Nga tìm kiếm đối tác chia sẻ công nghệ quân sự ở ĐNÁ

Ly Vy |

Nga đang tìm kiếm đối tác tin cậy để thiết lập các liên doanh quốc phòng. Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á cũng được xếp vào diện tiềm năng.

Tờ Russia & India Report đăng bài viết cho biết:

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang tập trung tìm kiếm các đối tác tin cậy vì không muốn bị tụt hậu trong lĩnh vực hợp tác khoa học-công nghệ trên thị trường vũ khí toàn cầu, hoặc tự cô lập khi từ chối những lợi ích của sự hợp tác toàn cầu.

"Hiện nay, Nga có hàng trăm liên doanh quốc phòng cũng như các dự án chuyển giao công nghệ quân sự cho nước ngoài" - ông Vladimir Gutenev, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Công nghiệp thuộc Duma Quốc gia Nga, nói.

"Một trong những lĩnh vực đầy hứa hẹn với chúng tôi là phát triển các liên doanh chế tạo linh kiện điện tử, đặc biệt để sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ. Trong lĩnh vực này, chúng tôi đang mở rộng hợp tác với Trung Quốc, Malaysia và Singapore" - ông Gutenev cho biết.


Tên lửa hành trình Brahmos, sản phẩm tiêu biểu cho việc hợp tác quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ.

Tên lửa hành trình Brahmos, sản phẩm tiêu biểu cho việc hợp tác quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ.

BRICS, SCO, EEU là những khối ưu tiên

Những đối tác triển vọng nhất cho sự hợp tác này là các quốc gia châu Mỹ Latinh, nhất là Venezuela, và các nước Nam Phi, Ấn Độ, Trung Quốc.

Chẳng hạn, tại Nam Phi, các dự án hợp tác đang được tiến hành trong ngành công nghiệp chế tạo đạn dược.

Ấn Độ đang chế tạo phiên bản xuất khẩu của máy bay thế hệ 5 PAK FA và đã vạch ra kế hoạch phát triển một mẫu máy bay vận tải quân sự.

Trong khi đó, với Trung Quốc, chương trình sản xuất một loại máy bay thân rộng và máy bay trực thăng hạng nặng thế hệ mới sử dụng công nghệ của Nga đang được lên kế hoạch.

Các đối tác tiềm năng trong việc thiết lập liên doanh quốc phòng và các đối tác ưu tiên cao hiện nay là những quốc gia tìm nguồn thay thế nhập khẩu từ phương Tây và Ukraine.

Đây là những nước thuộc các tổ chức BRICS, SCO và EEU như: Belarus, Kazakhstan, Malaysia, Singapore, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc.


Ấn Độ và Nga đang hợp tác phát triển phiên bản xuất khẩu của tiêm kích thế hệ 5 PAK FA.

Ấn Độ và Nga đang hợp tác phát triển phiên bản xuất khẩu của tiêm kích thế hệ 5 PAK FA.

Ông Gutenev nói:

"Chúng tôi quan tâm đến tất cả các nước này. Trước hết, họ là các đối tác tin cậy có thể đưa ra chính sách độc lập và thứ 2, họ có thị trường lớn.

Nga muốn phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài, tập trung vào việc phát triển một cơ sở sản xuất liên doanh để đảm bảo sự ổn định nguồn cung trong tương lai, cũng như sự bền vững của các mối quan hệ tốt đẹp".

Giới thiết kế thiết bị quân sự Nga nhận thấy rằng các công nghệ mang tính đột phá trong tương lai có thể được tạo ra từ các dự án hợp tác quốc tế.

Thế giới đang phát triển nhanh chóng khiến một công ty hay một đất nước riêng biệt khó có thể sản xuất ra nhiều công nghệ "độc".

Ông Sergey Goreslavsky, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosoboronexport cho biết:

Các dự án chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quân sự đang giành được thị phần trên toàn cầu.

Trong thực tế, Nga, cũng như nhiều quốc gia khác, đang trải qua sự thay đổi từ hợp tác quân sự truyền thống (tức là chỉ đơn thuần mua và bán) đến chuyển giao công nghệ và tiến tới liên doanh để phát triển công nghệ cao, sản phẩm thế hệ mới".

Các công ty tư nhân Nga chinh phục thị trường vũ khí

Các công ty tư nhân của Nga cũng đồng thời tìm cách khởi động các dự án hợp tác với nước ngoài.

Trong năm 2012, Hiệp hội Hàng không Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận với Irkut Engineering về việc sử dụng công nghệ Nga trên các máy bay không người lái phục vụ mục đích dân sự và nhu cầu quốc phòng tương lai.

Hiện tại, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang quan tâm đến các sản phẩm của Công ty Nghiên cứu và Chế tạo Moscow - ông Sergey Tytsyk, Giám đốc kỹ thuật của công ty này cho biết.

Tại triển lãm Russia Arms Expo 2015, công ty đã giới thiệu một thiết bị điều khiển hoàn toàn mới, có thể tích hợp lên các phương tiện không người lái. Thiết bị này mang tên SAU-9.1, cho phép cất cánh và hạ cánh trên đường băng hoàn toàn tự động.

Giới quân sự hy vọng rằng họ có thể sử dụng hệ thống này để vận chuyển người bị thương từ chiến trường, giảm thương vong cho phi công trong các tình huống nguy cấp.

"Chúng tôi đang đàm phán chặt chẽ với các tổ chức nghiên cứu ở Ấn Độ và Ả Rập Xê Út. Những quốc gia này đang quan tâm đến chuyên môn của chúng tôi trong lĩnh vực chế tạo máy bay không người lái và tham gia vào các dự án hợp tác" - ông Tytsyk nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại