Quãng đường tên lửa Brahmos bay hết tầm như hiện nay là 290 km, nếu muốn quay về nó sẽ phải đủ nhiên liệu để hành trình thêm 290 km nữa.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu BrahMos không quay về mà lại tiếp tục bay tới, đó là Ấn Độ sẽ có một tên lửa hành trình đối hạm tầm xa với tầm bắn trên 500 km, ngang với phiên bản nội địa Oniks của Nga.

Đây có thể coi là một chiêu lách luật rất khôn ngoan của Ấn Độ, vừa không ép Nga phải vi phạm Hiệp ước MTCR vừa tăng được tầm bắn của BrahMos lên mức gấp đôi.

Nếu một quốc gia bạn bè với Nga áp dụng cách thức này, họ sẽ có tên lửa đối đất 3M-14E/TE tầm bắn 600 km và tên lửa đối hạm 3M-54E/TE tầm bắn 440 km, mặc dù vẫn thua xa phiên bản nội địa nhưng cũng là quá đủ để tạo sức răn đe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại